Nhà khoa học nữ 32 tuổi nhận giải thưởng Nghiên cứu trẻ xuất sắc về Vật lý

17/11/2020
Nữ tiến sĩ TS Lê Thị Cẩm Tú, trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa được trao giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 vì có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khác có liên quan.
TS Lê Thị Cẩm Tú, nghiên cứu viên cơ hữu thuộc Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu - trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam (Vietnamese Theoretical Physics Society - VTPS) vừa trao giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 cho TS Lê Thị Cẩm Tú, Nghiên cứu viên cơ hữu thuộc Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu - trường ĐH Tôn Đức Thắng.

TS Lê Thị Cẩm Tú (32 tuổi) làm việc tại trường ĐH Tôn Đức Thắng từ tháng 10/2018 và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Vật lý vào năm 2019 tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Cho đến nay, TS. Lê Thị Cẩm Tú là tác giả của 8 công trình trên các tạp chí ISI, trong đó có 2 công trình trên Tập san Physical Review A, một tập san hàng đầu về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society).

Tập san Physical Review A (ISSN: 2469-9926, Nhà xuất bản Amer Physical Society) thuộc loại tập san ISI có chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) năm 2019 là 2.777 theo Journal Citation Reports (Clarivate, Mỹ), và chỉ số H-index là 249 theo Scimago (SJR, Tây Ban Nha), với chuyên ngành hẹp là Atomic and Molecular Physics, and Optics.

Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam (VTPS) vừa trao giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 cho TS Lê Thị Cẩm Tú.

TS Lê Thị Cẩm Tú có hai công trình được trao tặng giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020 của Hội Vật lý lý thuyết. Trong đó, công trình thứ nhất: “Effect of the dynamic core-electron polarization of CO molecules on high-order harmonic generation” (Hiệu ứng của phân cực lõi động lên phổ sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO).

Công trình này khảo sát ảnh hưởng của phương pháp phân cực lõi động (DCEP) đối với phân tử CO trong việc tạo sóng điều hòa bậc cao (HHG) bằng cách giải phương trình Schrödinger phụ thuộc thời gian (TDSE).

Cùng với phương pháp DCEP, sự thay đổi tốc độ ion hóa cũng có tính tương quan chặt chẽ với cường độ HHG. Để chứng minh rõ hơn về nguồn gốc của phương pháp này, công trình cũng đề cập đến việc DCEP có thể tạo ra điện thế hiệu dụng tương ứng với sự thay đổi tốc độ ion hóa. Ngoài ra, phương pháp DCEP còn có thể được áp dụng để xử lý và tính toán HHG cho nhiều đối tượng nghiên cứu khác một cách thuận tiện hơn.

Công trình thứ hai là “Influence of dynamic core-electron polarization on the structural minimum in high-order harmonics of CO2 molecules” (Ảnh hưởng của phương pháp phân cực lõi động lên cấu trúc sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO2).

Theo nghiên cứu này, phương pháp phân cực lõi động sử dụng tia laser (DCEP) được xem là một phương pháp quan trọng trong quá trình ion hóa các phân tử phân cực như CO.

Phương pháp này làm ảnh hưởng đến cường độ sóng điều hòa thông qua sự ion hóa tại một thời điểm cụ thể thay vì toàn bộ khoảng thời gian tương tác. Bài báo này chỉ ra rằng DCEP có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tạo sóng điều hòa bậc cao (HHG).

Do đó, phương pháp DCEP có thể làm sắc nét phổ sóng HHG trong quá trình giao thoa sóng. Để làm rõ hơn vấn đề này, bài báo có đề cập đến phương trình Schrödinger phụ thuộc thời gian dành cho trường laser của phân tử CO2 nằm trong khung electron đơn.

Hai công trình này là cả một quá trình nghiên cứu dài hạn và công phu, do những bài báo được đăng trên Tập san Physical Review A đều có yêu cầu rất cao về tính mới và tiên phong trong lĩnh vực khoa học.

Với thành tích trên, TS Lê Thị Cẩm Tú đã được Ban tổ chức Hội nghị Vật lý lý thuyết lần thứ 45 do Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với VTPS tổ chức từ ngày 12/10 đến 14/10/2020 tại tỉnh Vĩnh Phúc mời trình bày báo cáo.

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) chia sẻ: “Việc TS Lê Thị Cẩm Tú, một nghiên cứu viên cơ hữu của trường, được Giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2020 của Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam là một thông tin rất đánh khích lệ cho các nhà khoa học của trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Điều đặc biệt, TS Tú là một nhà khoa học nữ và mới 32 tuổi. Tập san Physical Review A do Hội Vật lý Hoa Kỳ xuất bản và rất uy tín trong chuyên ngành”.

Cũng theo TS Út, trường ĐH Tôn Đức Thắng có một bảng xếp hạng các tập san khoa học quốc tế có uy tín cao trên thế giới và các nhà khoa học của TDTU luôn phấn đấu công bố công trình của họ trên những tập san hạng cao, vì điều quan trọng của các nhà khoa học là phải có công trình công bố trên những tận san khoa học hạng cao để có thể xây dựng sự nghiệp khoa học một cách chắc chắn và bền vững, bên cạnh các lợi ích khác về kinh tế.

Từ bảng xếp hạng tập san này, nhà trường không cần thiết phải quá áp lực về hạng của các công bố khoa học đối với từng nhà khoa học, mà chính các nhà khoa học tự áp lực cho chính mình để có thể phát triển sự nghiệp khoa học của họ.

“Cộng đồng nghiên cứu Vật lý ở Việt Nam khá mạnh nên việc TS Tú đạt giải năm nay có thể nói là rất vinh dự, phản ánh một phần trong chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học có chiều sâu của TDTU.

Bên cạnh giải thưởng của TS. Tú năm nay, đã có nhiều nhà khoa học của TDTU đã được vinh danh trong và ngoài nước trước đó như: TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu với Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 danh cho nhà khoa học trẻ, TS Phạm Thị Thu Hà với Giải thưởng L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019 và được vinh danh vào tốp 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 bởi Tạp chí Asian Scientist (Singapore), hai nhà khoa học (trong số 10 nhà khoa học của Việt Nam) gồm TS Nguyễn Thời Trung (giáo sư thực thụ) và TS Thái Hoàng Chính được vinh danh vào tốp 100.000 nhà khoa học có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo Scopus năm 2019….”, TS Út nói.

baovinhphuc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video