Nghệ An: Nét đẹp của mô hình Phụ nữ đổi công tương trợ nhau phát triển kinh tế

14/04/2021
Với tinh thần tương trợ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, Hội Phụ nữ các cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã sáng tạo nhiều phong trào, mô hình hay, thiết thực, có sức lan toả, tác động tích cực đến hội viên, phụ nữ.
Chị em phụ nữ xã Quỳnh Bảng thực hiện đổi công, giúp nhau làm kinh tế

Thiết thực mô hình đổi công

Về xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, trên những cánh đồng màu, không khí lao động, sản xuất diễn ra nhộn nhịp. Trên phần đất khoảng 3 sào của gia đình bà Hồ Thị Ân, xóm Tân Hải có hơn 12 chị phụ nữ “miệng nói rôm rả, tay làm thoăn thoắt”; chỗ này, người nhổ, người bó hành; chỗ kia người tách, người cấy hành cho lứa mới. Bà Hồ Thị Ân chia sẻ: Gia đình tôi trồng hành hoa xuất bán cho thương lái. Nhu cầu thu mua của thương lái mỗi đợt khoảng hơn 5 tạ, nếu chỉ 3 lao động trong gia đình không thể thu hoạch nhanh được. Tương tự, khi trồng, nếu cũng chỉ 3 lao động thì mỗi buổi cũng chỉ trồng một diện tích rất nhỏ; vừa kéo dài thời gian cấy, vừa gây khó khăn trong việc tưới, bón phân, chăm sóc khi có nhiều trà hành với thời gian sinh trưởng khác nhau trên cùng diện tích đất. Khi thu hoạch cũng không có lượng hàng hoá lớn, đồng nhất cung cấp cho thương lái. Chính vì vậy, từ khi thực hiện mô hình đổi công, mọi công việc dễ dàng hơn nhiều, rút ngắn thời gian trồng và thu hoạch, trong đó khâu trồng từ 5 - 7 ngày cho 3 sào xuống 1,5 - 2 ngày.  

Đối với gia đình bà Phạm Thị Mai cùng xóm Tân Hải thì việc đổi công còn giúp gia đình bà tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp, bởi hiện bà Mai đã hơn 60 tuổi và công việc đồng áng chủ yếu do bà gánh vác, chồng và 2 con đang làm công việc khác.

Bà Hồ Thị Thìn - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Bảng phấn khởi, thông qua đổi công, ngoài đảm bảo nhanh về mặt thời gian trong trồng, thu hoạch thì còn góp phần gắn kết chị em phụ nữ đoàn kết, gần gũi, gắn bó tình cảm hơn. Nét đẹp của mô hình đổi công này là chị em không hề tính toán, so bì ai diện tích nhiều, ai diện tích ít mà việc đổi công cực kỳ vô tư, ai có diện tích bao nhiêu thì sẽ được hỗ trợ ngày công bấy nhiêu cho đến khi xong công việc. Bên cạnh đổi công, đối với các gia đình phụ nữ không có sức lao động được chị em phụ nữ tự giác giúp đỡ ngày công, từ nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa…

Bà Hồ Thị Thuý Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, mô hình đổi công, ngoài Quỳnh Bảng, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu còn có một số địa phương như xã Tân Thắng tổ chức đổi công trong thu hoạch mía, đáp ứng thời vụ và nguyên liệu về cho nhà máy kịp thời; một số địa phương đổi công trong cấy lúa như Quỳnh Thọ; mô hình hỗ trợ trong hiếu - hỉ tại xã xã Quỳnh Thẳng; giúp đỡ ngày công cho chị em phụ nữ làm nhà ở tại các địa phương trong huyện…

Còn ở huyện Đô Lương Hội LHPN huyện cũng đã triển khai mô hình đổi ngày công tại một số xã Trung Sơn, Đặng Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Thuận Sơn, Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây, Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Thượng Sơn, Yên Sơn…

Nhiều hoạt động tương trợ

Bên cạnh hoạt động đổi công, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động tương trợ, hỗ trợ, thiết thực cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Chị em phụ nữ Quỳnh Lưu đoàn kết chăm lo môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp

Tại huyện Con Cuông, ba mô hình tổ liên kết du lịch cộng đồng tại các xã Bồng Khê, Yên Khê, Môn Sơn đã giúp chị em có thêm việc làm ngoài công việc đồng áng, nương rẫy, từ việc hướng dẫn khách du lịch đến các điểm du lịch trên địa bàn, tổ chức phục vụ các món ẩm thực mang tính đặc trưng của địa phương cho khách; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao mang đặc bản sắc dân tộc Thái phục vụ du khách. Từ mô hình này đã mang lại thu nhập cho mỗi thành viên đạt 3 triệu đồng/tháng. Hay mô hình tương trợ, hỗ trợ nhau làm nghề đan lát tại 2 xã Yên Khê và Châu Khê; mô hình dệt thổ cẩm tại xã Môn Sơn… Theo bà Lữ Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông, các mô hình đã góp phần nâng cao mức sống cho chị em phụ nữ, góp phần hạn chế tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa. Cùng với việc tương trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế thì nhiều mô hình tương trợ, hỗ trợ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm, như “Biến rác thải thành con giống”; hỗ trợ, tương trợ phụ nữ nghèo vốn xây dựng các mô hình sinh kế, xây dựng nhà ở; hỗ trợ phụ nữ thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”….

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh tuỳ vào thực tế để có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau, như các mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, biến rác thải thành con giống, sổ tiết kiệm, thành thẻ bảo hiểm y tế… Từ những việc làm tưởng chừng nhỏ bé ấy, các cấp hội đã quyên góp, giúp đỡ nhiều phụ nữ vượt qua khó khăn để vươn lên làm chủ cuộc sống. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã có 11.059 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được tổ chức hội giúp đỡ, trong đó có 620 hộ thoát nghèo; hỗ trợ, giúp đỡ hơn 1.000 đạt 8 tiêu chí 5 không, 3 sạch. Công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế tập thể tổ hợp tác, hợp tác xã và mô hình sản xuất sạch/tiêu dùng sạch/chế biến sạch được các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh, tạo cơ hội để phụ nữ tự tin, phát triển. Trong năm, Hội LHPN tỉnh đã tập trung hỗ trợ thành lập được 4 hợp tác xã; xây dựng mới 9 tổ hợp tác, 15 tổ liên kết, và 58 mô hình sản xuất sạch/tiêu dùng sạch/chế biến sạch.

Các mô hình hiệu quả triển khai thời gian qua đã và đang được các cấp hội phụ nữ tiếp tục lan toả mạnh mẽ, đem lại hiệu quả bền vững, nhất là phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; gia đình hạnh phúc; phụ nữ tự tin, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới…

 

 

Mai Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video