Ngày Gia đình Việt Nam: Bữa cơm gia đình - gắn kết yêu thương

27/06/2014
Hạnh phúc gia đình không chỉ được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, sự hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu đễ của con cháu với cha mẹ, ông bà...; hạnh phúc gia đình còn được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, qua từng bữa cơm của gia đình.

Đối với người Việt Nam, bữa cơm trong gia đình là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc, thể hiện rõ nét tính cộng đồng khi cả nhà quây quần quanh một cái mâm tròn, ông bà, cha mẹ, con cái vừa ăn vừa trò chuyện, chia sẻ với nhau những vui buồn sau một ngày làm việc, từ đó hiểu và cảm thông nhau hơn. Bữa cơm gia đình thực sự là nơi gắn kết yêu thương các thành viên gia đình.

Ngày nay, khi xã hội càng hiện đại, cuộc sống bận rộn khiến người ta ít chú ý hơn đến việc gìn giữ nét văn hoá rất thuần Việt đó. Nhiều gia đình trẻ lấy “cơm bụi” làm chính, buổi trưa phần lớn vợ chồng ăn tại nơi làm việc, con cái học bán trú ăn tại trường, tối về lại tụ tập với bạn bè đến khuya, nên có khi cả tuần cũng không có được bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình. Cũng có những gia đình không muốn mất thời gian vào việc nấu nướng nên cứ thức ăn sẵn cho tiện, không còn cảnh vợ chồng cùng vào bếp, hay người vợ tỉ mẩn làm những món ăn chồng, con mình yêu thích. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sự gắn kết các thành viên gia đình trong xã hội hiện đại ngày càng lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau, tình cảm gia đình thiếu bền vững.

Nhận thức rõ về những ý nghĩa, giá trị của bữa cơm gia đình là điều cần thiết đối với mọi người, để từ đó mỗi thành viên trong gia đình có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc duy trì, giữ gìn nếp sống văn hóa tốt đẹp đó của gia đình Việt

Bữa cơm gia đình- yếu tố quan trọng để xây dựng lối sống lành mạnh: Hầu hết các hành vi và tập quán của con người đều được hình thành từ thói quen, cách ăn uống và sự lựa chọn thức ăn. Việc tham dự những bữa cơm gia đình đều đặn giúp xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh: ăn đầy đủ, hợp lý các chất dinh dưỡng, chú ý ăn nhiều rau quả, không ăn nhiều đồ chiên rán, những thức ăn nhiều muối, nhiều đường… Những thói quen này phải được hình thành từ nhỏ tạo thói quen tốt cho sức khỏe thông qua những bữa cơm gia đình.

Là cơ hội để quan tâm, chia sẻ: Tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình, những bữa ăn chung có thể được tổ chức ngày 3 bữa hoặc chí ít cũng phải được một bữa trong ngày. Đây là cơ hội để các thành viên gặp nhau, quan tâm chia sẻ, tìm hiểu, cảm thông, giúp đỡ hoặc hóa giải những vướng mắc hoặc những áp lực mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống. Bữa cơm gia đình là để trải nghiệm yêu thương với những người mà mình yêu quý, để mọi người chăm chút nhau hơn, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ.

Là giáo dục ý thức đoàn kết, lòng vị tha: Lòng yêu nước, tình thương người thường phải bắt đầu từ sự yêu thương cha mẹ, anh em và sự trân trọng, gìn giữ cội nguồn. Tập quán tham dự những bữa ăn gia đình sẽ giúp mọi người có được ý thức thuộc về một gia đình, thuộc về một tập thể qua đó phát triển ý thức đoàn kết, lòng vị tha và xây dựng được trách nhiệm “mình vì mọi người”.

Những bữa cơm gia đình được sửa soạn theo cách riêng thích hợp với khẩu vị và thói quen của từng người lại được chăm chút bằng tình thương của người chị, người mẹ, người cha, người anh trong gia đình. Do đó, những người làm cha, làm mẹ cần có thái độ tích cực đối với những bữa cơm gia đình. Mỗi người cần đánh giá đúng tầm quan trọng của nó để cố gắng thực hiện và giữ gìn tập quán này sao cho phù hợp với điều kiện của gia đình mình.

Gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình hạnh phúc không thể thiếu những bữa cơm đầm ấm, quây quần bên nhau, xua tan những mệt nhọc lo toan, gắn kết yêu thương các thành viên gia đình. Chính vì vậy, cuộc sống dù có hiện đại, bận rộn đến đâu thì mỗi thành viên không nên xem nhẹ bữa ăn của gia đình, bởi đó là truyền thống tốt đẹp của gia đình, góp phần làm nên giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cẩm Nhung, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video