Người mẹ 30 năm nuôi con nhiễm HIV và khâm liệm những bệnh nhân chết vì HIV

26/12/2011
Hơn 30 năm bán máu nuôi con nhiễm HIV, tần tảo sớm hôm với quán trà đá nhỏ nơi cuối chợ, và với việc trông nhà vệ sinh công cộng, người đàn bà ấy vẫn cố gắng bươn chải, vẫn cố gắng dốc hết chút sức lực cuối cùng để dành cho thằng con đáng thương và cho cả những người là nạn nhân của ma túy...

"Nhiều lần đi bán máu về xong, lại cả ngày lau rửa nhà vệ sinh ngoài chợ, mặt mày tôi tự nhiên tối sầm, rồi ngã quỵ lúc nào không biết. Nằm đấy tưởng chết, may mà có mấy người đi qua thấy vậy, liền lôi ra quán ngồi. Chắc số mình khổ, trời chưa cho chết, còn muốn cho sống để nuôi nốt thằng con trai thứ hai nghiện ngập, cũng mang căn bệnh thế kỉ...". Bà Đông (Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội) nhớ lại những lần bà bất chợt bị ngã vì thiếu máu, mà lại không được ăn uống đầy đủ lại.

Hơn 30 năm bán máu nuôi con nhiễm HIV, tần tảo sớm hôm với quán trà đá nhỏ nơi cuối chợ, và với việc trông nhà vệ sinh công cộng, người đàn bà ấy vẫn cố gắng bươn chải, vẫn cố gắng dốc hết chút sức lực cuối cùng để dành cho thằng con đáng thương và cho cả những người là nạn nhân của ma túy...

30 năm mẹ bán máu nuôi con nhiễm HIV

Người mẹ trĩu nặng ưu tư và có cuộc đời éo le ấy chính là bà Bùi Thị Đông (Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội). Bà là mẹ của 3 người con trai, thì trong đó có một người đã chết vì HIV, và một người đang sống lay lắt những ngày tháng cuối đời trong bệnh tật, trong sự khinh rẻ, kì thị của người đời. Người mẹ ngoài 60 tuổi này đã bất chấp tất cả dị nghị, đã chấp nhận bán đi cả dòng máu nóng trong cơ thể mình, để đổi lại sự sống trong vài ngày cho người con bệnh tật. Mới nghe câu chuyện của bà, ai cũng từng phải rơi nước mắt, nhưng khi đến gặp trực tiếp, có lắng nghe câu chuyện bà kể, có nhìn vào đôi mắt đầy ưu tư của bà, chúng ta mới thực sự hiểu hết về tấm lòng và nghị lực của người mẹ đặc biệt này.

Chúng tôi gặp bà Đông vào một ngày mùa đông lạnh lẽo, trời u ám và có vẻ buồn ảm đạm. Quán trà đá nghèo nàn, với vài ba thứ đồ uống lặt vặt nằm khép nép nơi cuối chợ. Nói là quán cho oai, chứ kỳ thực chỉ là vài tấm prôximăng lợp trên 4 cái cột, chẳng có tường rào, hay liếp gì che chắn, cứ trống hơ trống hoác như thế, gió lùa bên nọ sang bên kia được.

Ngay cạnh đó là cái nhà vệ sinh công cộng, còn nồng nặc mùi, ấy thế mà lại là cần câu cơm, giúp bà nuôi sống mấy miệng ăn trong gia đình. Chậm rãi rót cho chúng tôi chén trà ấm, bà bắt đầu kể câu chuyện buồn về cuộc đời mình, giọng bà cứ trầm xuống, đôi khi bị lẫn trong những tiếng nấc dài nghẹn ngào.

"Ba đứa con tôi sinh ra trong đau khổ, túng thiếu, tủi cực ê chề. Đứa này chưa lớn, đứa kia đã chui ra. Rồi sau đó, khi hay tin thằng con trai cả mắc vào căn bệnh thế kỉ, ông chồng tôi bỏ mặc 4 mẹ con ở nhà, bỏ đi theo gái, không thèm đoái hoài gì về nhà nữa"  - bà Đông kể trong nước mắt. Kể từ đó, căn nhà cấp 4 ọp ẹp, dột nát mỗi khi có mưa bão vẫn là nơi che mưa che nắng, và là tài sản quý giá nhất của 4 mẹ con bà. Mọi sinh hoạt chi phí, cũng như tiền thuốc thang của con đều trông vào cái quán nhỏ cuối chợ ấy thôi.

Chồng bỏ đi, con lại mắc căn bệnh chết người, vậy là bà một thân một mình vừa phải bươn chải đủ nghề để có tiền lo cho con, vừa cắn răng chịu đựng sự kỳ thị, khinh miệt của hàng xóm. "Mời họ vào uống nước thì họ quay ngoắt đi bảo sợ lây. Thiếu tiền đong cân gạo chịu họ cũng không cho vì "cái nhà có hai thằng nghiện, cho nợ thì đến khi nào lấy được… Nhiều lúc nghĩ tủi thân đến ứa nước mắt cô ạ", bà kể.

Trở về từ trại cải tạo, con trai lớn khẩn thiết xin bà có một gia đình nhỏ. Con dâu bà cũng mang HIV. Bà ứa nước mắt gật đầu với con. "Mình là mẹ nó, mà mẹ nào bỏ được con", cũng từ cái triết lý giản đơn ấy mà bà chẳng nề hà… cắp cặp đi học cách chăm người bệnh HIV để chăm sóc cả con trai lẫn con dâu. Hết con dâu rồi con trai chuyển sang AIDS giai đoạn cuối đều do một tay bà chăm sóc từ việc bón cho ăn đến việc giặt giũ quần áo. Rồi đến khi thần chết cướp đi sinh mạng hai người, cũng lại một tay bà bó gói khâm liệm.

"Rồi quá túng quẫn, không còn tiền chăm lo cho con, tôi đành đi bán máu. Mỗi lần được 150 nghìn đồng, về cũng đủ để mẹ con sống qua ngày. Có lần một, rồi sẽ có lần hai, thế là từ đó, tôi thường xuyên đi bán máu, cứ thiếu quá, không xoay vào đâu được, là tôi tìm tới bệnh viện". Nghe bà Đông nói mà thấy sao chua xót thế. Nếu không phải vì cuộc sống mưu sinh, vì quá thương đứa con lầm lỡ đã phải đánh đổi cả cuộc đời vì căn bệnh thế kỉ, thì liệu bà có phải bán đi những giọt máu quý giá trong cơ thể mình đi không?

Đến khi con trai và con dâu của bà "mồ yên, mả đẹp" thì mảnh đất 170m2 đã bị cắt xén bán đến móng nhà. Số nợ vay lãi của bà giờ đã lên tới hơn 400 triệu đồng. Kể đến đây, bà bỗng chuyển giọng thầm thì như sợ ai nghe thấy: "Kể ra điều này tôi cũng thấy xấu hổ và tủi phận lắm. Túng bấn quá tôi đã phải đi bán máu để phụ thêm tiền trang trải cuộc sống. May ông trời còn cho tôi sức khỏe. Đều đặn 1 tháng hai lần đi bán máu ở khắp các viện ở Hà Nội, mãi đến năm vừa rồi, có tuổi, sức khỏe yếu mới thôi. Tính ra cũng được… 30 năm đi bán máu".

"Có lần đi bán máu về, cả ngày lau chùi nhà vệ sinh, vừa mệt, vừa đói nên đầu óc choáng váng, ngã quỵ lúc nào không hay. May mà có người trông thấy, họ đỡ dậy mới không sao". Bà Đông kể lại những lần tưởng chừng bà sẽ ra đi mãi mãi, giọng bà cứ trầm xuống nghe thật buồn. Mân mê hai bàn tay đầy vết chai sạn, nứt nẻ như được tạc nên bởi bao nhiêu năm trời lăn lộn, đánh vật với cuộc sống, đôi mắt hấp háy đỏ khi kể về cuộc đời gian truân, chìm nổi của mình. "Cuộc đời chưa cho tôi được một ngày vui" bà nói rồi buông một hơi thở dài đến não ruột.

Bà bảo, vì khổ quá nên "chỉ mong người ta gọi đi lấy máu cấp cứu" chỉ đơn giản, mỗi lần như vậy sẽ được trả 500.000đ, gấp đôi so với bình thường. Bà Đông bảo rằng mình có nhóm máu O, có thể cho tất cả các nhóm máu còn lại nên việc bán máu "rất thuận lợi". Bà Đông bảo, mới "giải nghệ" bán máu từ hơn 1 năm nay nên giờ mới có thể kể chuyện này cho phóng viên.

Tình nguyện tắm rửa và khâm liệm người nhiễm HIV

Bà Đông chậm rãi kể, các con mình không may bị nghiện ngập, rồi dính HIV. Ban đầu bà sốc và buồn, vì nhìn thấy con người ta công việc, con cái đàng hoàng, còn con mình thì quặt quẹo trong đau đớn. Ngày đứa con cả sắp mất, bà thức trắng 15 đêm ròng để trông và chăm sóc. Rồi con dâu vào giai đoạn cuối, một tay bà bón cháo, tắm rửa. "Gia đình chúng tôi vẫn ngủ chung, dùng chung đồ. Chỉ có quần áo là tôi giặt riêng, cho một ít thuốc tẩy vào để khử trùng thôi...".

Sẵn tính thương người, lại là mẹ của 2 người con đã mang trong mình căn bệnh thế kỉ, nên hình như bà Đông hiểu và cảm thông lắm với những trường hợp tương tự. Nên, hễ nghe thấy ở đâu, có bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối, người nhà không cần đến tìm, bà cũng tự mò tới, xắn tay vào giúp đỡ người bệnh. Bất chấp mọi thời tiết, nắng hay mưa, những đêm đông rét mướt hay những ngày bão bùng sấm chớp, bà đều sẵn lòng đi mọi lúc. "Có bận, có cháu ở bên Gia Lâm đang sắp nguy kịch, người nhà chạy tới nhà tôi nhờ sang tắm rửa cho cháu nó. Lúc ấy, đã gần 2h sáng, tôi cũng gật đầu, và tất bật đi ngay". Bà Đông kể lại.

"Người nọ mách người kia, nhiều gia đình có con HIV/AIDS giai đoạn cuối lại đến nhờ tôi chăm sóc từ việc ăn uống tắm táp rồi kiêm cả việc khâm liệm cho các cháu. Thậm chí, cả tai nạn hay bốc mộ, họ đến nhờ là tôi giúp. Chúng lỡ lầm lỗi thì đã chịu khổ, đã thiệt thòi rồi, mình phải thương lấy chứ", bà tâm sự.

"Có trường hợp tôi đến thì thấy cháu toàn thân lở loét. Tôi đun nồi nước lá, đạp xe đến để tắm rửa cho cháu. Tôi thì không đi găng tay nhưng bố cháu thì lại đeo rất cẩn thận. Hôm ấy tôi cho cháu tựa vào người và tắm rửa. Nước từ người ra đen ngòm. Thương lắm...", bà Đông kể lại, mà đôi mắt cứ ầng ậng nước.

Ngoài tắm rửa, hàng chục năm nay, bà Đông kiêm thêm "nghề" khâm liệm cho người bị nhiễm HIV. Có hôm nửa đêm cũng bị gọi. Đang ốm, có người gọi là bà lại bật dậy đi liền. "Chúng nó sống đã chẳng ra hình người rồi, chết trong đau đớn vì bệnh tật, nay mình phải thương lấy chúng nó chứ. Chả nhẽ, đến chết rồi mà vẫn không được một lần sạch sẽ, được một người khâm liệm tử tế". Bà Đông nói. Mỗi lần khâm liệm những  người chết vì căn bệnh thế kỉ này, bà bảo bà không hề thấy sợ, thậm chí còn thấy thương nhiều hơn. Tính ra, bà đã làm thủ tục tiễn đưa người chết về trời ngót 30 năm nay...

Câu chuyện đang dở thì anh con trai thứ hai bà Đông đến: Thôi đi mẹ, chuyện nhà mình có gì đâu mà mẹ kể với các anh chị ấy... Bà Đông cười nói với con: Có gì đâu mà phải giấu hả con. Thôi con đi sang chỗ khác đi để mẹ nói chuyện với các anh chị phóng viên.

Mắt ngấn nước, bà Đông quay sang tôi: Đó là thằng thứ hai nhà tôi, vừa đi trại về. Tay chân lở loét rồi. Cháu nói với tôi: Con chơi bời nên giờ con chịu. May ra con chỉ sống được từ giờ tới Tết. Mẹ ơi, mẹ thương con nhé... Tôi vừa đi lấy thuốc cai về cho nó uống. Mấy hôm nay đỡ hơn rồi nhưng không được bao lâu nữa đâu...

Bà Đông bỏ lửng câu nói bằng tiếng nấc nghẹn ngào...

cand.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video