Nghề dệt sà rông truyền thống của người Chăm

07/08/2017
Khi nhắc đến các sản phẩm thủ công truyền thống của người Chăm An Giang, không thể không nghĩ đến những chiếc sà rông bằng tơ tằm được đôi tay khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ Chăm dệt ra một cách tinh tế, độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa riêng.

Không ai biết rõ nghề dệt của người Chăm có từ lúc nào, xưa kia hầu như gia đình nào cũng có khung dệt để sử dụng trong gia đình và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi mới 10 - 12 tuổi, thiếu nữ Chăm đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Các sản phẩm dệt chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sà rông, khăn quấn cổ, khăn đội đầu… Sà rông là trang phục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm. Nam giới trong cộng đồng người Chăm đều mặc sà rông. Sà rông được cấu tạo đơn giản chỉ là 1 tấm vải hình chữ nhật ngang 1,2m, dài 2m, khi mặc chỉ cần đấu 2 mép vải lại với nhau. Sà rông mặc bình thường ở nhà chỉ dệt bằng vải thô màu trắng không có hoa văn trang trí. Còn sà rông dệt bằng chỉ tơ tằm có hoa văn chỉ được mặc vào các dịp đám tiệc, cưới hỏi quan trọng. Hoa văn trên những chiếc sà rông của người Chăm thường sử dụng những kiểu hoa văn truyền thống, như: Ô vuông, con thoi, cánh quạt, răng cưa… đôi khi cũng có những kiểu hoa văn mới lạ, hiện đại kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho chiếc sà rông sinh động và mới mẻ hơn. Sà rông thường có các màu nâu, đỏ, tím, xanh lá cây, xanh dương… và được dệt theo chiều dọc, 1 dãy hoa văn có màu sắc khác biệt so với màu nền của chiếc sà rông.

 

Chị Salyha (ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu), một trong những gia đình còn giữ nghề dệt sà rông bằng tơ tằm cho biết, mỗi chiếc sà rông thành phẩm đều thể hiện sự tinh xảo từ sự phối màu đến kỹ thuật dệt, tạo hình hoa văn, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian với nhiều công cụ... Đầu tiên, chỉ tơ tằm mới mua về phải sơ chế để tơ mất đi màu vàng tự nhiên mà chuyển sang trắng. Sau đó, mới quay chỉ tơ vào từng ống chỉ nhỏ để canh khung dệt tạo hoa văn. Kế đến là nhuộm màu chỉ tơ theo màu sắc cần dệt của sà rông. “Đây là giai đoạn quan trọng, nếu không có kinh nghiệm hay sơ suất, chỉ tơ được nhuộm sẽ không đều màu, dệt lên vải sẽ rất xấu.” - chị Salyha chia sẻ. Hoa văn của tấm vải sẽ được tạo sẵn trên sợi dọc của khung dệt và dệt sợi ngang bằng màu trơn để tạo tấm vải. Đây là công đoạn khó và mất thời gian vì phải canh từng sợi chỉ tơ để lúc dệt có hoa văn như ý muốn, không bị sai lệch. Điểm đặc sắc trong kỹ thuật dệt của người Chăm là làm cho hoa văn nổi lên giữa nền vải và đường chỉ ngang mà không bị che khuất giữa các màu. Chị Salyha cho biết: “Phải mất thời gian khoảng 30 ngày mới có thể dệt hoàn thành 56m vải sà rông bằng tơ (khoảng 28 chiếc sà rông thành phẩm), bán với giá khoảng 650.000 đồng/chiếc sà rông ở các xóm Chăm, như: Vĩnh Hanh (Châu Thành), Búng Lớn, Búng Nhỏ, Khánh Hòa (Châu Phú)…”.

 

Theo anh Gosaly (ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu), trước đây người Chăm tự trồng dâu nuôi tằm ươm tơ nên sử dụng sợi tơ tại chỗ để dệt. Điểm nổi bật của sản phẩm truyền thống người Chăm là dệt thủ công bằng tơ sợi được nhuộm bằng chất liệu tự nhiên, như: Rễ cây, mủ cây, vỏ cây, trái mặc nưa… có màu tự nhiên rất đẹp và bền. Những năm gần đây, do không còn sản xuất tơ, nguyên liệu chỉ tơ phải mua tại các cơ sở dệt lụa ở TX. Tân Châu với giá thành khoảng 1,2 triệu đồng/kg chỉ tơ đã được se sợi sẵn (giá tùy vào từng loại chỉ tơ khác nhau), nên thợ dệt chuyển sang dùng chỉ dệt công nghiệp cho sà rông thường ngày, chỉ dùng tơ tằm để dệt trang phục lễ hội hoặc trang phục cưới. Các nguyên liệu nhuộm tự nhiên ngày càng khan hiếm, vì thế đã được thay thế bằng thuốc nhuộm hóa chất nhuộm cho công nghiệp để làm đa dạng màu sắc và giảm giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh với các sản phẩm dệt công nghiệp. 

 

Trải qua thời gian, nghề dệt của người Chăm ở An Giang vẫn giữ được những nét độc đáo trong kỹ thuật dệt, nên sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, mịn, bóng và bền. Giao thương ngày càng phát triển, sản phẩm dệt của người Chăm, đặc biệt là những chiếc sà rông bằng tơ tằm mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Chăm đã được giới thiệu rộng rãi qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước

AGO

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video