Người thợ may cụt chân góp phần gìn giữ di sản áo dài

02/03/2020
Cả tỉnh Hậu Giang có đến cả trăm người may áo dài, nhưng cô Dung chắc là người thợ may đặc biệt, dù chỉ có một chân nhưng đã 33 năm gắn bó với nghề, làm đẹp cho nhiều người.
Với bà Dung, người thợ may áo dài đúng nghĩa như một nghệ sĩ, đã làm phải có tâm với nghề.

60 năm tuổi đời, nhưng có đến 33 năm gắn bó với nghề may áo dài, với nhiều người, bà Phạm Thị Dung, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, xứng đáng là “Nghệ nhân may áo dài” nếu có danh hiệu này. Nói tới nghệ nhân, bà Dung cười, nói không dám nhận. Bà chỉ nhận mình là người làm nghề có tâm. “Cái nghề này làm dâu trăm họ. Mình phải chiều ý khách, theo sở thích của khách hàng, làm không như ý phải sửa chữa, làm sai bị nói nặng nhẹ, đôi khi còn phải đền áo cho khách. Ở thành phố Vị Thanh này và cả tỉnh Hậu Giang, có rất nhiều nhà may áo dài, đâu chỉ riêng tôi, nếu công nhận nghệ nhân chắc cũng nhiều lắm”, bà Dung chia sẻ.

Không nhận là nghệ nhân, nhưng với bà, người thợ may áo dài có thể coi mang cốt cách một nghệ sĩ, phải sáng tạo cho phù hợp với từng người, từng vóc dáng, cá tính. Chiếc áo dài như một bản nhạc, người may là một nghệ sĩ, mỗi người sẽ có sự thể hiện khác nhau và mỗi nghệ sĩ đó sẽ có khán giả cho riêng mình, ai thích nghe kiểu gì có kiểu đó, giống như mỗi thợ may có một lượng khách ruột vậy. “Khi bắt đầu nghề may, tôi luôn tự nói với mình, người ta đến với mình là để đẹp hơn, nếu mình không thể làm cho khách đẹp hơn thì mình không nhận”, bà Dung chia sẻ.

Thành danh tại Vị Thanh với nghề may áo dài, nhưng ít ai biết hành trình tạo được một thương hiệu cho riêng mình với bà Dung đầy gian nan và nước mắt. Năm 7 tuổi, bà bị cưa chân trái vì đạp trúng mìn, sau biến cố đó, cả gia đình dắt díu nhau lên Sài Gòn làm thuê, làm mướn kiếm sống. Học hết lớp 9, bà nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình và cũng vì đi đứng quá khó khăn. Ngày xưa, những cô nữ sinh ở quê hay mơ làm cô giáo, nhưng bà Dung nghĩ mình khó theo nghề gõ đầu trẻ, tự định hướng sẽ làm nghề tóc hoặc nghề may, vì mẹ bà cũng làm nghề may vá, bà thích những công việc tỉ mỉ. Mỗi ngày bà học một ít từ mẹ, các chị trong gia đình, đến năm 27 tuổi bà chính thức ra nghề, rời quê Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ), lên Vị Thanh mở một cửa tiệm nho nhỏ, không biển hiệu. Nhờ may khéo, lại được Tổ nghề đãi, giao tiếp tốt, chuyện làm ăn của bà ngày một ổn định.

Hạnh phúc riêng của bà không trọn vẹn, chồng mất sớm, bà một mình nuôi đứa con trai độc nhất. Giờ mẹ có tiệm may, con làm nghề tóc. Trước kia con trai cũng phụ giúp may áo dài, nhưng thấy khó gắn bó lâu dài, nên đi học nghề tóc - nghề yêu thích khi trẻ của mẹ mình.

Giờ, để ra một chiếc áo dài, bà Dung chia sẻ thẳng thắn không phải một mình bà làm từ A đến Z, mà phân chia ra nhiều khâu, như một “dây chuyền gia đình”, người cắt, người làm bâu, người ráp, người ủi, người đính hột, đính hoa…

Hồi trước, bà dạy rất nhiều học trò may áo dài, nhưng sau này, bà thấy nếu chỉ dạy, bà sẽ may rất ít, như vậy tay nghề khó nâng cao lên được, nên sau này bà ít nhận dạy. Ngày xưa, một năm học với bà mỗi học trò đóng 1 chỉ vàng. Bà nói dạy để may được áo dài, một vài tháng là được, nhưng để thành thợ may áo dài thì ngoài chuyện dạy của thầy cô, còn kỹ năng của mỗi người và lòng yêu nghề, không phải ai học xong cũng thành thợ.

Từ khi bị cưa chân, xương sống của bà bị yếu và kéo theo đó là căn bệnh loãng xương, nghề may lại ngồi nhiều, bà bị vẹo cột sống, chấn thương xương khớp và nhiều căn bệnh liên quan đến xương khớp. Qua mấy lần mổ, bác sĩ khuyên nên nghỉ may vì đã 60 tuổi, nhưng khi thấy khách còn cần mình, nếu nghỉ may công ăn việc làm của nhiều người sẽ ảnh hưởng, thế là bà đeo đai, nịt lưng ngồi may tiếp… Dù khỏe hay lúc bị bệnh, một khi đã may phải tạo ra một tác phẩm ưng ý, bà Dung bộc bạch: Cả đời làm nghề, có khách dễ thương, không ít khách khó tính, ai góp ý mình nghe, ai thương mình mừng, vào nghề này nói may xong khách thích hết 100% chắc không có, nhưng cái gì chưa được phải học, phải sửa cho ưng cái bụng mình, ưng ý khách… bà sẽ may đến khi nào thấy không thể ngồi may nữa thì thôi, cái nghề đã chọn mình, như cái nghiệp gắn bó, còn người cần mình, thì còn may…

Không riêng gì bà Dung, cả tỉnh Hậu Giang còn rất nhiều những thợ may áo dài, nhân chuỗi hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, xin được tôn vinh những thợ may áo dài, những người góp phần quan trọng trong giữ gìn quốc phục Việt Nam.

Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh áo dài

Từ cuối tuần trước, sau khi có thông tin hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều người đã khoe những hình ảnh cá nhân, tập thể trong trang phục áo dài, nhiều màu sắc. Mọi người đều chia sẻ, luôn tự hào khi được khoác lên mình áo dài…

 

Ưu tiên mặc áo dài từ ngày 2 đến 8-3

Thời điểm trên là Tuần lễ áo dài, một trong những hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” của Hội LHPN tỉnh. Hội sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Liên đoàn Lao động tỉnh; Tỉnh đoàn; Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, tổ chức đồng diễn áo dài trong thời gian phù hợp. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ, các hoạt động này nhằm khẳng định chủ quyền áo dài Việt Nam, là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, là sản phẩm của người Việt; huy động sự hưởng ứng tích cực của các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, để khẳng định vị thế áo dài trong đời sống xã hội; đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài Việt Nam; hướng tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

http://www.baohaugiang.com.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video