Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đi ô tô vòng quanh trái đất

26/05/2018
Cách đây 90 năm, với 3 khẩu côn và 128 quả trứng trong hành trang, cô Claerenore Stinnes là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đi ô tô vòng quanh trái đất.

Ngày 13/8/1928, Claerenore Stinnes và tùy tùng duy nhất còn ở lại với cô là người quay phim Carl-Axel Soederstroem không còn đủ sức để dùng ròng rọc kéo chiếc xe lên vách núi nữa. Két nước làm lạnh cũng rỗng tuếch, vì hai người uống cạn rồi.

Họ phải lội bộ qua dãy Andes ở Peru 4 ngày ròng, không có gì để ăn. Sau 50 cây số, cuối cùng họ đến được một trang trại. Sau đó 20 người Peru đã kéo chiếc xe của họ và chuyến đi được tiếp tục. Chặng đường vượt qua dãy Andes ở Peru là chặng khó khăn nhất trong chuyến đi vòng quanh trái đất của Claerenore.

Chuyến đi vượt qua nắng nóng, băng tuyết, bùn lầy, núi đá, nhiều nơi không có đường sá, bản đồ, cây xăng hoặc gara sửa chữa đã kéo dài hơn 2 năm. Chuyến đi thành công là nhờ tính cách “cứng đầu, cứng cổ” của một người phụ nữ, mà chuyện quay lại không bao giờ có trong suy nghĩ của cô. “Cô ấy phải bằng thép, mới chịu đựng được tất cả - không một lời than vãn”, Soederstroem nói.

Khi mọi người thắc mắc, điều gì đã thôi thúc cô con gái của đại gia công nghiệp đầy quyền lực Hugo Stinnes chinh phục vòng quanh thế giới bằng ô tô? Cô gái mảnh mai, mặc quần, thắt caravat, rất hay cười, nói: “Chúa ơi, tôi muốn tìm hiểu thế giới bằng chính cách nhìn của tôi. Chỉ có vậy thôi!”.

Nhưng gia đình cô lại không hề đồng ý và không cho Claerenore một xu nào cho chuyến đi. Thế là “Tay lái nữ thành công nhất châu Âu” tự lo liệu từ nguồn khác khoản tiền 100.000 Mác cần thiết cho chuyến đi mạo hiểm.

Trong từ điển không có từ “bỏ cuộc”

Claerenore Stinnes sinh năm 1901 ở Muelheim, 1 thành phố của Đức. Ngay từ nhỏ, cô bé đã thích chơi với bugi hơn là với búp bê và năm 13 tuổi đã thuộc lòng các loại ô tô và động cơ xe hơi.

Tuy mẹ muốn cô lập gia thất nhưng Claerenore lại trở thành một tay đua xe nữ và năm 1924, cô chiến thắng cuộc đua đầu tiên. Đến năm 1927, cô đã giành được 17 giải nhất trong các cuộc đua với toàn các tay đua nam giới.

Ngày 27/5/1927, cô gái độc thân xuất phát từ Frankfurt và đem theo 3 trợ thủ nam giới: 2 thợ máy và 1 quay phim. Chỉ 2 ngày sau, xe đã bị nổ lốp. Xe mới qua khỏi Praha, hộp số đã có vấn đề. Đến Moscow, tay thợ máy đầu tiên bỏ cuộc, vì bị... viêm ruột thừa. Tuy vậy, Claerenore vẫn chạy tiếp về phía Đông.

Vì sợ mùa Đông ập đến, nên cô hối thúc những người đi cùng chạy không nghỉ, thậm chí không ăn trưa. Ngoài 3 khẩu súng ngắn và 3 chiếc áo dài dạ hội, Claerenore chỉ đem theo 128 quả trứng đã luộc để vừa lái vừa ăn cùng bánh mỳ. 

Trong hồi ký “Chuyến ô tô qua hai thế giới” Claerenore viết: “Từ “bỏ cuộc” không có trong vốn từ của tôi!“ - thây kệ cồn cát và bùn lầy, những bầy sói đói và cánh người Nga say mèm. Đến Novosibirk đến lượt tay thợ máy thứ hai bỏ cuộc.

Thế là chỉ còn Claerenore và tay quay phim người Thụy Điển. Đến Irkutsk (Nga), họ phải nghỉ 10 tuần đợi hồ Baikal đóng băng. Sau đó, họ liều lĩnh lái xe chạy qua, trong khi không ít lần lớp băng chỉ chực sụp xuống dưới bánh xe. Những khi đó, Claerenore chỉ còn cách duy nhất là nhấn hết ga vượt qua!

“Mỗi ngày 150 mét!”

Ngày 28/4/1928, hai người đến Nhật Bản và sau đó lên tàu thủy vượt Thái Bình Dương, qua Hawaii đến Bắc Mỹ và từ đó qua Trung Mỹ đến Lima (Peru). Trên dãy Andes, họ đã phải nổ mìn để lấy đường cho xe chạy và nhiều lúc phải vượt dốc cao 60%. Trong nhật ký ngày 12/8/1928, Soederstroem viết: “Tình hình tệ quá, tốc độ mỗi ngày chỉ là 150 mét”.

Với ít nhiều may mắn, họ vượt qua chặng đường được coi là gay cấn nhất trong chuyến đi này. Đến Mỹ, họ được chào đón như những ngôi sao điện ảnh. Henry Ford, cha đẻ của tập đoàn xe hơi lừng danh Ford, đã đích thân giới thiệu họ tham quan nhà máy tại Detroit, còn Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã mời họ đến Nhà Trắng.

Sau khi vượt qua Đại Tây Dương, hai người cập bến Le Harve (Hà Lan) và đi tiếp đến Đức. Sau 2 năm, 1 tháng và 46.758 cây số chạy xe, họ đến Berlin ngày 24/6/1929. Họ là những người đầu tiên đi ô tô vòng quanh thế giới, qua 23 nước.

 nguoi-dau-tien-di-o-to-vong-quanh-tg-la-mot-pn-3.jpg

Có lúc đoàn xe bị mắc kẹt trong khe núi 


Họ bắt đầu chuyến đi từ Frankfurt về phía Đông, qua vùng Balkan, đến Capcadơ, Siberia, qua sa mạc Gobi, đến Bắc Kinh, sau đó lên tàu thủy đến Nhật Bản, vượt Thái Bình Dương qua Hawaii đến Bắc Mỹ. Từ đó họ chạy xe qua Trung Mỹ và Nam Mỹ, vượt dãy Andes đến Chile và sau đó đi tàu lên Bắc Mỹ. Sau khi chạy xe xuyên suốt nước Mỹ, họ đi tàu thủy quay về châu Âu.

Ước vọng gắn kết thế giới

Một năm sau chuyến đi để đời đó, Claerenore Stinnes và Carl-Axel Soederstroem làm lễ cưới và chuyển đến miền Nam Thụy Điển, cấy cày trong một trang trại và có với nhau 3 con.

Tuy vậy, cho đến khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, Claerenore vẫn chưa từ bỏ ham thích phiêu lưu, mạo hiểm thời thanh niên của mình, như bà đã nói trong một cuộc phỏng vấn khi tròn 85 tuổi: “Ngày nay, tôi sẽ lại thực hiện một chuyến đi như vậy, nếu với chuyến đi đó, tôi có thể gắn kết người Nga, người châu Âu và người Mỹ lại với nhau trong một sự thống nhất. Nếu được như vậy, tôi sẵn sàng cầm lái lên đường, cho dù tuổi cao và cho dù có phải nằm lại dọc đường”.

Claerenore Stinnes đã không lái xe vòng quanh thế giới được lần thứ hai nữa. Người đàn bà thép, người từng lái xe vòng quanh trái đất và tìm được tình yêu của đời mình, đã qua đời ngày 7/9/1990.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video