Người phụ nữ quyền lực của IMF

01/10/2019
Từ ngày 1/10, nhà kinh tế học người Bulgaria, bà Kristalina Georgieva sẽ chính thức trở thành Tổng Giám đốc mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nhiệm kỳ kéo dài 5 năm của bà Georgieva được dự báo sẽ gặp khó khăn khi phải điều hành IMF trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Bà Kristalina Georgieva (66 tuổi) đã làm việc ở Ủy ban châu Âu (EC) từ năm 2010 và sau đó đảm nhiệm Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 1-2017. Cũng trong năm 2017, bà đã được một tổ chức xếp hạng uy tín của Anh xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trong các tổ chức đa quốc gia”.

Đầu năm nay, bà Georgieva được trao giải thưởng “Thành tựu nổi bật” của châu Âu và Huân chương của Hiệp hội Chính sách đối ngoại châu Âu, công nhận những cá nhân có đóng góp cho cộng đồng về các vấn đề quốc tế. Để nhận được đề cử vào vị trí lãnh đạo IMF, bà Georgieva đã vượt qua nhiều cái tên sáng giá như Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Nadia Calvino, cựu Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem…

Vị trí Tổng Giám đốc IMF đã để trống sau khi bà Christine Lagarde, một luật gia người Pháp từ chức trước đó để chuyển sang lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo quy định bất thành văn lâu nay, vị trí Tổng Giám đốc IMF thường do một người châu Âu đảm nhiệm, trong khi vị trí lãnh đạo WB do một người Mỹ nắm giữ. Giới chức lãnh đạo EU đã gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm ứng cử viên thay thế bà Christine Lagarde, bởi có một số ứng cử viên nhận được nhiều sự ủng hộ song lại không có được sự đồng thuận hoàn toàn.

Theo The Financial Times, nhà kinh tế học người Bulgaria đã được Tổng thống Pháp E.Macron và các nhà lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu (EU) ủng hộ, đồng thời có được “đèn xanh” từ Washington để đứng vào vị trí là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Tổng Giám đốc IMF. Quyết định này cũng đã được Ban điều hành IMF thông qua vào ngày 26-9 vừa qua.

Sau khi đề cử chính thức được thông qua, bà Georgieva đã trở thành nữ Tổng Giám đốc thứ hai của IMF sau bà Christine Lagarde. Phát biểu ý kiến với các phóng viên trong cuộc họp báo tại trụ sở của IMF ở Thủ đô Washington D.C (Mỹ), bà Georgieva bày tỏ vinh dự khi được tín nhiệm lựa chọn vào vị trí lãnh đạo IMF. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận đây là một trách nhiệm lớn khi nắm quyền lãnh đạo IMF tại thời điểm kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, căng thẳng thương mại gia tăng và tình trạng nợ công ở nhiều quốc gia.

IMF là thể chế tài chính có sự tham gia của 189 nước thành viên với vai trò chính là bảo đảm sự ổn định trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Những năm vừa qua, tổ chức này nổi lên với vai trò là “chủ nợ” của các quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế. IMF cũng thường quy định các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt đối với quốc gia vay nợ như một điều kiện của gói hỗ trợ tài chính. Theo đó, nhà lãnh đạo người Bulgaria nhấn mạnh ưu tiên của IMF là hỗ trợ các nước thành viên giảm thiểu những nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế và sẵn sàng đối phó nếu xảy ra suy thoái.

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, bà Georgieva sẽ phải đối mặt những thách thức lớn bao gồm ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu, hậu quả của việc Anh rời EU (Brexit) mà khả năng không có thỏa thuận đã được tính đến sẽ ảnh hưởng không nhỏ nền kinh tế châu Âu. Nhiệm kỳ của bà cũng bắt đầu khi IMF đang phải nỗ lực “giải cứu” nhiều quốc gia bị khủng hoảng tài chính, trong đó có gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử IMF trị giá 57 tỷ USD cho Argentina.

Bulgaria, quê hương của bà Georgieva cũng là một nền kinh tế mới nổi ở châu Âu. Vì vậy, với kinh nghiệm từ quê nhà và tại WB, bà được kỳ vọng sẽ củng cố vị trí của IMF trong việc giải quyết các vấn đề tài chính thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển. Các nhà quan sát cũng cho rằng, bà Georgieva có thể sẽ có cách tiếp cận tương tự với bà Lagarde trong việc quản lý IMF, bao gồm dành sự ưu tiên của tổ chức tài chính này cho các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như bình đẳng giới và biến đổi khí hậu.

nhandan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video