Người phụ nữ góp phần “giữ hồn” nghề thêu thổ cẩm của đồng bào Dao

17/06/2022
Bà Phàn Pà Mẩy (76 tuổi) xã Tà Phìn, thị xã Sa Pa đã gắn bó hơn 20 năm với nghề may sản phẩm thổ cẩm của người Dao ở chợ thị xã Sa Pa. Bằng đường kim mũi chỉ, bà Mẩy cùng những người phụ nữ nơi đây đang dệt nên ấm no, hạnh phúc.
Sản phẩm thổ cẩm được bà Phàn Pà Mẩy hoàn thiện đều được trang trí độc đáo với hoa văn, họa tiết khác nhau tạo nên nét riêng của đồng bào Dao

Kể về truyền thống của nghề, bà Mẩy chia sẻ, chẳng ai nhớ dệt thổ cẩm có từ bao giờ, chỉ biết cứ đời này qua đời khác, người người dệt thổ cẩm, nhà nhà dệt thổ cẩm. Những người phụ nữ nơi đây coi đó như công việc không thể thiếu hàng ngày. “Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Dao nơi đây và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày xưa thì chỉ biết dệt váy áo thôi, bây giờ làm được nhiều thứ lắm. Các hoa văn thì tự nghĩ ra thôi, cứ có chim rừng, hoa lá rừng là đẹp rồi. Các du khách người Tây rất thích những chiếc khăn, chiếc túi có họa tiết nhiều màu sắc”, bà Mẩy nói.

Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục độc đáo thì phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ Dao thêu dệt lên những tấm vải đầy màu sắc, hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao gồm khăn vấn đầu, áo, quần, thắt lưng và đồ trang sức bằng bạc. Bằng đôi bàn tay khéo léo, trí tượng tượng phong phú, người phụ nữ Dao đã thêu lên những bộ trang phục cùng những họa tiết trang trí bằng sợi chỉ nhiều màu, tạo cho bộ trang phục có được những nét hoa văn sặc sỡ, bắt mắt. Bà Mẩy bộc bạch, sự phối màu cũng là một trong những ấn tượng độc đáo trên bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ, trong đó, màu đỏ có sức hút mạnh mẽ với người đối diện, nhất là với các chàng trai ở tuổi kén vợ. Nhìn vào bộ trang phục mặc trên người là nhận ra được sự khéo léo, chăm chỉ cũng như đức hạnh của người phụ nữ.

Những sản phẩm thổ cẩm độc đáo được hoàn thiện dưới đường may khéo léo của bà Phàn Pà Mẩy

Trước đây do điều kiện kinh tế và tư tưởng trọng nam khinh nữ nên cuộc sống của người phụ nữ nơi đây lạc hậu và khó khăn. Họ cặm cụi lao động, dệt váy áo để tự phục vụ mình, gia đình mà chẳng bao giờ nghĩ những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo ấy lại làm nên một nét văn hóa đậm đà bản sắc vùng miền. Nghề dệt thổ cẩm đã tạo việc làm cho lao động nữ địa phương, nâng cao nhận thức, địa vị trong gia đình và xã hội của người phụ nữ người dân tộc thiểu số. Các sản phẩm thổ cẩm làm ra ngày càng phong phú, đa dạng, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

“Nhắc đến cái tên Tả Phìn, du khách sẽ nhớ ngay đến nghề dệt thổ cẩm. Thổ cẩm ở đây không còn đơn điệu là những vật dụng hàng ngày nữa, người dân ở Tả Phìn đã biết may những đồ vật khác như: túi khoác, ba lô, ví đựng tiền, khăn tay, vỏ gối, quần áo… để bán cho du khách đến tham quan. Họ vừa kiếm thêm thu nhập, đồng thời cũng gìn giữ, quảng bá cho nền văn hóa lâu đời của vùng miền Tây Bắc”, chị Lý Thị Mẩy, hướng dẫn viên du lịch ở thị xã Sa Pa bày tỏ.

Phụ nữ dao trong trang phục của mình với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày

Cùng với sự phát triển kinh tế, những người phụ nữ nơi đây luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Với sự phát triển du lịch Sa Pa trong những năm gần đây, nghề thổ cẩm Tả Phìn dần đi lên giúp cho đời sống bà con ngày càng phát triển. Nhìn đôi tay của bà Phàn Pà Mẩy đều đều kéo từng sợi chỉ, uốn từng nét hoa tỉ mỉ đang dệt nên những mơ ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn của người phụ nữ đồng bào Dao.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video