Người bạn của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

21/06/2012
Gần 40 năm gắn bó với Việt Nam, đến nay bà Susan Marina Achnall hoạt động không mệt mỏi để giúp, đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Những ngày đầu tháng 6 này, bà Susan Marina Achnall cùng đoàn chuyên gia khoa học, y tế cộng đồng Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam. Lịch trình chuyến đi dày đặc, hướng về các điểm nóng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxintại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), sân bay Đà Nẵng, Làng trẻ em Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ- TPHCM; tìm hiểu vấn đề vệ sinh, môi trường nông thôn ở tỉnh Hải Dương. Gặp bà, mọi người ấn tượng ngay với phong cách giản dị, nụ cười thường trực thân thiện.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, bà Susan Marina Achnall gắn bó với Việt Nam và tích cực tham gia hoạt động biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Trực tiếp chứng kiến cảnh máu đổ, chết chóc của những người lính Mỹ và những người dân Việt Nam vô tội, bà nhận thức được cuộc chiến tranh Mỹ đang tiến hành hết sức phi nghĩa. Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên năm 2006, bà đến bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trực tiếp chứng kiến những đau khổ, nước mắt của người phụ nữ sinh con bị dị dạng. 

Bà Susan Schnall từng là y tá trong lực lượng hải quân Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam. Năm 1969, trong trang phục quân nhân Mỹ, bà Susan đã sử dụng máy bay để rải truyền đơn phản chiến ở các căn cứ quân sự Mỹ tại vịnh San Fransisco và bị kết án 6 tháng tù. Sau này, bà trở thành giảng viên thỉnh giảng tại Đại học New York (Mỹ). 15 năm qua, bà đã giảng dạy một số khoá như: Các vấn đề Y tế Quốc tế, cải thiện chất lượng trong chăm sóc sức khoẻ, quản lý rủi ro, chính sách y tế… Bà là thành viên tích cực của Hiệp hội Y tế cộng đồng Hoa Kỳ. Bà phối hợp với tiến sĩ Arnold Schecter, Chủ tịch của Causus Việt Nam để viết các chính sách về chất độc da cam. Bà cũng làm việc với Nghị sĩ Mỹ Bob Filner viết dự thảo luật hỗ trợ nạn nhân da cam. Dự thảo luật này đã được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ ngày 26/7/2011.

Những đau thương của chiến tranh đè nặng lên những đứa trẻ thơ dại, vô tội, lớn lên trong vô thức với những khuyết tật bẩm sinh. Từ đó, sự quyết tâm theo đuổi các hoạt động trợ giúp và đòi công lý cho nạn nhân da cam càng thêm thôi thúc bà.

Đã bước sang tuổi 70 nhưng ngọn lửa tranh đấu cho quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong bà vẫn không giảm. Những hoạt động của bà đã góp phần đáng kể vào tiến trình đòi công lý cho nạn nhân da cam, trong đó đáng chú ý nhất là năm 2011, đoàn các nhà khoa học, y tế đã phối hợp với các Hạ nghị sỹ Mỹ viết dự luật trình Hạ viện Mỹ, trong đó có nội dung quan trọng nhằm đòi bồi thường, hỗ trợ tài chính, dịch vụ cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. “Nạn nhân chất độc da cam đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh”, bà Susan khẳng định.

Theo Báo Phụ nữ (LH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video