Nghệ An: Nữ cựu thanh niên xung phong vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ

13/06/2022
Bà Nguyễn Thị Lân, cựu thanh niên xung phong ở Khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là người từng có vinh dự to lớn khi 2 lần được gặp Bác Hồ.
Bà Nguyễn Thị Lân kể lại chuyện gặp Bác Hồ cho Thượng tá Bùi Thế Kỷ, Trưởng phòng Công tác Quần chúng Quân khu 4 nghe

Bước vào gian nhà cấp 4 đơn sơ của bà Lân, ấn tượng đầu tiên là bức ảnh Bác Hồ chụp với Đoàn đại biểu Quân khu 4 vào tháng 6 năm 1969 lúc đoàn vinh dự được ra Thủ đô báo công với Bác, được phóng to và đặt ngay ngắn ở vị trí trang trọng chính giữa gian phòng khách. B Lân bùi ngùi hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng của mình: “Tháng 6, năm 1969, tôi vinh dự là 1 trong 9 đại biểu nữ đi dự Đại hội Thi đua quyết thắng ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An, là 1 trong 7 đại biểu của Quân khu 4 được ra thủ đô Hà Nội báo công với Bác Hồ, được Bác tiếp đón và trò chuyện thân mật. Kỷ niệm này suốt đời tôi không thể nào quên”.

Năm 1965, bà Nguyễn Thị Lân, cô gái nhỏ nhắn quê ở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đi Thanh niên xung phong lúc mới vừa tròn 21 tuổi. Hành quân vào chiến trường Quảng Trị cùng với đồng chí, đồng đội Binh đoàn 7, Đoàn 559 vượt qua bao gian khổ, giữa mưa bom bão đạn, bạt núi san rừng để vận tải, chi viện lương thực, vũ khí ra chiến trường, phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ đang ngày càng ác liệt góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta dọc theo tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Cuối năm 1967, với những thành tích xuất sắc ấy, nữ Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lân vinh dự được lần đầu tiên ra Hà Nội gặp Bác Hồ. "Lần ấy, đoàn có đến gần 200 người nên Bác không thể gặp từng người mà chỉ đứng vẫy tay tươi cười chào, nên tôi chỉ được gặp Bác từ xa chứ không có cơ hội được chụp với Bác một bức ảnh kỷ niệm”, bà Lân xúc động nói.

Đến đầu tháng 2 năm 1968, bà được điều về nhận nhiệm vụ mới với vai trò Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội 557 ở ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Đến tháng 10 năm 1968, với sự chỉ huy gan dạ và những chiến công vang dội của mình, đơn vị của bà được công nhận là Đơn vị Quyết thắng, bản thân bà vinh dự được có mặt tại Đại hội Thi đua Quyết thắng Quân khu 4 và là một trong số hiếm hoi nữ Thanh niên xung phong nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Đến tận bây giờ, khi mái tóc đã dần bạc trắng, bà vẫn nhớ như in lá thư Bác Hồ gửi cho cán bộ, chiến sĩ dự Đại hội Thi đua quyết thắng năm ấy. Trong thư Bác bảo, Bác bận công việc nên không vào dự Đại hội được nhưng Bác mong Đoàn Chủ tịch Đại hội cho Bác được gặp một đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4. Và trong số 24 đại diện tiêu biểu ấy, bà đã vinh dự có mặt. Đó là lần thứ hai và cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của bà trước lúc Bác Hồ mãi mãi ra đi.

Cuộc gặp của đoàn đại biểu được Bộ Chính trị sắp xếp thời gian vào giữa tháng 6/1969 tại Phủ Chủ tịch, cuộc gặp ấy có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Thư ký Vũ Kỳ.

Bức ảnh kỷ niệm Bác Hồ chụp với bà Lân (người ngoài cùng bên trái) và đoàn đại biểu Quân khu 4

Trước khi vào gặp Bác, trưởng đoàn đã cử 7 đại diện trong số 24 người trực tiếp gặp, báo cáo thành tích với Bác, trong đó có bà. Bà bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ, ai cũng hồi hộp, cũng lo lắng nhưng giây phút Bác bước vào phòng, hỏi han với từng người một, tận sâu trong đáy lòng chúng tôi, ai nấy dều dấy lên một niềm ngưỡng mộ, niềm hạnh phúc khôn nguôi khi đứng trước mặt mình không phải là một vị lãnh tụ vĩ đại, không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bác như là một vị cha già đã lâu không được gặp các con của mình vậy”.

Theo thứ tự, bà Lân là người thứ 3 được báo cáo, Bác hỏi: “Cháu chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc có vất vả không? Đấy là địa bàn địch đánh phá ác liệt, mưa bom bão đạn suốt. Địa hình chủ yếu là ruộng đồng, đồi núi, khe suối nhiều, đường trơn lầy lội, chắc các cháu khổ lắm?” Bà chỉ biết cười cho Bác phần nào vơi đi nỗi lo lắng trong lòng. Bác lại hỏi tiếp: “Thế đơn vị cháu có bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ?”. Bà đáp: “Thưa Bác! Đơn vị cháu có tới 85% là nữ ạ!”. Hiểu được ngã ba Đồng Lộc là một chiến trường đánh phá ác liệt của quân địch, một ngày có đến hàng trăm máy bay, hàng ngàn quả bom ném xuống, Bác hỏi tiếp: “Đơn vị cháu thương vong có nhiều không?”. Nghe xong câu hỏi của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đối diện nhìn bà và lắc đầu ra hiệu bảo bà đừng nói đến chuyện thương vong. Đồng chí Vũ Kỳ ngồi cạnh đó cũng đứng lên nhắc bà không nói đến sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ trong đó, bởi cả hai đều biết khi nghe đến thương vong sẽ làm Bác xúc động mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngay lập tức Bác nhắc nhở hai đồng chí rồi nói tiếp: “Đã chiến đấu thì khó tránh khỏi thương vong. Cháu cứ nói thật đi, đơn vị hy sinh nhiều không?”. Bà Lân lấy hết can đảm đáp: “Dạ thưa Bác! Có thương vong nhưng rất ít ạ!". Bác tiếp lời: "Ít là bao nhiêu?" Bà Lân ngậm ngùi đáp: "Dạ, đơn vị cháu hy sinh 9 đồng chí ạ!”. Nén nỗi đau vào trong, Bác khen Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân: "Giỏi! Giỏi lắm! Người thì bé mà chí thì rất lớn!”.

Bà chia sẻ thêm: “Nhớ đến Bác, trở về đơn vị, tôi đã đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian dẫu đã lùi xa, nhưng những ký ức về cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Bác Hồ đến tận bây giờ vẫn luôn in đậm trong tâm khảm. Sau khi xuất ngũ, hình ảnh đó là nguồn động lực để tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn nguyện hứa với chính mình và răn dạy con cháu mãi mãi học theo gương sáng của Bác Hồ”.

Nguyễn Nga

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video