Người phụ nữ trong phong trào "Ba đảm đang" ở Hải Dương và Hưng Yên

25/02/2010
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông ở xã Hạ Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, 14 tuổi, bà làm giao thông cho tỉnh ủy Quảng Trị. Rồi năm 15 tuổi, bà thoát ly và bắt đầu dấn thân vào con đường làm cách mạng.

Năm 1941, bà Trần Thị Thí vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban đầu bà làm giao thông cho xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1942, trong một lần làm nhiệm vụ, bà bị đế quốc bắt đưa vào nhà tù Hội An tra khảo ba tháng. Trong ba tháng ấy, ngày nào bà cũng bị địch lôi ra đánh đập hết sức dã man bằng nhiều hình thức man rợ: kẹp điện, treo ngược người, đánh và tra khảo. Từ một thiếu nữ khỏe mạnh, sau ba tháng, người bà teo tóp lại đến mức cái cùm không còn giữ nổi tay chân của bà trong bốn vòng sắt. Cực hình làm bà đau đớn nhưng bà kiên quyết không khai một lời. Nỗi đau đó vượt ngưỡng, trong đầu bà chỉ đinh ninh lời dặn dò của các anh đi trước: “Người cán bộ tham gia cách mạng như là một viên gạch, nhiều người tham gia tạo thành một bức tường. Khi một viên gạch bị vỡ, sẽ ảnh hưởng tới bức tường và làm cho nó suy yếu đi…”. Chẳng tra hỏi được gì, chúng đưa bà về nhà tù Quảng Nam kết án 12 năm tù và 20 năm quản thúc. Đi tù được ba năm thì Nhật-Pháp đảo chính, địch thả bà về thôn Trung Trị để quản thúc. Ra tù, bà gặp lại đồng chí và được phân công đi vận động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở Tổng Yên Đôn. Bà cùng một số đồng chí thành lập đội thanh niên xung kích đi diễn thuyết tại các chợ và cùng lên tỉnh tham gia cướp chính quyền. Sau khi giành chính quyền ở địa phương, bà được Ban chấp hành Phụ nữ Tỉnh phân công lên xây dựng các cơ sở quần chúng, xây dựng cơ sở Việt Minh.

Từ năm 1947, bà là Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Gio Linh, tham gia huyện ủy viên. Năm 1948, Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Vĩnh Linh. Năm 1949 tham gia Đảng đoàn phụ nữ tỉnh Quảng Trị. Năm 1950 là tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Trị phụ trách hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Năm 1954 bà được bầu là Trưởng tiểu ban địch vận, vận động quần chúng và thanh niên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, bà được Đảng cử đi học trường Mác-Lê ở Trung Quốc. Năm 1958-1980, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương, được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng hai khóa liền. Cho mãi tới năm 1958, bà lập gia đình với ông Vừ Bẩm, nguyên Tổng tư lệnh bộ đội Trường Sơn.

Mải miết với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, bà mang thai 5 lần, nhưng bốn lần bị sẩy do những chuyến đi công tác liên miên. Tới năm 1960 bà sinh hạ được cô con gái xinh xắn và bụ bẫm. Mẹ đi công tác biền biệt, bố đi mở đường Trường Sơn, con gái phải ở nhà nhờ người trông nom hộ. Lên bốn tuổi, cô con gái đột nhiên bị sốt cao và bại não trong lúc cả bố và mẹ còn bận công tác phục vụ cách mạng. Một tuần sau, bà về tới nhà thì người con gái duy nhất của bà đã vĩnh viễn trở thành thiểu năng trí tuệ không còn như những đứa trẻ bình thường khác.

Nhắc tới phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” ở tỉnh Hải Dương và Hưng Yên cũ, người ta nhớ ngay tới người Hội trưởng quên hạnh phúc cá nhân để phục vụ tập thể. Bà nhớ lại: từ năm 1965 đến năm 1967, phụ nữ Hải Dương tham gia phong trào lớn “Ba đảm đang”. Nó bao trùm và xuyên suốt trong mọi hoạt động của chị em phụ nữ toàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ tỉnh ủy chủ trương từ cuối quý II-1965, Đảng bộ và nhân dân tỉnh khẩn trương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Vì vậy, Tỉnh hội cũng đi sơ tán. Trong điều kiện sơ tán khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người trong cơ quan đã lao vào việc tổ chức các đợt học cho các tầng lớp phụ nữ để duy trì và đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang” và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung trong việc vận động chị em tham gia sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Chị em Hải Dương đã làm tốt ba nội dung mà Trung ương Hội đề ra là: đảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới; đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu khi cần thiết; đảm đang gia đình, con cái cho chồng con đi chiến đấu.

Vì vậy, phụ nữ Hải Dương nô nức thi đua phong trào này, phụ nữ làm thay công việc của nam giới như cày, bừa, lợp nhà, guồng nước, trực chiến. Nổi tiếng hồi đó có du kích Lai Vu và phụ nữ Kim Thành bắn rơi báy bay địch. Là Hội trưởng Hội phụ nữ, muốn chị em làm theo, bà phải là ngọn cờ, nêu tấm gương sáng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với hội viên, động viên họ tay cày, tay súng, coi “đồng ruộng là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”.  Để rồi những hình ảnh “Người nữ du kích Thành Đông” “đảm đang cô gái Hải Dương” “cô du kích xóm Lai Vu” “Bà mẹ chính ủy” “Bà mẹ vườn cam” mới là nguồn cảm hứng cho thơ, cho nhạc và sẽ mãi mãi là những hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ Hải Dương.

Khi tổng kết phong trào “Ba đảm đang”, bà được trao tặng Bằng khen của Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên vì đã có thành tích phát huy truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang” trong thời kỳ đổi mới, được trao tặng Huy hiệu Phụ nữ “Ba đảm đang”.

Cả cuộc đời và sự nghiệp phụng sự cho cách mạng của bà Trần Thị Thí là sự cố gắng không ngừng vươn lên, trau dồi kiến thức. Bà học bất kể lúc nào, học từ đồng đội, học cách đánh vần ngay trong nhà tù, rồi khi đi ra làm công tác lại đi học trung cấp, rồi đại học. Từ một cô thôn nữ nhà quê không biết đọc, biết viết, và đã trở thành một cán bộ lãnh đạo nòng cốt của một tỉnh, có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh. Khi đến tuổi nghỉ ngơi, mới là lúc bà có thời gian chăm sóc cho tổ ấm của mình. Vợ chồng xa nhau biền biệt, đến khi sum họp chẳng bao lâu, chồng bị xuất huyết não, nằm một chỗ cùng với cô con gái mãi mãi dừng lại ở tuổi lên bốn. Giờ đây, sức khỏe của bà yếu rất nhiều, những vết đau từ đòn tra tấn của giặc cứ trở gió, trở trời lại làm bà không bước đi nổi. Nhưng bà vẫn hằng ngày cùng người giúp việc lặng lẽ chăm sóc cho chồng con. Hoàn cảnh là thế nhưng bà không đắm chìm trong nỗi buồn. Bà rất hạnh phúc khi những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời được chăm sóc chồng con. Bà càng hạnh phúc khi năm người con của chồng giờ đây đã phương trưởng coi bà như người sinh thành ra họ. Những ngày lễ, tết, các con cháu, chắt lại quây quần quanh ông bà. Tuổi già của hai vợ chồng lão thành cách mạng với một người có 60 năm tuổi Đảng và một người 70 năm tuổi Đảng còn gì viên mãn hơn.

Văn kiện Quốc hội toàn tập

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video