Nghe đàn ông nói về nghỉ thai sản khi vợ sinh

11/01/2016
Một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội áp dụng từ 1/1/2016 là người chồng được nghỉ tối đa 14 ngày hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Hầu hết phụ nữ được hỏi đều phấn khởi với quy định này. Còn với đàn ông, họ nói gì?

“Được vậy thì tốt quá!”

Đó là ý kiến của hầu hết những “đức ông chồng” mà chúng tôi có dịp tiếp xúc để hỏi ý kiến xung quanh điều luật nói trên. Nhiều người còn lấy làm…tiếc rẻ vì vợ đã “lỡ” sinh đủ 2 con trong thời gian trước nên không có cơ hội được thụ hưởng chính sách này.

“Thật ra, khi vợ sinh con thì dù có chính sách cho nghỉ hay không, tôi cũng đều phải xin cơ quan cho nghỉ làm ít nhất 3 ngày (nghỉ phép năm theo chế độ), bao gồm 1 ngày đưa vợ vào bệnh viện chờ sinh, 2 ngày sau để chăm sóc em bé trong thời gian vợ chưa kịp hồi phục sức khỏe và còn nằm lại bệnh viện”, anh Trần Hoài Nam, làm việc tại một công ty xây dựng ở quận 1, TPHCM, cho biết.

Trong khi đó, nhiều “đức ông chồng” khác cho rằng, chính vì trước đây không có chế độ cho chồng nghỉ làm khi vợ sinh con nên họ từng phải chịu rất nhiều khó khăn, rắc rối vì chịu sức ép từ nhiều phía. “Cơ quan tôi khá nhiều việc nên không ít trường hợp không xin nghỉ phép để chăm vợ sinh con được. Bản thân tôi cũng từng chịu cảnh này khi sinh cháu thứ 2. Tôi phải tranh thủ những khoảng thời gian “giãn việc” hiếm hoi để “ba chân bốn cẳng” chạy vào bệnh viện. Vào đến nơi phải tranh thủ thời gian để cấp tập làm tất cả mọi việc mà “thực tế ra” - từ pha sữa cho con bú, thay tã cho con, làm vệ sinh cho vợ…có lúc mình vừa mới tháo tã cho con để thay thì chuông điện thoại réo, cơ quan gọi có việc “khẩn cấp”, thế là phải vội vàng làm thật nhanh rồi hộc tốc chạy về cơ quan. Làm một mạch tới tối mịt rồi lại phải vào trực trong bệnh viện cả đêm, với núi công việc không tên. Hôm sau mệt bã cả người, cứ lử đử cả ngày chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Cuối tháng ấy mình bị “tụt hạng”(theo đánh giá của Ban giám đốc, do không hoàn thành công việc), khiến thu nhập bị giảm cả triệu đồng” - theo lời kể của anh Võ Văn Ninh, cán bộ một công ty kinh doanh nông sản - thực phẩm ở quận Bình Tân, TPHCM.

Chính vì vậy mà khi chính sách cho người chồng được nghỉ thai sản khi vợ sinh con, họ - những người đàn ông của gia đình - đều lấy làm hồ hởi, phấn khởi. Từ nay, họ có điều kiện để “toàn tâm toàn ý” chăm sóc người vợ cùng đứa trẻ mới ra đời.

Vẫn băn khoăn

“Việc cho người chồng được nghỉ thai sản không chỉ giúp các bà vợ có thêm người cùng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ phần nào, mà còn giúp người đàn ông hiểu rõ hơn những vất vả của bà xã khi mới sinh con xong”, anh Hải Nam, một kiến trúc sư ngụ tại quận 2, TPHCM, bộc bạch.

Dự kiến vợ anh Nam sẽ sinh con vào giữa tháng 1 tới nên anh dự định “dành những ngày nghỉ để chia sẻ cùng vợ, đồng hành cùng vợ, giúp vợ làm quen cảm giác vất vả khi bắt đầu nuôi con. Hẳn điều này sẽ giúp cho cuộc sống gia đình chúng tôi trở nên ấm áp, hạnh phúc hơn”.

Cũng có người lấy làm băn khoăn vì mặc dù được nghỉ nhưng thu nhập thực tế có thể giảm vì những ngày nghỉ không được trả lương mà sẽ chỉ nhận tiền chế độ thai sản từ BHXH - tức 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Còn với những người chưa đóng BHXH đủ 6 tháng thì khoản tiền được chi trả trong thời gian này còn thấp hơn. Tuy vậy, số người “kêu ca” về vấn đề này không nhiều, vì theo họ, lợi ích của việc được nghỉ là lớn hơn rất nhiều so với phần “hao hụt” về tài chính.

Một số ý kiến khác cũng rất đáng được lưu ý, đó là đề xuất những khóa tập huấn ngắn ngày cho các ông chồng về kỹ năng chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh. “Không thể phủ nhận một thực tế là cánh đàn ông chúng tôi phần lớn đều khá kém cỏi, vụng về trong việc chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh. Vì vậy, để việc được nghỉ làm chăm vợ con thực sự có tác dụng, nên chăng có những hình thức “tập huấn” nhằm truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc em bé mới chào đời cũng như chăm lo về vật chất, hỗ trợ về tinh thần, tâm lý cho người vợ, để chúng tôi không chỉ biết làm mà còn có thể làm giỏi, làm tốt và nhất là biết lường trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra” - anh Trần Hoài Sơn, ngụ tại đường Cây Trâm, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM, đề xuất.

“Tùy vào mỗi người chồng, ai biết tận dụng những ngày nghỉ đó bên vợ con thì quả thật rất đáng quý!”, đó là ý kiến chung của những người vợ sắp bước vào phòng sinh ở bệnh viện Từ Dũ, TPHCM.

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

A) 05 ngày làm việc;

B) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

C) Trường hợp sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

D) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ vệc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

Theo: Đình Hưng, Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video