Người "xây" những ngôi nhà lánh nạn cho phụ nữ bị bạo hành

03/12/2013
Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị đánh đập, bị cưỡng ép tình dục hoặc bị lạm dụng. Ở Việt Nam, số liệu từ “Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” do Tổng cục Thống kê công bố năm 2010 cho thấy, cứ ba phụ nữ đã có chồng thì một người trong số họ, tương đương 34%, cho biết đã từng bị chồng bạo lực về thể xác hoặc bạo lực tình dục lúc này hay lúc khác trong đời.

Ngày 25-11 là Ngày Thế giới chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon khởi xướng. Ông đã gọi những người đã giúp đỡ những nạn nhân của nạn bạo lực gia đình chữa lành vết thương là những người anh hùng. Một trong những người anh hùng như thế là Tiến sĩ Denis Mukwege, người sáng lập Bệnh viện Panzi ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi phụ nữ tìm đến sau khi trải qua bạo hành khủng khiếp. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có những người anh hùng tương tự. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc về một người được coi là người anh hùng trong phòng chống bạo lực gia đình. Bà là GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành xã hội học nghiên cứu về giới và gia đình và cũng chính là người đưa ra ý tưởng tạo những ngôi nhà lánh nạn cho phụ nữ bị chồng bạo hành.

Đánh vợ bất kể lý do, kể cả khi không có lý do gì cũng đánh

Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị đánh đập, bị cưỡng ép tình dục hoặc bị lạm dụng. Ở Việt Nam, số liệu từ “Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” do Tổng cục Thống kê công bố năm 2010 cho thấy, cứ ba phụ nữ đã có chồng thì một người trong số họ, tương đương 34%, cho biết đã từng bị chồng bạo lực về thể xác hoặc bạo lực tình dục lúc này hay lúc khác trong đời. Con số này cũng cho thấy thực trạng bạo hành gia đình đang diễn ra hết sức phức tạp ở Việt Nam. Thực tế đã chứng minh nhiều gia đình tan nát vì bạo hành gia đình, nhiều nạn nhân của bạo hành đã tử vong, hoặc quá bức bách mà tìm đến cái chết.

Có vô vàn những lý do khiến những ông chồng vũ phu tìm cách giải thích cho hành động trút giận của mình vào những người phụ nữ yếu đuối. Họ đánh vợ vì bất cứ lý do gì: uống rượu say về đánh vợ, không uống rượu say cũng đánh vợ; đánh vợ vì vợ không chiều ý mình đã đành, song lại có cả những người đàn ông sẵn sàng đánh vợ, hành hạ vợ ngay cả khi chẳng có lý do gì. Thậm chí chuyện đánh vợ đã trở nên phổ biến như… phong trào, như một thứ “mốt”. Không chỉ một người, hai người đánh vợ mà nhiều khi... cả làng đánh vợ. Trong khi đó, những nạn nhân là các và vợ thì thường không có khả năng tự bảo vệ mình. Họ cũng không biết tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống bạo hành đó. Bởi tâm lý của người phụ nữ Việt Nam vẫn là cam chịu và thường hy sinh vì sự yên ấm của gia đình cũng như vì các con của họ. Và cứ theo “lẽ thường” ấy thì còn biết bao câu chuyện đau xót bắt nguồn từ những trận đòn vô cớ. Bếp lửa lạnh tanh và những ánh mắt hốt hoảng trước một cuộc sống gia đình mất hết giá trị, mái ấm trở thành địa ngục… Chưa kể theo đó là không ít những cái chết tức tưởi từ sự cam chịu thói vũ phu, để lại nỗi đau khôn nguôi cho cha mẹ già và những đứa trẻ bơ vơ. 

Nơi lánh nạn khỏi những gã vũ phu

Vốn coi chuyện lục đục trong các cặp vợ chồng là vấn đề riêng tư mà có muốn can thiệp cũng chẳng được nên tại xã Yên Tân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, bà con hàng xóm mỗi khi nghe có chuyện đổ mâm, vỡ bát thì cũng chỉ đứng xa nhìn lại. “Đụng đến nhà nó, thằng chồng nó vác dao, vác rìu ra gây chuyện. Chẳng ai muốn dây vào làm gì” - Trưởng thôn Nguyệt Chung nhớ về những chuyện cơm chẳng lành trước đây của một gia đình trong xóm. Chị này liên tục bị chồng đánh. Chạy về nhà bố mẹ đẻ cũng chẳng xong, về nhà thì lại  tiếp tục bị những trận đòn hành hạ. Chạy sang hàng xóm, chồng vác dao sang dọa, sợ mang tiếng lại phải về. Vậy là những trận đòn vô cớ cứ vô tư trút xuống đầu người vợ vô tội. Nhưng chị không biết nương tựa vào đâu vì không có nơi nào có thể giúp chị thoát khỏi những trận đòn vô cớ. 

Từ thực tế đó, GS.TS Lê Thị Quý luôn trăn trở tìm cách để giải thoát cho phụ nữ và ngăn chặn tình trạng bạo hành gia đình. Bà chia sẻ: “Tôi hết sức trăn trở với việc làm thế nào để cứu những người phụ nữ như vậy. Đọc sách và đi làm việc ở nhiều nước chỉ thấy tồn tại một phương pháp duy nhất là lập nhà tạm lánh cho phụ nữ. Tuy nhiên, có những nguyên tắc của nhà tạm lánh khiến tôi băn khoăn. Chính việc phải giữ bí mật nơi tạm lánh, vì sợ bị kẻ gây bạo lực tới gây sự hoặc phá phách thì lại khiến nhiều người nghĩ rằng người vợ đi trốn thì chắc là chị ta có lỗi, người chồng sẽ đắc ý vì việc làm của mình. Nếu đàn ông đánh vợ vì ngoại tình, thì nhân lúc người vợ không có nhà, anh ta sẽ đưa nhân tình về và càng đánh vợ hơn khi vợ trở về. Chuyện nữa là việc vào nhà tạm lánh rồi lại trở về sống bình thường với chồng cũng là câu chuyện không hề dễ dàng đối với tâm lý của người phụ nữ Việt Nam”. Sau nhiều băn khoăn, trăn trở một mô hình từ thực tế được GS.TS Lê Thị Quý xây dựng: Lập các địa chỉ tin cậy cho phụ nữ bị chồng bạo hành lánh nạn. 

GS.TS Lê Thị Quý cho biết, để thực hiện dự án lập các địa chỉ tin cậy cho chị em lánh nạn, đầu tiên là phải nhằm đến những cán bộ địa phương, những người có uy tín như cựu chiến binh, đảng viên để gây dựng các địa chỉ, sau này rất nhiều gia đình người dân đã tình nguyện dành một buồng trong nhà mình làm địa chỉ tin cậy. 

Tìm đến một trong những địa chỉ tin cậy của xã Yên Tân, huyện Ý Yên, Nam Định, ông Hà Mạnh Toàn, Trưởng thôn Nguyệt Chung, xã Yên Tân kể lại lần đầu tiên ngôi nhà của ông trở thành nơi “lánh nạn”. “Tôi đang ở nhà cùng vợ con thì thấy cô N.T.M, người cùng thôn, hốt hoảng chạy vào. Đuổi theo sau là anh chồng mặt đỏ tía tai, luôn miệng quát chửi ầm ầm. Thấy cô M. bị chồng đánh không tiếc tay, vợ con tôi liền đưa vào phòng trong chăm sóc. Còn tôi thì phải ra chặn lại ông chồng hăng máu vác cả rìu sang dọa”. Người chồng sau khi được cảnh báo về việc anh ta đang làm là vi phạm pháp luật và sẽ phải ra trình diện trước UBND xã thì có vẻ nghe ra và tự rút lui. 

Ông Hà Mạnh Toàn cho biết, mặc dù chỉ được hỗ trợ kinh phí ban đầu như chăn màn, giường chiếu và tủ thuốc còn hầu như không có kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng những địa chỉ tin cậy này đều hoạt động nhiệt tình, trở thành địa chỉ tin cậy đúng nghĩa đối với những người phụ nữ gặp bạo lực gia đình.

Song song với việc “xây nhà lánh nạn” là những câu lạc bộ gia đình hạnh phúc đã được khởi động. CLB này không chỉ có chị em phụ nữ tham gia mà dần dẫn đã “hút” được cả các ông chồng, thậm chí là có cả những ông chồng đã từng đánh vợ tham gia. Hiện nay ở Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định… - những địa phương, các vùng nông thôn còn tồn tại tình trạng bạo hành gia đình, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc phát triển rất mạnh. Đặc biệt, còn có một địa chỉ sinh hoạt rất được giới mày râu ưa thích với tên gọi câu lạc bộ Những người đàn ông yêu vợ… Câu lạc bộ này thảo luận về các chủ đề trong đời sống, gia đình, trong đó có lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình. Vậy là từ những câu chuyện vui, kinh nghiệm chia sẻ trong công việc đồng áng, nuôi con gì, trồng cây gì... không biết từ lúc nào cánh nam giới đã bảo nhau chấm dứt hẳn chuyện “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. “Rất nhiều người đàn ông đánh vợ đã trở thành tuyên truyền viên của dự án chống bạo lực gia đình từ những câu lạc bộ này” - GS.TS Lê Thị Quý cho biết.

Bình yên đến từ những địa chỉ tin cậy

Trưởng Công an xã Yên Tân, Nguyễn Văn Chung khẳng định, xã Yên Tân đã có sự thay đổi lớn từ khi tiếp nhận mô hình địa chỉ tin cậy cùng các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ về bình đẳng giới. Nếu như trước năm 2011 công an xã liên tục phải can thiệp các vụ bạo lực gia đình thì nay đã giảm hẳn. Là người thường xuyên nắm bắt những chuyện “trong nhà” của chị em trong xã, bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Tân cho biết: Rất may mắn chúng tôi được đón nhận dự án của GS.TS Lê Thị Quý, từ giữa năm 2012 đến nay chúng tôi hầu như không còn những vụ bạo lực lớn mà chỉ còn những vụ việc nhỏ. Gần đây chỉ còn một vụ bạo lực duy nhất mà được chính GS.TS Lê Thị Quý can thiệp và đã tương đối bình an”. Sự giảm mạnh những vụ việc bạo lực nghiêm trọng trong từng nếp nhà đã là thành quả đáng mừng nhưng đây vẫn chưa phải là cách giải quyết đến cùng sự việc. Điều căn bản là cần sự kết nối, chung sức của từng thành viên để xây dựng một mái ấm đúng nghĩa. 

GS.TS Lê Thị Quý cũng thấy vui vì những chuyển biến đó. Bà cho biết: “Tôi cũng vừa về Yên Tân. Có đôi vợ chồng trước đây nhà cửa trống hoác, chẳng có gì trong nhà chỉ vì nghèo lại không thuận lòng làm ăn. Chồng cứ hay kiếm cớ đánh vợ. Sau khi thay đổi thái độ đối xử với vợ, cả nhà yên tâm làm ăn, giờ đã có của ăn của để. Ngôi nhà cấp 4 giờ đã thay bằng nhà mái bằng 3 tầng. Cả hai vợ chồng đều nói không ngờ là chuyện tưởng không mơ được mà lại thành hiện thực”. 

Vậy là hiệu quả từ các câu lạc bộ này rất rõ rệt. Không phải một mà là khá nhiều gia đình trước đây nghèo đói, chồng rượu chè, vợ chán nản, chồng đánh vợ, con cái cũng vì chứng kiến cảnh nhà mà bỏ học. Từ khi chấm dứt bạo lực, gia đình làm ăn ổn thỏa, giàu lên trông thấy. Không chỉ các gia đình thay đổi mà “cả chính quyền địa phương cũng xác nhận họ là nhóm hưởng lợi khi không phải quá tập trung vào giải quyết các vụ bạo lực gia đình nữa mà tập trung vào các công tác phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”- GS.TS Lê Thị Quý nhấn mạnh. 

 

“Năm 2008, xã Vũ Lạc, Thái Bình có một sáng kiến: Chính quyền địa phương công bố các địa chỉ tin cậy công khai trên đài phát thanh địa phương với thông báo ai đến phá địa chỉ tin cậy sẽ bị bắt ngay và xử lý vì chống người thi hành công vụ”. Sự kiện này đánh dấu việc chống bạo lực gia đình từ chuyện riêng của mỗi nhà chuyển ra công khai được Nhà nước ủng hộ. Tôi đã báo cáo về mô hình này với Quốc hội. Khi đó Quốc hội đang soạn Luật phòng chống Bạo lực gia đình nên đã đưa các địa chỉ tin cậy vào Luật để phát triển trên toàn quốc” – GS.TS Lê Thị Quý cho biết.

Theo Anninhthudo.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video