Nhân rộng mô hình làm mẹ an toàn

23/10/2011
Trong hợp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản do Quỹ dân số LHQ hỗ trợ, nhiều hoạt động được triển khai để nâng cao chất lượng dịch vụ làm mẹ an toàn (LMAT).

Chương trình thực hiện ở bảy tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Kon Tum, Ninh Thuận, Tiền Giang và Bến Tre, trong đó ưu tiên vào cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh; kết hợp truyền thông tăng cường nhận thức của cộng đồng về các vấn đề LMAT để tăng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế.

Kết quả rà soát cuối kỳ vừa được thực hiện cho thấy, chương trình rất phù hợp, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Dân số sức khỏe sinh sản, 2006-2011 và xây dựng Kế hoạch một Liên hợp quốc mới giai đoạn 2012- 2016.

Về cơ bản can thiệp LMAT, chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh đã hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra. Các giải pháp can thiệp triển khai tốt, phù hợp từng địa phương. Cán bộ y tế được đào tạo nâng cao năng lực; trang thiết bị y tế được cung cấp hợp lý cho các tuyến phục vụ việc cung cấp dịch vụ ở các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế đã tiến hành thực hiện được cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản ở tuyến xã và cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện ở tuyến huyện. Ðồng thời nhận thức của người dân về những can thiệp LMAT, chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh được nâng lên. Can thiệp có hiệu quả thông qua các nhóm cộng đồng đích tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về LMAT, nam giới nâng cao nhận thức và đã chủ động hơn trong tham gia các hoạt động. Các bậc cha, mẹ tích cực chia sẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ðặc biệt, các can thiệp góp phần quan trọng trong thay đổi tập quán sinh con tại nhà của dân tộc thiểu số tại Kon Tum cũng như các vùng dân tộc ở các tỉnh khác. Các cơ sở y tế đã tăng cường cung cấp dịch vụ LMAT, chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh ở các tuyến theo mục tiêu đề ra. Người dân cũng đã chủ động trong các hoạt động và tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế gần nhất. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Triển khai thành công can thiệp cho thấy, việc huy động được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương có vai trò then chốt. Huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và phối kết hợp chặt chẽ trong triển khai chương trình là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của các can thiệp cũng như trong truyền thông cộng đồng, nâng cao hiểu biết của người dân. Các chương trình đào tạo phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương, nâng cao năng lực của cán bộ y tế và người làm công tác truyền thông. Việc thiết kế các can thiệp phù hợp, có sự tham gia của người dân, lồng ghép với hoạt động thường quy của cơ sở, cam kết hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhân rộng mô hình nếu tính khả thi cao, bảo đảm nguồn tài chính từ các nguồn khác nhau (xã hội hóa) và sự cam kết sử dụng dịch vụ y tế địa phương là những yếu tố then chốt cho sự thành công của can thiệp.

Dựa trên kết quả của các rà soát, nhóm nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình nhằm góp phần thực hiện chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Theo đó ngành y tế cần tiếp tục xây dựng các mô hình can thiệp LMAT, chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh. Thiết kế can thiệp cần phù hợp từng địa phương, nhất là các yếu tố liên quan đến điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội và phong tục tập quán để có thể đưa ra các mô hình và định hướng can thiệp phù hợp, hiệu quả mà không áp đặt một mẫu chung. Ðối với các tỉnh miền núi, có đông người dân tộc thiểu số, việc đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản nên được đẩy mạnh. Việc đào tạo cán bộ y tế cần phải áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên kỹ năng, đào tạo theo kíp, và đào tạo liên tục để nâng cao năng lực.  Các chương trình đào tạo phải chú trọng vào việc cứu sống mẹ và sơ sinh. Có thể tiến tới xây dựng chương trình đào tạo chứng chỉ về chăm sóc sơ sinh cho cán bộ y tế để tăng cường số lượng và chất lượng chăm sóc sơ sinh, nhất là tại tuyến huyện. Tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo và chính sách cán bộ đối với cô đỡ thôn bản, cũng như các hướng dẫn, quy định về mặt kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị, thuốc thiết yếu, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình cung cấp dịch vụ để họ có thể thực hiện được dịch vụ tại thôn, bản.

Các địa phương tiếp tục ủng hộ cam kết việc duy trì và mở rộng các can thiệp. Cần có một đánh giá về tình trạng cung cấp và nhu cầu, sử dụng dịch vụ LMAT, chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh của người dân. Dựa trên kết quả đánh giá để xây dựng chiến lược đầu tư theo khu vực để thật sự đáp ứng nhu cầu của địa phương chứ không theo các mô hình chung. Có chiến lược ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế bằng các chương trình đào tạo, sử dụng cán bộ phù hợp và có chế độ đãi ngộ phù hợp. Phối kết hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương duy trì và mở rộng hoạt động của các nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tập trung vào các tỉnh miền núi, giao thông không thuận lợi để chuyển tải thông điệp chính là khám thai và sinh tại cơ sở y tế. Có kế hoạch nhân rộng mô hình cô đỡ thôn bản đối với các thôn bản dân tộc ở vùng núi cao...

Theo nhandan.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video