Nhà báo nữ Afghanistan và những thử thách nghiệt ngã của nghề

17/09/2019
Ở Afghanistan, do những luật lệ xã hội khắc khe, phụ nữ rất khó khi ra ngoài học tập, làm việc. Đặc biệt là với nghề báo, các nhà báo nữ phải liên tục đối diện với những lời đe dọa, những hiểm nguy chực chờ đe dọa tính mạng của họ. Để bám trụ được với nghề, họ phải có lòng can đảm và ý chí kiên cường.

Bám trụ với nghề vì mục tiêu bình đẳng giới

Sáng 28/9/2015, bà Sediqa Sherzai - Giám đốc, người sáng lập đài phát thanh truyền hình Roshani tọa lạc tại thành phố Kunduz, phía Bắc Afghanistan cùng chồng trên đường đi đến đài làm việc thì nghe tiếng súng nổ, tiếng tên lửa bắn nhau vang rền cả một góc trời. Bà gọi những nhân viên của mình đang ở trong đài đi sơ tán. Đồng thời quay xe trở về nhà đợi cuộc xung đột lắng xuống.

Sau đó, khi trở lại chỗ làm, bà hết sức đau lòng khi chứng kiến toàn bộ công sức của mình và đồng nghiệp gây dựng trong gần 10 năm gần như bị phá hủy hoàn toàn. Ti vi, máy vi tính, các thiết bị ghi âm, máy móc hỗ trợ phóng viên tác nghiệp bị hư hại nặng, tài liệu thì bị cháy rụi. Trước đó, những phóng viên của bà liên tục nhận những lời đe dọa: “Hãy từ bỏ nghề báo đi nếu như không muốn bị giết chết”.

Dù bị Taliban đe dọa mạng sống và phóng tên lửa thiêu rụi nơi làm việc, nhưng các phóng viên của đài Roshani vẫn kiên cường bám trụ công việc

Đài phát thanh Roshani của bà Sherzai có 9 nhà báo nữ và 4 nhà báo nam. Các chương trình của đài tập trung vào các thông tin liên quan đến phụ nữ, được phát sóng từ 6 giờ sáng đến 2 giờ khuya. Trong hơn 10 năm qua, bà và các đồng nghiệp vẫn miệt mài làm việc bất chấp mọi hiểm nguy để giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình có cuộc sống tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc hơn. Thính giả của đài phát thanh không chỉ có phụ nữ mà còn có cả nam giới nên đó là cơ hội tốt để thay đổi nhận thức xã hội. Chính vì thế mà cơ quan của bà lọt vào tầm ngắm của Taliban.

Sau khi bị quân nổi dậy tấn công, đài Roshani phải ngừng phát sóng gần 3 tháng. Trong khi bà Sherzai gần như tuyệt vọng không biết làm thế nào để khôi phục lại công ty thì một số mạnh thường quân đã đến hỗ trợ bà trang bị lại thiết bị, máy móc... Khi đài phát thanh được khôi phục và bắt đầu phát sóng trở lại, nhiều nữ thính giả gọi đến đài bày tỏ sự vui mừng. Tuy nhiên, vì sợ Taliban tấn công lần nữa nên bà không dám công khai địa chỉ mới của công ty mình.

 Ảnh minh họa

 Các nhà báo nữ Aghanistan phải xuyên qua “làn tên mũi đạn” để sống với nghề

Nhà báo nữ giữa sóng gió

Theo thống kê của viện Georgetown về phụ nữ, hòa bình và an ninh, Afghanistan được xếp vào danh sách một trong những nước nguy hiểm nhất dành cho phụ nữ. Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2018, 7 nữ nhà báo của nước này đã bị giết hại. Không chỉ bị thiệt mạng trong khói lửa chiến tranh, 70% các nhà báo nữ Afghanistan thường xuyên bị đe dọa bởi Taliban và cả những người đàn ông mang nặng tư tưởng phong kiến bảo thủ ở xung quanh nọ.

 Ảnh minh họa

 Mẹ của nhà báo Meena Mangal ôm di ảnh con trong niềm đau xót

Vụ ám sát Meena Mangal, một phóng viên, người dẫn chương trình truyền hình gần đây đã minh chứng cho điều đó. Không chỉ là một nhà báo nổi tiếng, cô còn là cố vấn của quốc hội, thường lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của phụ nữ. Gia đình cô cho rằng, nguyên nhân khiến cô bị ám sát chính là do công việc đấu tranh cho phụ nữ và trẻ em gái. Ông Robina Shinwari, chuyên gia của tổ chức Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan cho biết: "Cho dù cơ hội việc làm tốt đến đâu nhưng nếu cuộc sống bị đe dọa, phụ nữ sẽ chọn ở nhà hoặc làm điều gì đó ít rủi ro hơn".

Cô Zalma Kharoti là một trường hợp như thế. Khi những lời đe dọa đến với cô ngày càng nhiều, cô bị khủng hoảng tâm lý đến mức phải xin tạm ngưng công việc của người dẫn chương trình truyền hình để tìm lại sự bình yên cho cuộc sống của mình.

 Ảnh minh họa

 Vì yêu công việc, những nhà báo nữ ở Aghanistan sẵn sàng vượt qua những thử thách nghiệt ngã của nghề

Ủy ban An toàn Nhà báo Afghanistan nói rằng, họ đã thực hiện các biện pháp để cải thiện sự an toàn và hỗ trợ các nhà báo nữ tác nghiệp thuận lợi hơn. Ông Tadamichi Yamamoto - Trưởng Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan nói rằng Liên hợp quốc đang tiếp tục thúc đẩy chính phủ Afghanistan thực hiện các biện pháp cải thiện an toàn cho nhà báo và thúc đẩy một phương tiện truyền thông mở, nơi không sự áp bức với những người đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của báo chí.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video