Nhật Bản: Hầu hết phụ nữ Nhật Bản đều bị gián đoạn trong sự nghiệp

15/01/2010
Tokyo, ngày 20 tháng 12 (IPS) – Tomoko Ando và chồng đã ly dị vì cô không chịu bỏ nghề luật sư để chăm lo gia đình. Tình trạng thiếu các nhà trẻ đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những phụ nữ như Ando vì vừa muốn tiếp tục làm việc vừa muốn có gia đình.

“Đó là một quyết định đau đớn” người phụ nữ 35 tuổi tâm sự. “Tôi đã phấn đấu rất nhiều để trở thành luật sư và tôi không muốn từ bỏ sự nghiệp của mình vì trách nhiệm nuôi con và công việc nội trợ.”

Rất nhiều phụ nữ Nhật Bản phải bỏ việc vì thiếu các cơ sở trông trẻ. Hơn 25.384 trẻ em vẫn nằm trong danh sách chờ. Chính phủ mới dự kiến sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể vào cuối tháng 1 để giúp giải quyết tình trạng này.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, 42% phụ nữ không đi làm lại sau khi sinh con. Theo sách trắng của Chính phủ về Bình đẳng giới năm 2009, chỉ 7% nam giới giúp đỡ công việc gia đình, trong khi 90% các bà vợ làm tất cả mọi việc.

Kể từ thập niên 1970, khi có những thay đổi lớn về kinh tế-xã hội ở Nhật Bản, phụ nữ đã trì hoãn việc kết hôn và sinh ít con hơn. Tỷ lệ con trung bình của mỗi gia đình là 1,3; một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới. Tuổi kết hôn trung bình ngày nay là 28, tăng 2,7 tuổi trong hơn 20 năm qua.

Nhiều nhóm các nhà hoạt động xã hội của phụ nữ cho rằng Nhật Bản cần khuyến khích phụ nữ ở nơi làm việc, đặc biệt nếu họ muốn duy trì một lực lượng lao động và theo kịp tốc độ phát triển toàn cầu. Nơi làm việc vẫn là trở ngại đối với phụ nữ do sự phân biệt đối xử và các trách nhiệm gia đình.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, trong tổng số dân từ 15 tuổi trở lên, chỉ có 24,04% nữ giới đang tham gia lao động

“Sự thật là có rất ít vị trí giành cho các bà mẹ ở nơi làm việc” Chị Mari Miura đại học Sophia ở Tokyo cho biết. “Tuy nhiên điều kiện cho phụ nữ cũng đã được cải thiện nhiều, vì bây giờ có tiêu chuẩn nghỉ chăm con và nhà trẻ ở nơi làm việc, lịch làm việc linh hoạt và quyền từ chối làm ca đêm.”

Hơn nữa, Nhật Bản có chế độ nghỉ thai sản, 6 tuần trước và 8 tuần sau khi sinh, tuy nhiên nhà trẻ thì vẫn thiếu.

“Thật tuyệt vời khi có thể dành nhiều thời gian cho con khi được nghỉ lâu như vậy, tuy nhiên nếu xét trên góc độ nghề nghiệp thì thời gian nghỉ dài như vậy sẽ không tốt cho phụ nữ” Chị Miura cho biết “Mặc dù phụ nữ muốn đi làm trở lại sớm hơn thì nhiều khi cũng khó vì thiếu các nhà trẻ”. Hơn nữa, dịch vụ trông trẻ từ 0-1 tuổi rất đắt đỏ.

Phụ nữ cũng khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình vì thời gian làm việc dài, “Điều này gây ra những áp lực tâm lý lớn đối với những phụ nữ làm việc,” chị Miura chia sẻ với IPS.

Thêm nữa, phụ nữ phải đương đầu với sự phân biệt đối xử. Nó thể hiện từ khâu tuyển dụng; nhiều công ty có một hệ thống phân việc đa cấp (các tiêu chí quản lý công việc). Cấp đầu tiên là loại bó buộc nhất, tiếp đến là các cấp khác. Phụ nữ được tuyển dụng ở cấp này cực kỳ thấp.

Lý do mà chỉ số ít phụ nữ được tuyển dụng ở cấp đầu tiên là vì công việc đòi hỏi phụ nữ làm việc nhiều giờ và chấp nhận yêu cầu điều chuyển của công ty. Dù họ có quyền từ chối làm ngoài giờ, nhưng như vậy thì lại phải có người làm thay cho họ.

Chị cho biết, còn một vấn đề khác là trên một nửa phụ nữ Nhật Bản không phải lao động thường xuyên. “mà lao động không thường xuyên sẽ không được hưởng các quyền như lao động thường xuyên.”

Chỉ trong gia đình phụ nữ mới có quyền lực. Họ là người ra quyết định. Thông thường phụ nữ nắm vai trò quản lý chi tiêu của gia đình khi nam giới bận đi làm để chia sẻ trách nhiệm gia đình.

Sandra Shoji, một giảng viên trường Đại học quốc tế Tokyo, sau khi nói chuyện với sinh viên và quan sát những đứa trẻ hàng xóm, cho rằng xu hướng phụ nữ lấy chồng muộn đang thay đổi do suy thoái kinh tế, ít việc làm và lương thấp.

Các sinh viên nữ bây giờ vừa muốn có việc làm vừa muốn lấy chồng để đảm bảo tài chính và có chỗ dựa tinh thần. Nhiều bạn gái cho rằng họ khó có cơ hội kiếm được một việc làm chính thức trong tình hình kinh tế như hiện nay.

Shoji cho biết “Vì vậy, thay vì mệt mỏi tìm việc làm, thì kết hôn còn thú vị hơn nhiều, đặc biệt khi ở Nhật Bản nội trợ được coi là nghề cao quý và chính thống.”

Người nội trợ có thể mặc quần áo theo ý thích, trang hoàng nhà cửa và có những đứa con đáng yêu. Họ có thể đi mua sắm cùng những người bạn gái đã kết hôn, mang theo con trên những chiếc xe nôi thời trang.

Trên tàu hoả, phụ nữ đọc sách và tạp chí viết về cách tìm chồng. Họ tham dự những bữa tiệc hẹn hò tốc độ để mong kiếm được một tấm chồng hơn mình vài tuổi và có công việc chính thức.

Shoji nói “Tôi rất ngạc nhiên khi biết ngày càng có nhiều nữ sinh đại học hẹn hò với nhân viên văn phòng”. “Họ đang tìm kiếm một người chồng có việc làm, điều mà ngày càng khó tìm trong thời gian này.”

 

Phụ nữ làm việc

Theo Viện Nghiên cứu dân số và An sinh xã hội quốc gia, dân số Nhật Bản có thể giảm 25% vào năm 2050 nếu tỷ lệ sinh không tăng lên.

Chính phủ mới của Nhật Bản dưới quyền Thủ tướng Yokio Hatoyama hứa đưa tỷ lệ sinh trở lại mức ổn định và giảm chi phí nuôi trẻ.

Chính phủ muốn trợ cấp cho các gia đình có con dưới 15 tuổi mỗi tháng 125 đô la kể từ tháng 4 năm 2010 và tăng lên 290 đô la cho năm tiếp theo. Nhưng kế hoạch này vẫn chưa được phê duyệt.

Takamato Takamatsu, một phiên dịch thường xuyên phải đi công tác, vừa làm việc vừa nuôi hai con trai. Hiện tại, hai cậu con trai của cô đang học đại học.

Cô cho biết “Tôi có thu nhập cao hơn nhiều người vì vậy tôi có thể thuê người trông trẻ” “Dù rằng người Nhật nhìn tôi với thái độ hoài nghi vì việc thuê người trông trẻ vẫn chưa được chấp nhận ở đây”. Nhưng tôi nói với họ tôi được nuôi dạy ở Mỹ, vì vậy tôi bỏ qua mọi luật lệ.

Ở Nhật Bản, thái độ đối với phụ nữ đang dần được thay đổi. Nhưng quan niệm cho rằng phụ nữ nên ở nhà đã có từ rất lâu. Mãi đến sau Chiến tranh thế giới thứ II phụ nữ mới bắt đầu đóng vai trò tích cực trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Trước chiến tranh, Hiến pháp không đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ; phụ nữ không có quyền bầu cử hay ứng cử. Vào thời đó, theo Bộ luật dân sự, những bà vợ được xem là những người không có hiệu quả, họ không có quyền sở hữu tài sản hay thừa kế; thậm chí quyền của người mẹ cũng hạn chế.

Sau chiến tranh, Hiến pháp năm 1946 đã đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ theo luật.

Tuy nhiên theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Chính phủ, 50% số người tham gia khảo sát cho rằng người chồng nên đi làm, còn người vợ nên ở nhà và chăm lo con cái.

Takamatsu người phản đối xu hướng này đã có nhận xét ”Cả hai con trai tôi đều đỗ vào trường đại học hàng đầu, tôi nghĩ điều này sẽ làm một số phụ nữ hay chỉ trích những người mẹ làm việc phải suy nghĩ lại. Có lẽ họ sẽ vị tha hơn và ủng hộ sự lựa chọn của con gái mình (hoặc con dâu mình).

Biên dịch: Ban Quốc tế
Theo Catherine Makino

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video