Ngoại trưởng Hillary Clinton viết nhân ngày 8-3

08/03/2009
"Khi kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng ta có cơ hội để điểm lại cả những tiến bộ đã đạt được cũng như các thách thức còn đó và nghĩ về vai trò sống còn phụ nữ cần phải nắm bắt trong công cuộc giải quyết các thách thức phức tạp có tính toàn cầu"- Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Phân biệt đối xử

Trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây 11 năm, tôi đã gặp nhiều nhà hoạt động phụ nữ, họ kể với tôi về các nỗ lực nhằm thúc đẩy các điều kiện dành cho phụ nữ ở đất nước này. Qua những câu chuyện đó cho thấy một bức hoạ sống động về những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt: Phân biệt đối xử trong công việc, chăm sóc y tế không đầy đủ, bạo lực gia đình, luật lệ lạc hậu cản trở sự tiến bộ của phụ nữ.  

Tôi đã gặp lại một vài người trong số những phụ nữ đó cách đây vài tuần, trong chuyến công du châu Á trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Lần này, tôi được nghe về những tiến bộ đã đạt được trong một thập kỷ qua. Nhưng ngay cả khi đã có một số bước tiến quan trọng, những phụ nữ Trung Quốc cho thấy đây đó vẫn còn những cản trở và bất công, ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng như vậy. 

Tôi đã nghe những câu chuyện như thế ở mọi châu lục, khi mà phụ nữ luôn tìm kiếm các cơ hội để tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị, kinh tế và văn hoá của đất nước.

Lại thêm một 8/3, chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và cũng là lúc điểm lại những tiến bộ đã đạt được cũng như các thách thức còn đó để nghĩ về vai trò sống còn mà phụ nữ chúng ta cần phải thấu hiểu trong hành trình giải quyết các thách thức phức tạp có tính toàn cầu của thế kỷ 21. 

Những vấn đề chúng ta phải đối mặt quá lớn và quá phức tạp không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên thế giới.

Tăng cường nữ quyền không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức thường trực mà đó còn là một điều cấp thiết vì chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nạn khủng bố lan rộng và sự phổ biến vũ khí hạt nhân, các cuộc xung đột khu vực đe doạ các gia đình và các cộng đồng, và sự biến đổi khí hậu cũng như các nguy cơ của nó đối với sức khoẻ và an ninh của thế giới. 

Những thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực tổng thể và sẽ không thể giải quyết được bằng các giải pháp nửa vời. Vậy mà khi xử lý các vấn đề khó khăn này và nhiều vấn đề khác nữa, một nửa thế giới đã bị bỏ lại phía sau.   

"Phải tiếp tục đi học cho dù có bị giết" 

Đã có thêm nhiều phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ so với các thế hệ trước. Nhưng phụ nữ vẫn chiếm đa số người nghèo, họ vẫn bị thiếu ăn và thất học, họ vẫn bị cưỡng hiếp... như một phần chiến thuật trong chiến tranh và bị bóc lột bởi bọn buôn người trong ngành kinh doanh tội ác nhằm thu lợi hàng tỷ đôla.  

Các vụ giết người hoặc chặt chân tay vì danh dự, cắt bỏ cơ quan sinh dục và các hình thức bạo lực hạ cấp khác nhằm vào phụ nữ vẫn được dung túng ở quá nhiều nơi. Chỉ cách đây vài tháng, một bé gái ở Afghanistan trên đường đến trường đã bị một nhóm đàn ông tạt axit, vĩnh viễn cướp đi đôi mắt chỉ vì muốn chống lại việc em muốn được học hành. Xong bọn chúng đã thất bại khi bé gái cho biết: “Cha mẹ nói, em phải tiếp tục đi học cho dù có bị giết đi nữa”. 

Lòng dũng cảm và quyết tâm của em gái nhỏ chính là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta – phụ nữ và nam giới – tiếp tục làm hết sức mình để đảm bảo rằng mọi em gái, mọi phụ nữ đều được tôn trọng với đầy đủ các quyền và cơ hội đáng được hưởng.  

Bình quyền là mục tiêu của xã hội văn minh

Đặc biệt, giữa cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, chúng ta cần phải nhớ lại rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy ủng hộ phụ nữ chính là một quyết định đầu tư có hiệu quả cao, điều đó sẽ giúp cho các nền kinh tế mạnh hơn, các xã hội dân sự sôi động hơn, các cộng đồng lành mạnh hơn, cũng như sẽ có thêm hoà bình và ổn định. Đầu tư vào phụ nữ là một cách thức trợ giúp cho các thế hệ tương lai: Phụ nữ chi tiêu nhiều hơn từ thu nhập của họ để mua thực phẩm, thuốc men và trả tiền học cho con cái. 

Vậy nhưng ngay tại những nước đã phát triển, sức mạnh kinh tế đầy đủ của phụ nữ cũng còn xa mới được công nhận. Phụ nữ ở nhiều nước vẫn thu nhập thấp hơn nhiều so với nam giới trong cùng một công việc. Tổng thống Obama đã có một bước đi nhằm xoá bỏ khoảng cách này ở Hoa Kỳ ngay trong năm nay, bằng việc ký ban hành Đạo luật Tiền lương công bằng Lilly Ledbetter.   

Phụ nữ xứng đáng được trao cơ hội làm việc với tiền lương công bằng, tiếp cận tín dụng và khởi sự doanh nghiệp. Họ xứng đáng được hưởng công bằng khi tham gia vào chính trường, được tiếp cận phòng bỏ phiếu và quyền tự do khiếu nại chính phủ cũng như tranh cử.

Họ có quyền được hưởng chăm sóc y tế cho bản thân và gia đình, và quyền đưa các con đến trường. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hoà bình và ổn định trên toàn thế giới. Ở những khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh, phụ nữ thường chính là những người tìm ra cách thức vượt qua sự khác biệt và khởi dựng nền tảng chung. 

Trên cương vị mới, sau các chuyến công du, tôi luôn ghi nhớ trong tâm trí những câu chuyện của những người phụ nữ tôi đã gặp gỡ ở mọi châu lục – những người phụ nữ đã dũng cảm đấu tranh chống lại những khó khăn, những bất công to lớn nhằm thay đổi các luật lệ để họ có thể sở hữu tài sản, có quyền hôn nhân, đi học, nuôi gia đình – thậm chí làm những người gìn giữ hoà bình. 

Và tôi sẽ sát cánh cùng họ bằng việc sẽ làm việc với các đối tác của tôi ở các quốc gia khác, cũng như là các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu bình quyền cho phụ nữa. Hiện thực hoá đầy đủ tiềm năng và cam kết cho phụ nữ và các em gái không đơn thuần là vấn đề công lý. Đó còn là mục tiêu của hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng trên toàn cầu cho những thế hệ mai sau. 

Hillary Clinton (Ngoại trưởng Hoa Kỳ)
(Theo TUANVIETNAM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video