Người đàn ông chuyên đỡ đẻ cho những công nhân lầm lỡ

03/02/2016
Lỡ có bầu, nhiều nữ công nhân sợ gia đình biết, sợ bị mất việc…nên không dám đến bệnh viện mà đẻ non, đẻ chui, đẻ rơi tại các nhà trọ. Giữa lúc thập tử nhất sinh ấy họ được một người đàn ông tận tâm, tháo vát trong vai bà đỡ. Gần một trăm ca sinh của những công nhân lầm lỡ nhờ ông mà “mẹ tròn con vuông”.

Chạy theo những ca đẻ rơi

Hỏi về chuyện làm “bà đỡ” cho gần một trăm ca sinh con hy hữu của các nữ công nhân, ông Hồ Viết Định cười, nói : “Làm nghề y, chuyện đỡ đẻ cũng không có gì quá phức tạp. Quan trọng là những ca tìm đến với tôi trong tình trạng sản phụ đẻ tới nơi, cổ tử cung của mẹ mở 8 phân, 10 phân, đầu bé nhú ra rồi, nên không kịp đưa đi bệnh viện, tôi đều phải xử lý rất khẩn trương”.

Các trường hợp ông đỡ đẻ đều rất hy hữu, tức cười. Có hôm, hơn 3 giờ sáng, bỗng có tiếng bà chủ nhà xóm trọ gần đó thất thanh: “Ông Định ơi, ông tới ngay giúp tôi với, có con nhỏ đẻ rớt trong phòng trọ nhà tôi”. Ông Định vội vã xách đồ nghề chạy tới nơi, thấy sản phụ người lạnh ngắt nằm góc phòng trọ, đứa bé nằm kế bên còn nguyên dây rốn, máu me bám vào người. Ông bình tĩnh xử lý cắt dây rốn cho bé, lấy nhau thai cho bà mẹ, ủ ấm cho cả 2 mẹ con. Kiểm tra thấy tầng sinh môn của người mẹ bị rách, ông khâu lại và giúp vệ sinh sạch sẽ để khỏi nhiễm trùng.

Cũng có ca sinh non, ông nhận được lời nhờ cứu giúp, chạy tới nơi là gần 1 giờ sáng, khi đỡ đẻ xong là hơn 3 giờ sáng. Lúc này, ông mới kịp nhìn người chồng đứng gần đó và bảo: “Cậu chạy ra chợ mua cho vợ tô cháo hay ly sữa nóng để vợ ăn đỡ mệt, có sức cho con bú”. Cậu chồng có vẻ chần chừ nhưng sau vài giây thì gật đầu, lấy xe đạp của vợ phóng vội ra đường. Ông cứ ngồi ôm đứa bé đỏ hỏn, động viên người mẹ trẻ cho con bú, chuyện trò cho cô đỡ đau nhưng rồi 1 tiếng, 2 tiếng vẫn không thấy người chồng đó mang sữa hay cháo về. Ông đành nhờ bà chủ nhà đi mua cháo giúp. Người mẹ trẻ khóc nức nở: “Chúng con không phải là vợ chồng, anh ấy đã muốn bỏ đi mấy lần, giờ anh ấy đi thật rồi, anh ấy lấy cả xe đạp của con luôn rồi”…

Tình người và nỗi đau dài theo năm tháng

Nhiều ca, hạnh phúc chưa kịp trọn vẹn, ông lại nhói đau khi người mẹ trẻ đó mệt mỏi trong tiếng nấc nghẹn: “Ông ơi, ông đã cứu mẹ con con, giờ ông tìm cách cho đứa nhỏ đi hộ con với. Con không thể nuôi được nó”. Ông lại đi tìm xem ai có nhu cầu nuôi đứa bé, hoàn cảnh tin cậy thì liên hệ giúp cho người mẹ trẻ.

Ở ngay khu trọ của ông, có cặp công nhân ở với nhau như vợ chồng, khi cô gái có bầu tháng thứ 8 thì anh chàng cũng bỏ đi mất. “Tôi thấy nhỏ đó không đi làm mới hỏi, sao hôm nay con không đi làm? Chồng con đâu mà mấy hôm nay ông không thấy nó về?”. Con bé mếu máo: “Anh ấy đi mất rồi, con không liên lạc được, mà cũng khôngthấy anh ấy về”. Lúc này, con bé mới thú nhận : “Bọn con không phải vợ chồng, chỉ sống chung với nhau thôi. Giờ anh ấy bỏ đi rồi, con cũng sắp sinh con. Con không có tiền nên chú cho con ở thêm vài tháng nữa, sinh con xong, con sẽ đi chỗ khác”.

Ông động viên cô gái: “Con cứ ở lại đây, bình tĩnh giữ sức khỏe, chú sẽ tìm cách giúp con”. Ông chở cô bé tới bệnh viện khám thai, xem thai đã bao nhiêu tuần, có bình thường hay không? Kết quả khám cho thấy, cô bé đó dự kiến còn 2 tuần sẽ sinh. Ông suy nghĩ và dỗ: “Con cho chú điện thoại của má con hay chị con cũng được”. Cô bé hoảng sợ. “Chú ơi, không được đâu, chú nói ra cả nhà con biết là sẽ giết con liền đấy, vì ba mẹ con khó lắm”.

Ông phải thuyết phục cô bé đó nhiều giờ, vì đứa bé trong bụng, vì tính mạng và sức khỏe của cả 2 mẹ con. Mãi rồi cô bé mới cho ông số điện thoại của gia đình ở Nghệ An, ông điện thoại thuyết phục gia đình chấp nhận cho cô bé về. Sau đó, ông mua vé tàu nằm cho cô bé về quê. Đêm khuya hôm ấy, tiễn cô bé lên toa, cho thêm cô 500 ngàn đồng để đi đường, ông lại đi kiếm 2 người ngồi gần để gửi gắm, nhờ cậy giúp đỡ cô bé trên đường về.

Ông không phải chuyên về khoa sản. Ông gắn bó với nghề y từ thời đất nước mới giải phóng (tháng 10/1975). Khi đó, ông làm Trưởng trạm y tế xã Tân Thới (nay là phường Lái Thiêu), rồi chuyển sang bệnh viện Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho đến khi ông về nghỉ hưu (2010). Ông tâm sự: “Mỗi lần phải giúp đỡ các sản phụ trong tình thế không mong muốn ấy, tuy tốn kém nhưng khi thấy cả mẹ và con đều ổn, tôi lại thấy vô cùng hạnh phúc”.

Nhiều người ở bệnh viện vẫn đùa ông: “Sao toàn con ông hay sao mà ông cứ đưa đi đẻ hoài vậy?”. Câu đùa ấy không khiến ông phật lòng. Ông biết họ hiểu việc ông làm ngoài trách nhiệm của một lương y còn là việc làm của một người tử tế.

Những ngày giáp Tết này, để giúp chồng, vợ ông tất bật chuẩn bị rất nhiều đồ để đón các con cháu từ khắp nơi về. Ngoài các cháu ngoại của 4 cô con gái, căn nhà đơn sơ của gia đình ông còn là nơi xum vầy của nhiều đứa con nuôi đã được ông cứu giúp trong những ca sinh đẻ hy hữu khiến cho những ngày Tết của nhà ông như chẳng bao giờ… hết Tết.

 

(Theo Khánh Linh-báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video