Người phụ nữ hơn 40 năm làm nghề bánh thuẫn

31/12/2021
Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh thuẫn, bà Lê Thị Công (61 tuổi) thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vẫn miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để tạo ra chiếc bánh thơm ngon phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết.
Bà Lê Thị Công với những chiếc bánh thuẫn - đặc sản truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi

Cuộc sống hiện đại đã làm cho ngày Tết cổ truyền bây giờ đa dạng, tiện lợi và văn minh hơn nhiều, thị trường ẩm thực cũng ngày càng phong phú nhưng bà Công vẫn gắn bó với nghề, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp cổ truyền của quê hương.

Vừa nhanh nhẹn đổ bột cho vào khuôn làm bánh thuẫn bà Công vừa kể, bà bắt đầu làm bánh từ năm 1980 cho đến nay. Bánh thuẫn được làm từ bột, đường, trứng gà, sau khi đánh trứng khoảng 20 phút thì cho các nguyên liệu còn lại vào trộn đều, dùng dầu ăn quét một lớp mỏng lên khuôn rồi bắt đầu đổ bánh. Khâu cuối cùng, bánh thuẫn được xếp lên nong và đem hong khô trên bếp nhỏ lửa để bánh săn lại, ngon và để được lâu hơn.

Nghe cách làm bánh có vẻ rất đơn giản nhưng để cho ra những chiếc bánh thuẫn nở đúng độ, vàng đều, mền mịn thì không phải chuyện dễ. Người làm bánh gần như phải ngồi canh lửa trong suốt thời gian làm bánh bởi chỉ cần lửa không đều thì bánh sẽ bên trắng, bên vàng; nóng quá thì bánh bị cháy đen, nhẹ thì nâu nâu, không lên được màu vàng bắt mắt. Một người khéo tay thì có thể đổ được bánh thuẫn nhưng ngon hay không thì phụ thuộc vào liều lượng các nguyên liệu, bí quyết riêng của mỗi người. Chỉ riêng việc đổ bột vào khuôn phải thật khéo chứ không là bột bị dính ra khuôn.

Bột được bà Công khéo léo đổ vào khuôn bánh

“Khi đổ bánh thuẫn, lửa than đặt trên nắp chảo quan trọng hơn lửa bên dưới và cũng tốn than hơn. Màu bánh có được vàng đều hay không, bánh có nở hay không thì phần lớn phụ thuộc vào lửa trên. Và với riêng tôi thì khó nhất trong quá trình đổ bánh là canh lửa, làm bột ngon bao nhiêu mà không biết canh lửa thì bánh cũng dở thôi”, bà Công chia sẻ.

Những năm gần đây, bánh thuẫn truyền thống do bà sản xuất được người tiêu dùng ngày càng yêu thích và lựa chọn. Mặc dù bánh không đa dạng, bắt mắt, người đặt mua vẫn vào ra tấp nập vì bảo đảm chất lượng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các đơn hàng có vẻ ít hơn, giảm khoảng 1/3. Nếu trước kia mỗi ngày gia đình bà Công làm 1.500 bánh thì giờ còn khoảng 800- 900 bánh.  Năm nay giá cả vật liệu tăng cao nên giá bán cũng nhỉnh hơn, mỗi túi bánh 20 cái từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng. Mỗi thùng bánh từ 650.000 đồng lên 720.000 đồng.

Bánh thuẫn thơm ngon, độ xốp vừa phải và độ giòn đặc biệt là một trong những đặc sản của xứ Quảng mà không nơi nào có được. Chính sự tinh khiết của bột, vị béo, thơm của trứng, vị ngọt ngào của đường cát, cùng hương thơm của gừng đã làm nên sức sống của bánh thuẩn. 

Công đoạn sấy bánh cũng rất quan trọng giúp bảo quản chiếc bánh được lâu hơn

Bánh thuẫn là bánh đặc sản truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, không thể thiếu trong các dịp Tết cổ truyền, cúng gia tiên,… Trong tiết trời đầu xuân, được nhâm nhi ly trà nóng và thưởng thức bánh thuẫn làm cho con người ta cảm giác vừa dân dã vừa thanh tao mang hương vị đậm đà, ấm cúng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đối với những người con đất Quảng, đây là món quà có ý nghĩa rất lớn để thành kính dâng lên ông bà tổ tiên và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Trong những năm gần đây, bánh truyền thống đang được nhiều người ưa thích trở lại, thị trường tiêu thụ của bánh thuẩn ngày càng rộng rãi hơn. Không chỉ ở Quảng Ngãi mà bánh còn được mang đi khắp nơi để làm quà biếu”, bà Công bộc bạch.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video