Người giữ 'hồn' thổ cẩm cho buôn làng Cơ Tu

23/05/2020
Với quyết tâm không để làng dệt bị mai một, chị Nguyễn Thị Kim Lan Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa (xã Tà Bhing, Nam Giang, Quảng Nam), một người con của buôn làng Cơ Tu không chỉ giúp người dân giữ nghề truyền thống mà còn đưa thổ cẩm Cơ Tu làng ZaRa đến với phố thị trong và ngoài nước...
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan

Tại vùng núi rừng Trường Sơn, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy đã được tôn vinh, nhưng nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mất mát và dần bị mai một.

Quyết giữ nghề truyền thống

Nhớ lại thời gian trước đây, khi mà hầu như những khung cửi dệt chỉ để treo cao trên giàn bếp, bụi phủ, khói ám đen cả. Và rồi tương lai nghề dệt thổ cẩm sẽ đi đâu về đâu. Nhiều đêm chị Lan mất ngủ chỉ vì lo...

Như một mặc định ngầm, là đàn bà Cơ Tu mà không biết dệt thổ cẩm, thì có lỗi với làng, với người trên. Ngặt một nỗi, khi đường sá tiện lợi hơn, điều kiện tiếp xúc với người đồng bằng dễ dãi hơn, thì những bộ trang phục truyền thống càng ít được mặc hơn. Nghề dệt thổ cầm dần bị quên lãng.

“Hồi ấy, mình sợ đến một ngày nào đó, phụ nữ Cơ Tu sẽ không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu sẽ bị lãng quên” - chị Lan chia sẻ.

Quyết tâm cao, chị đi đến từng nhà để động viên những người phụ nữ trong làng trở lại với khung dệt. Mưa dầm thấm lâu, sau nhiều tháng ngày kiên trì vận động, thuyết phục, nhiều phụ nữ Cơ Tu trong làng Zara đã đồng ý quay lại với khung dệt.

Nhận ra rằng, thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình cần phải được "du ngoạn", chị đã vận động hơn 30 chị em của xã Ta Bhing thành lập HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa. Thời điểm đó, chị vừa một mình lặn lội tìm thị trường cho sản phẩm, vừa tự học những cách thức tiếp thị.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thổ cẩm ZaRa đã "xuống núi" ra Đà Nẵng rồi lại vào Tam Kỳ…Năm 2003, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) tài trợ cho chính quyền huyện Nam Giang một khoản kinh phí để khôi phục lại làng nghề truyền thống. Và ZaRa của Nguyễn Thị Kim Lan đã được chọn bởi những nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm.

Bao nhiêu năm qua đi, nghệ nhân dệt thổ cẩm Nguyễn Thị Kim Lan vẫn dè dặt, sống khiêm nhường, luôn đi trước về sau trong những cuộc hội văn hóa có sự tham gia của làng dệt thổ cẩm ZaRa.

Đưa Zara "vượt biên"

Những năm qua, HTX dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa đã sản xuất ra hơn 8 nghìn sản phẩm và bán ra thị trường gần 6 nghìn 500 sản phẩm, với danh thu trên 850 triệu đồng. Những sản phẩm dệt của HTX ngày một đa dạng và phong phú, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Bên cạnh đó, nơi đây còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, trong những năm qua thu hút hàng ngàn lượt du khách quốc tế đến tham quan và mua sắm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định, đồng thời phát huy bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa độc đáo vốn có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Thổ cẩm ZaRa tham dự triển lãm, hội chợ

Không chỉ vậy, tại Lễ hội Tơ lụa châu Á tổ chức ở Làng Lụa Hội An, gian hàng dệt thổ cẩm Cơ Tu của HTX còn thu hút rất đông người ngoại quốc đến chiêm ngưỡng và tham gia trao đổi.

Thổ cẩm Zara không bó buộc ở những vuông vải truyền thống, mà đã có thêm nhiều sản phẩm ứng dụng với mẫu mã không thua kém các mặt hàng thời trang truyền thống của nhiều dân tộc khác. Các loại túi xách, vật dụng trang trí trong nhà… đều được các chị biến tấu bằng thổ cẩm.

Giờ đây, những hoa văn cùng sắc màu Cơ Tu không chỉ cùng chị Lan đến nhiều gian hàng triển lãm, từ Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội mà còn theo chị Lan đến Nhật Bản, Mỹ, Úc. Mặt hàng này đã trở thành một sản phẩm xuất khẩu và giá tính bằng USD.

Chị bảo: “Chúng tôi, những phụ nữ Cơ Tu tiếp tục nỗ lực vì một tương lai tốt hơn cho chính mình, cho con em mình và cho cộng đồng mình”.

Dù đã làm nhiều hơn những phần việc mà một phụ nữ Cơ Tu bình thường làm được. Nhưng chị, vẫn giản dị ở sắc phục của đồng bào mình trong mỗi cuộc triển lãm, hàng ngày cùng hơn 50 chị em của làng tỉ mẩn bên khung dệt, mỗi tối thêm vài tiếng học ngoại ngữ, để biết “trả lời người nước ngoài về bản sắc của đồng bào mình ở mỗi sản phẩm truyền thống Zara”.

giaoducthoidai.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video