Người bạn đời, người đồng chí của Lenin

09/11/2017
Bà Nadezhda Konstantinovna Krupskaya (1869-1939) là nhà cách mạng, chính trị gia người Nga. Bà đã sát cánh cùng chồng - V.I.Lenin trong cả quãng đời làm cách mạng

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, V.I.Lenin có một người bạn đời, người đồng chí đã song hành suốt chặng đường gian nan, vất vả nhưng đầy tự hào và cao cả, đó là bà Nadezhda Konstantinovna Krupskaya, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Liên Xô.

Krupskaya sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là một sĩ quan Nga hoàng nhưng có tư tưởng tiến bộ. Thời thơ ấu, Krupskaya đã chứng kiến những cuộc tranh luận về con đường phát triển của xã hội, của cách mạng Nga của cha và những người bạn của ông. Từ đó, đã hình thành trong cô những tư tưởng tiến bộ về giải phóng nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bất công. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm, cô đã tham gia hoạt động trong một nhóm dân chủ xã hội ở Saint Peterbourg.

Cũng trong thời kỳ này, Krupskaya bắt đầu tham gia nhóm nghiên cứu mác-xít. Trong khi đó, V.I.Lenin đã và đang tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác vào phong trào cách mạng của nước Nga, tích cực thành lập các tổ chức chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân theo tư tưởng của những người mác-xít.

Vào một buổi chiều mùa đông năm 1894, sau một buổi dạy học, Krupskaya đến tham gia tọa đàm giữa các nhà mác-xít của thành phố Saint Peterbourg. Tại đây cô đã được gặp gỡ một thanh niên có vầng trán cao, đôi mắt thông minh, hay cười, diễn thuyết rất hay, có bí danh là “ông già” (bí danh của V.I.Lenin lúc đó). Sớm nhận thấy trí thông minh, tinh thần cách mạng, lý tưởng cộng sản của Krupskaya, V.I.Lenin rất mến mộ và khâm phục ý chí của cô. Cũng từ đây, hai người đã nói chuyện, tranh luận, trao đổi với nhau nhiều vấn đề trong hoạt động cách mạng.

Mùa thu năm 1895, theo sáng kiến của V.I.Lenin, các nhóm mác-xít ở Saint Peterbourg đã hợp nhất thành một tổ chức dân chủ xã hội có tên gọi “Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân” do V.I.Lenin đứng đầu và N.Krupskaya cũng là một thành viên tích cực của nhóm. Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Nga dưới sự chỉ đạo của hội, Nga hoàng đã tăng cường đàn áp phong trào công nhân và những người hoạt động trong “Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân”. Tháng 12-1895, V.I.Lenin bị bắt giam cùng với một số đồng chí khác.

Trong thời gian bị bắt giam, Krupskaya là người đã cung cấp cho V.I.Lenin thông tin về tình hình hoạt động của phong trào công nhân, những sách báo, tài liệu tra cứu; đồng thời, bà cũng là người truyền đạt các ý kiến chỉ đạo hoạt động của V.I.Lenin cho hội và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân.

Mến mộ trước ý chí, lý tưởng cách mạng của  Krupskaya, V.I.Lenin đã dành cho cô những tình cảm đặc biệt. Tình yêu của V.I.Lenin và Krupskaya hình thành, ngày càng lớn dần và bền chặt theo sự phát triển không ngừng của phong trào cách mạng ở Nga. Có thể nói, tình yêu của V.I.Lenin và Krupskaya được bắt nguồn và thắp sáng từ tình yêu cách mạng, từ lý tưởng cộng sản.

Để ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng, Nga hoàng tăng cường các cuộc bắt bớ, giam cầm những người theo Chủ nghĩa Mác và các đồng chí trong “Hội và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân”. Năm 1897, Krupskaya bị bắt giam. Bằng ý chí, nghị lực và tinh thần cách mạng của mình, cô tuyệt đối không để lộ, lọt thông tin nào về các đồng chí trong hội. Vì không có bằng chứng cụ thể, sau một năm bị giam giữ, cuối cùng chính quyền Nga hoàng phải trả tự do cho cô. Cũng trong thời gian này, để giảm sự ảnh hưởng của V.I.Lenin đối với phong trào công nhân ở Saint Peterbourg, Krupskaya bị đi đày tận xứ Siberia lạnh giá. Nhưng tình yêu của V.I.Lenin và Krupskaya vẫn không ngừng lớn mạnh theo năm tháng. Vì vậy, sau khi được trả tự do, Krupskaya cũng đến Siberia để được hoạt động cách mạng và có điều kiện chăm sóc V.I.Lenin.

Ngày 22-7-1898, tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Enisei, xứ Siberia lạnh giá, V.I.Lenin và Krupskaya chính thức làm lễ kết hôn. Đây là một lễ cưới hết sức đặc biệt, “lễ cưới không có nhẫn cưới”, nhưng ở đó có một tình yêu cháy bỏng được thắp trong một tình yêu, lý tưởng cách mạng vĩ đại. Với lý tưởng của mình, với tình yêu của mình,  Krupskaya đã tình nguyện gắn bó đời mình với người mà cô yêu dấu, chung vai gánh vác với sự nghiệp cách mạng của Người.

Trong các giai đoạn V.I.Lenin hoạt động ở nước ngoài (1900-1905) và (1907-1917), Krupskaya luôn tích cực hoạt động cách mạng, gây dựng và phát triển phong trào trong giai cấp công nhân Nga, là người cộng tác đắc lực với V.I.Lenin trong việc xuất bản các tờ báo: “Tia lửa”, “Sự thật”, “Người vô sản”... Đồng thời, Krupskaya cũng chu toàn việc gia đình giúp V.I.Lenin yên tâm hoạt động cách mạng, chuẩn bị các điều kiện chín muồi cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Lý tưởng cách mạng và tình yêu của Krupskayadành cho V.I.Lenin là nguồn động viên rất lớn cho Người vượt qua những năm tháng khó khăn, vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy trước sự truy lùng gắt gao trong thời gian hoạt động ở nước ngoài. Đồng thời, ý chí, nghị lực, quyết tâm, lý tưởng cách mạng vĩ đại của V.I.Lenin cũng giúp cho Krupskaya vững niềm tin, niềm hạnh phúc về một ngày thắng lợi của cách mạng vô sản thành công, về một gia đình hạnh phúc với một người chồng đã hiến dâng cả cuộc đời cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động.

Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lenin và những người cộng sản Nga, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, Cách mạng Tháng Mười 1917 thành công, nước Nga Xô-viết ra đời, “mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nước Nga Xô-viết non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” với nạn thù trong, giặc ngoài. Trước tình hình đó, V.I.Lenin và những người cộng sản Nga, tiếp tục đề xuất và thực hiện các chính sách nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của các mạng đề ra. Trong đó, xác định mục tiêu cần quan tâm tới việc tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí và toàn diện cho mọi người dân, giải phóng phụ nữ và dạy cho những người dân mù chữ Nga biết đọc, viết. Krupskaya luôn là người động viên, giúp đỡ, là chỗ dựa tinh thần, là người bạn, người đồng chí để V.I.Lenin vượt qua những khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng phát triển.

Bằng tài năng và nghị lực của mình, Krupskaya được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Dân ủy giáo dục, thập niên 1920-1930, bà được bầu làm lãnh đạo Tổng cục Giáo dục và nhiều chức vụ quan trọng khác trong Đảng, Nhà nước Liên Xô. Trước những khó khăn, bộn bề của sự nghiệp cách mạng, tình yêu của V.I.Lenin và Krupskaya vẫn rực sáng, sưởi ấm cuộc đời của Người trong sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, trong thời kỳ V.I.Lenin dưỡng bệnh (1918-1924), Krupskaya luôn là người quan tâm, chăm sóc, động viên Người vượt qua những nỗi đau thể xác để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Chính tình yêu của bà dành cho V.I.Lenin là nguồn động viên rất lớn để Người lãnh đạo nước Nga thực hiện thành công các chính sách lớn trong những năm đầu của chính quyền Xô-viết non trẻ.

Tên tuổi của V.I.Lenin mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như người sáng tạo ra cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Và sự vĩ đại của V.I.Lenin luôn gắn với một tình yêu, một lý tưởng cao đẹp với người vợ, người bạn chiến đấu, người đồng chí thủy chung - Nadezhda Konstantinovna Krupskaya.

QĐND/PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video