Nghề mới cho phụ nữ Vân Canh

12/10/2008
Núi rừng Vân Canh có rất nhiều đót nhưng chổi đót bán ở Vân Canh lại được chở từ Tuy Phước lên. Phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Vân Canh có nhiều thời gian rảnh rỗi sau cấy gặt. Đó là lý do mà lớp dạy nghề làm chổi đót cho 30 phụ nữ thị trấn Vân Canh ra đời, khai giảng vào đầu tháng 10 này.

* Rủ nhau đi học làm chổi

Đây là lớp hướng dẫn làm chổi đót thứ 2 ở Vân Canh, do Trung tâm Khuyến công tỉnh phối hợp với Phòng Công Thương huyện và UBND thị trấn Vân Canh tổ chức. Để lớp học đạt hiệu quả cao, Phòng Công Thương huyện mời ông Bùi Thái Minh, một người có nghề làm chổi đót lâu năm và có tiếng ở Vân Canh đến truyền đạt. Học viên của lớp chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số Bana, Chăm, Tày, Mường, Thái.

Một buổi học làm chổi tại trụ sở thôn Thịnh Văn 2 (thị trấn Vân Canh). Hơn 20 phụ nữ đang học cách "chế ngự" những bó đót lớn, xếp và bó các cọng đót thành từng thẻ nhỏ trước khi bắt chúng nằm cố định ngay ngắn trong những sợi dây kẽm, dây cao su để trở thành một cây chổi chắc chắn và bắt mắt.

Ông Bùi Thái Minh đang tất bật với công việc của mình. Vừa hướng dẫn người này cách kéo căng dây thun để buộc chặt các thẻ đót với nhau xong, ông lại quay sang bày một chị khác cách làm sao cho cổ cây chổi to ra để cây chổi trông vừa đẹp vừa chắc chắn… Cứ thế, cả buổi thầy và trò cùng xoay vần với những bó đót và những cây chổi bó vào - tháo ra. "Quấn thế này mối dây kẽm sẽ làm xước tay người quét", "Chưa được, nhìn như một đống "bùi nhùi" vậy", "Tạm được"… chốc ông Minh lại đưa ra các nhận xét, vừa nghiêm túc nhưng cũng pha trò để học viên nhìn lại sản phẩm của mình.

Tuy mới chỉ học được vài buổi nhưng một vài chị đã bó được hoàn chỉnh một cây chổi. Ông Minh cho biết với phương pháp cầm tay chỉ việc như thế này thì chỉ mất 5 - 7 ngày là chị em sẽ bó được chổi; 15 - 20 ngày sẽ thành thạo trong công việc.

Chị Lê Thị Út, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vân Canh, cho biết hầu hết học viên của lớp làm chổi đót này đều chưa có nghề phụ gì trong lúc nông nhàn nên nếu được dạy cách làm chổi thì khi thành thạo, ngoài lúc lên rẫy, chị em sẽ tranh thủ làm thêm. Riêng với chị, chị tham gia lớp học này để vừa có thêm một nghề phụ vừa quản lý hội viên. Chị nhận xét: "Lúc đầu mình cũng nghĩ là sẽ khó học lắm nhưng khi vào việc rồi thì thấy cũng được, chú ý nghe thầy hướng dẫn là làm được. Thầy rất nhiệt tình, tận tụy với học viên".

Còn chị Vương Thị Ngọc Thu (thôn Thịnh Văn 1), khi được hỏi học nghề này có thấy khó lắm không, chị cười: "Cố gắng làm thì cũng được. Nếu sau này làm mà bán được thì tôi sẽ làm để có thu nhập thêm cho gia đình".

* Không sợ ế, chỉ sợ làm không đạt

Lớp dạy nghề làm chổi đót cho phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Vân Canh ra đời xuất phát từ một thực tế đáng chú ý: Vân Canh là địa phương có nguồn đót nguyên liệu dồi dào mà không phải nơi nào cũng có được. Song nhưng người dân nơi đây lại chưa biết khai thác hết lợi thế này trong việc biến cây đót thành những sản phẩm hàng hóa. Họ chỉ biết lên rừng khai thác và bán đót nguyên liệu cho các vùng khác trong tỉnh. Để rồi cây chổi đót, vật dụng quen thuộc phổ biến trong các gia đình, phải làm một hành trình ngược Tuy Phước quay trở lại Vân Canh, bởi ở Vân Canh rất ít người biết nghề làm chổi đót.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng Công Thương huyện Vân Canh nhẩm tính: "Vân Canh có hơn 25.000 dân với hơn 5.000 hộ. Nếu trừ số hộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở nhà sàn khoảng 40% thì còn chừng 3.000 hộ ở nhà xây, cần dùng chổi đót. Trung bình mỗi năm một hộ dùng 4 cây chổi đót, mỗi cây chổi đót dùng 0,5kg đót thì mỗi năm Vân Canh sẽ dùng 6 tấn đót để làm 12.000 cây chổi. Chúng tôi xác định: dạy nghề cho chị em để làm ra sản phẩm tiêu thụ tại địa phương thôi thì cũng đã tốt rồi. Vậy nên chúng tôi nói với học viên rằng, chỉ sợ làm không đạt chứ đừng sợ làm ra bán không được".

Còn theo ông Minh, nếu thành thạo thì một người mỗi giờ có thể làm được 2 cây chổi đót, bán sỉ giá 13.000đ/cây. Trừ tiền nguyên vật liệu thì mỗi cây chổi người làm lời khoảng một nửa. Nếu tranh thủ thời gian rảnh rỗi thì mỗi ngày một người cũng có thể kiếm vài chục ngàn đồng từ nghề phụ này.

Như vậy, có thể thấy thị trường tiềm năng của mặt hàng chổi đót ngay tại Vân Canh là rất lớn và lợi nhuận từ nghề làm chổi đót cũng khá hấp dẫn. Nếu người dân nơi đây biết khai thác hiệu quả thế mạnh vùng nguyên liệu của mình thì nghề phụ này sẽ góp phần cải thiện cuộc sống, nhất là cuộc sống của đồng bào người dân tộc thiểu số.

Theo Nguyên Sương - Báo Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video