Người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng

02/07/2015
Huân chương Sao vàng là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc và tặng cho tập thể lập được thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng đó là bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ kiên cường của mảnh đất thành đồng Tổ quốc, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến trọn vẹn cả đời mình vì sự nghiệp cách mạng.

Dòng hồi ký giản dị về những mất mát lớn lao của Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Bà Nguyễn Thị Thập có tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và đấu tranh chống cường quyền áp bức. Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội ở quê nhà. Năm 1929, bà giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin và hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1931, bà thoát ly gia đình, lên Sài Gòn làm công tác liên lạc cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ đó, bà lấy bí danh là “Mười Thập” hay “Nguyễn Thị Thập”. Tháng 4/1935, bà là Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam kỳ. Một tháng sau, bà bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn. Dù bị tra tấn, đày đọa hết sức khổ ải, nhưng bà vẫn giữ vững lập trường cách mạng.

Năm 1936, được thả ra, bà tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn. Năm 1940, theo sự điều động của cấp trên, bà trở về Long Hưng tham gia chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho. Năm 1940, dù đã gần đến ngày sinh nở, bà vẫn ngủ gò, bưng, bờ ao, giữa các lăng mộ… tránh sự săn lùng của mật thám, vừa bền lòng chờ đợi và chỉ đạo hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra, bà trong ban chỉ huy cánh quân đánh đồn Tam Hiệp. Lúc ấy, đã gần ngày sinh nhưng bà vẫn lấy khăn rằn nịt bụng, xông xáo chỉ huy như thời con gái.

Cuộc khởi nghĩa thất bại, nén nỗi đau mất chồng (ông Lê Văn Giác - Tỉnh ủy viên tỉnh Mỹ Tho) do bị địch sát hại và nỗi lo các con còn trứng nước (con trai đầu 11 tuổi, con gái thứ hai lên 2 tuổi và con trai út mới 8 ngày tuổi), bà gửi các con lại nhờ người nuôi, tiếp tục cùng các đảng viên còn lại trở về Long Hưng – cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho – bám chặt địa bàn và dựa vào quần chúng để gầy dựng lại cơ sở cách mạng mặc dù nơi đây bị chính quyền thực dân khủng bố hết sức khốc liệt…

Năm 1954, sau bao năm xa cách, mẹ con bà Nguyễn Thị Thập mới được đoàn tụ bên nhau. Thế nhưng, nỗi đau lại ập tới, tháng 5/1954, người con trai cả của bà - một xã đội trưởng liên xã Long Hưng-Long Hòa đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của giặc. Người con trai thứ hai được chọn sang học chuyên ngành điện ảnh ở CHDC Đức. Tốt nghiệp về nước được ít lâu, anh xin mẹ vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ và anh dũng ngã xuống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng như người cha và anh trai mình.

Cả cuộc đời cống hiến cho cuộc đấu tranh cách mạng, hiến dâng cho Tổ quốc chồng và hai người con trai, song trong hồi ký “Qua những chặng đường”, bà Nguyễn Thị Thập đã viết những điều thật giản dị: "Trong chiến đấu một mất một còn với kẻ thù tàn bạo và hung hãn nhất thế giới là đế quốc Mỹ ngày nay, toàn dân ta không có gia đình nào không ít nhiều gánh chịu mất mát hy sinh, để giữ lấy sống còn, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Gia đình tôi cũng trong hoàn cảnh ấy, lẽ nào tôi không đứng vững được trên vị trí công tác của mình, trước đau thương, không phải chỉ đến với tôi có một lần?... Trong mất mát, không phải chỉ riêng tôi, hàng ngàn hàng vạn bà mẹ đã phải hy sinh những người con thân yêu của mình. Trong vinh quang chung, gia đình tôi, người còn đang sống cũng như người đã hy sinh, đều có thể tự hào là đã có phần đóng góp ít nhiều cho sự nghiệp chung của dân tộc".

Một trong số mười phụ nữ được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên

Đầu tháng 8/1945, bà Nguyễn Thị Thập được cử đi dự Đại hội Quốc dân họp ở khu căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang). Nhưng, do đường xá khó khăn, nên khi mới vừa đến Hà Nội thì Đại hội đã kết thúc và cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành được thắng lợi rực rỡ. Bà ở lại Thủ đô, làm việc với Trung ương Đảng; và được Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh giao trọng trách là cùng với phái viên của Trung ương tiến hành việc thống nhất Đảng bộ Nam bộ. Cuối tháng 8/1945, bà Nguyễn Thị Thập về đến Mỹ Tho và bắt tay ngay vào việc thực hiện chỉ thị của cấp trên. Trong cuộc bầu cử ngày 6/1/1946, bà trúng cử Đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho. Trải qua ba tháng luồn rừng vô cùng vất vả và nguy hiểm, lần thứ hai, bà ra Hà Nội để dự cuộc họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là một trong số mười phụ nữ được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên.

Tháng 11/1946, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà trở về miền Nam với nhiệm vụ do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam bộ ngày càng vững mạnh. Với tấm lòng trong sáng, vô tư và vì sự nghiệp cao cả của Đảng, bà đã đề ra nhiều biện pháp hợp tình hợp lý trong việc chấn chỉnh tổ chức Đảng ở Nam bộ; và đã đạt được kết quả khả quan: Xứ ủy Nam bộ và Tỉnh ủy. Năm 1947, bà Nguyễn Thị Thập được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ, rồi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam bộ. Đây là tổ chức quy tụ và phát huy sức mạnh của hàng triệu phụ nữ Nam bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Năm 1953, bà được Trung ương điều ra Việt Bắc. Sau khi hiệp định Genève được ký kết (20/7/1954), bà được cử vào miền Nam để phổ biến việc thi hành hiệp định đình chiến.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bà Nguyễn Thị Thập trở ra miền Bắc theo diện cán bộ miền Nam tập kết. Năm 1955, bà được bầu làm Hội trưởng rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trên cương vị của mình, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ nữ, và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để cho ra đời các phong trào lớn, trong đó nổi bật là “Ba đảm đang”. Phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động đã tập hợp được rộng khắp các tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia, bảo đảm cho cuộc chiến đấu ở miền Nam “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phong trào “Ba đảm đang” cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên đã xây dựng cơ sở vững chắc cho hậu phương lớn, dốc lực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

 Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Thập (thứ hai từ trái sang) nói chuyện thân mật với các đại biểu tại Đại hội lần IV Hội LHPN Việt Nam (tháng 3-1974). Ảnh: Tư liệu

Bà Nguyễn Thị Thập còn được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, được bầu vào Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Năm 1985, bà là phụ nữ đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Gần 60 năm tham gia cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, nhưng bà Nguyễn Thị Thập luôn khắc phục và vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, cả những bi kịch riêng tư để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của bà đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Bà mất ngày 19/3/1996 tại TP. Hồ Chí Minh và heo di nguyện, bà được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, cạnh mộ chồng. Hiện nay, tên bà Nguyễn Thị Thập -một trong số mười phụ nữ được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên; người phụ nữ đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng cao quý; một trong mười người phụ nữ huyền thoại của dân tộc Việt Nam – đã được đặt cho các đường phố ở thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và một số thành phố khác.

Box:

Năm 2009, Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội thi “Cảm nhận của bạn qua tác phẩm Nguyễn Thị Thập - cuộc đời và sự nghiệp”. Ngày tổng kết hội thi, hội trường của Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã nhiều lần lặng đi trong cơn xúc động bởi những câu chuyện về tấm gương sáng của bà Nguyễn Thị Thập - người đã vượt qua bi kịch của cá nhân, luôn nỗ lực vươn lên, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho công tác phụ nữ. Nhiều thí sinh đã chọn câu nói nổi tiếng của bà Nguyễn Thị Thập: "Tôi đã cố gắng, đang cố gắng và sẽ cố gắng phấn đấu làm tròn trách nhiệm Đảng viên của mình cho đến hết cuộc đời, cho dù ở đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào" để đưa vào bài thuyết trình, bởi lẽ nó đã bộc lộ hết sự nỗ lực cống hiến cho đất nước của người phụ nữ giàu nghị lực này.

Theo: Minh Dương, Báo Pháp luật Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video