Ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ở các tỉnh phía Nam

21/08/2006
Những năm gần đây, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới Tây Nam ngày càng gia tăng nhức nhối. Qua điều tra cơ bản, cơ quan chức năng đã phát hiện 87.208 phụ nữ lấy chồng người nước ngoài, gần 2.000 người đi khỏi địa phương nghi bị buôn bán.

Số đông nạn nhân ở độ tuổi 18-25. Ngay sau khi ra nước ngoài, họ bị bán trao tay cho người khác, ép buộc hành nghề mại dâm hoặc làm vợ của nhiều người và lúc đó mới biết mình bị lừa bán. Nhiều trường hợp còn bị các chủ chứa, bảo kê hành hạ, giam cầm nên khó thoát ra để tố giác tội phạm.


Nắm bắt tâm lý một số cô gái ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, ít học, làm nông vất vả, cho nên, muốn lấy chồng người nước ngoài để đổi đời, cứu giúp gia đình, bọn tội phạm và các đối tượng môi giới đã lợi dụng gạ gẫm tổ chức mối lái kết hôn với người nước ngoài, đi du lịch tìm chồng sau đó bị đưa vào nhà chứa hoặc sang tên như một món hàng. Nắm bắt thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, các cấp chính quyền, đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền đến tận xã, ấp nhưng nhiều người vẫn bất chấp. Nhiều phụ huynh tưởng con em mình gặp được người tốt giúp cho ra nước ngoài xuất khẩu lao động, làm ăn nhưng đâu ngờ rơi vào tay bọn tội phạm, bị đẩy vào các động mại dâm hoặc lao động bất hợp pháp.


Khi tiếp xúc với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Th ở thị trấn Gò Dâu (Tây Ninh) đã thốt lên rằng: “Ở nhà dẫu khổ cũng còn sướng hơn nhiều đi lấy chồng người Đài Loan”. Năm 2001, mới 20 tuổi, khi cơn sốt lấy chồng người Đài Loan bùng phát, thấy một số chị cùng ấp đi lấy chồng xây được nhà, cô đã theo bạn bè lên thành phố nhờ bà mai tìm chồng. Chưa bao giờ ra khỏi thị trấn, nay lại đi lấy chồng tận Đài Loan, tuy rất sợ nhưng vì thương cha mẹ túng bấn, lại muốn kiếm được tấm chồng để cuộc sống đỡ vất vả, cô đánh liều. Nơi xứ người, cả tuần, chồng đi đánh cá ngoài biển biền biệt, còn cô bị nhốt trong nhà, ngay cả lúc chồng ở nhà cũng không nói được chuyện gì ngoài việc ra hiệu, vì không biết tiếng. Sau gần nửa năm triền miên bị giam trong nhà, luôn phấp phỏng lo âu vì chẳng may bị ốm cũng không có người cứu giúp, Th đã khóc lóc van xin cho về nước. Mủi lòng, anh ta đã chấp thuận ly hôn và trả cô về nước. Về tới quê, cô mừng rơi nước mắt bởi trong thâm tâm luôn nghĩ sẽ không bao giờ có ngày trở lại.


Theo con số thống kê của Sở Tư pháp Tây Ninh, một tỉnh trọng điểm của nạn buôn bán phụ nữ, mười năm qua đã có 11.555 trường hợp phụ nữ trong tỉnh kết hôn với người nước ngoài. Riêng quý I năm nay, đã có 246 trường hợp, nhưng chỉ có ba trường hợp làm thủ tục kết hôn tại Sở Tư pháp Tây Ninh. Số còn lại đăng ký kết hôn ở nước ngoài rồi về trình với Sở Tư pháp theo Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Thực tế cho thấy, quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và Nghị định 68/2002/NĐ-CP về điều kiện, hồ sở thủ tục kết hôn với người nước ngoài còn có điểm chưa phù hợp, tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng kết hôn hợp pháp nhằm mục đích mua bán phụ nữ ra nước ngoài như giấy xác nhận độc thân có giá trị 6 tháng (quá dài), bệnh tật của người kết hôn không hạn chế (trừ bệnh tâm thần)… Thực tế, việc xác nhận thủ tục đăng ký kết hôn ở một số xã còn sai sót; thậm chí đã có 47 trường hợp làm giả giấy tờ để đăng ký kết hôn với người nước ngoài bị phát hiện. Giấy xác nhận độc thân, giấy xuất cảnh được rao giá từ 7 đến 9,5 triệu đồng.


Đáng chú ý là dịch vụ môi giới hôn nhân là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng cò mồi, dắt mối kiếm lời. Đó cũng là mầm mống tiềm ẩn phát sinh tội phạm buôn bán phụ nữ. Do dịch vụ này thu lời cao, số đối tượng tham gia càng đông. Trung bình mỗi người đàn ông người Đài Loan cưới vợ Việt Nam phải mất từ 8.000 USD đến 10.000 USD, nhưng nhà gái chỉ nhận được từ 200 đến 1.000 USD, còn lại thuộc về người mai mối. Gần đây nhất, ngày 18-7, Công an thành phố Cần Thơ đã phát hiện tại làng du lịch Mỹ Khánh thuộc huyện Phong Điền, 13 nguời đàn ông nước ngoài đang tiến hành chọn vợ từ 72 cô gái nông thôn các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo lời khai của các đối tượng liên quan, mỗi đối tượng môi giới sẽ được nhận 100 USD và các cô dâu sẽ được làm thủ tục kết hôn, xuất cảnh bằng con đường du lịch. Khi bị phát hiện, theo Nghị định 150/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi nói trên chỉ 1-2 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Ngay cả các trường hợp khai gian dối để được kết hôn như tráo ảnh, trái người, gian lận tuổi, làm sai lệch khai sinh, hộ khẩu cũng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng khó thực hiện bởi nhiều đối tượng quá nghèo, không có tiền trả.


Trước tình hình nhức nhối nêu trên, công an và Bộ đội biên phòng các địa phương đã đẩy mạnh điều tra cơ bản, khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của tội phạm, xác định địa bàn trọng điểm, vùng có nguy cơ cao để chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện đấu tranh kịp thời với các đối tượng phạm tội. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để những gia đình, phụ nữ, trẻ em ở nông thôn có nguy cơ cao nắm được phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, từ đó chủ động phòng ngừa; lồng ghép Chương trình 130/CP với cuộc vận động xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho các nạn nhân và đối tượng có nguy cơ cao. Trong năm 2005 và sáu tháng đầu năm 2006, riêng 21 tỉnh phía nam đã điều tra phát hiện 33 vụ, trong đó có nhiều đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em xuyên quốc gia với quy mô lớn. Qua điều tra, khảo sát trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, đã lên danh sách 231 đối tượng hoạt động lưu động, xác định năm tuyến, 39 địa bàn trọng điểm.

Điển hình ngày 9/5, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã phối hợp với Công an Tây Ninh phá đường dây buôn bán trẻ em người Trung Quốc qua Việt Nam đi nước thứ ba, bắt Phạm Văn Phương ở Hải Dương và Nguyễn Văn Tiến ở thành phố Hồ Chí Minh, giải cứu bốn cháu bé Trung Quốc. Bọn chúng khai nhận đã vận chuyển trót lọt 12 chuyến, 41 cháu qua biên giới Việt-Trung sang Campuchia. Trước đó, công an tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã phá chuyên án 106P bắt mười đối tượng, giải thoát 38 nạn nhân mà bọn tội phạm chuẩn bị bán ra nước ngoài. Đường dây này do hai vợ chồng người Đài Loan cầm đầu, cấu kết với một số đối tượng rủ các cô gái đi tìm việc làm, “du lịch tìm chồng” miễn phí. Sau khi tuyển chọn, chúng đã hướng dẫn làm giấy tờ và đưa trót lọt 121 cô gái sang Singapore, Malaysia, bắt họ phục vụ trong các động mại dâm và rao bán tại các điểm công cộng với giá từ 80 đến 100 triệu đồng. Nếu các cô liên lạc với gia đình cầu cứu, bọn tội phạm ra giá chuộc về từ 15 đến 25 triệu đồng. Vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng nhằm bóc gỡ triệt để các đối tượng trong đường dây này.

Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em ở các tỉnh Tây Nam, bên cạnh phát hiện, đẩy mạnh đấu tranh bóc gỡ các trung tâm mối giới hôn nhân với người nước ngoài trá hình, các đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em, cần tăng cường tuyên truyền để các cô gái nông thôn, đối tượng có nguy cơ cao, thấy rõ được thủ đoạn xảo quyệt của bọn tội phạm. Nghị định 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/7 đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kết hôn với người nước ngoài và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 3745/VPCP-VX nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng môi giới kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài. Làm tốt các quy định nêu trên chính là điều kiện thuận lợi ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn bán phụ nữ trẻ em trên cả nước nói chung và ở các tỉnh phía Nam nói riêng./.

Nhân dân.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video