Nét đẹp phụ nữ Thủ đô: Phố ngõ đoàn kết, xóm làng văn minh

11/10/2018
Với nhiều tiêu chí như người dân chấp hành pháp luật, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người… thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, nhiều phố ngõ văn minh, xóm làng văn hóa đã ra đời.

Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020" với nhiều tiêu chí như người dân chấp hành pháp luật, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, nói lời hay, làm việc tốt… thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, nhiều phố ngõ văn minh, xóm làng văn hóa đã ra đời.

Nữ trưởng thôn “dân vận khéo” 

Ở thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, bà Nguyễn Thị Thám, SN 1958, được nhiều người quý mến gọi vui là “người không thể thay thế”. Bà Thám giữ nhiều kỷ lục như: nữ trưởng thôn đầu tiên của xã Đan Phượng, nữ trưởng thôn có thâm niên lâu nhất, được dân tín nhiệm nhiều nhất. Bà cũng đã đồng hành cùng nhân dân thôn Đoài Khê hoàn thành nhiều chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Bà Thám nhớ lại, khoảng15 năm trước, khi được bầu làm trưởng thôn, bà cũng lo lắm. Bởi, để phụ trách một thôn với gần 600 nóc nhà, khoảng 3.000 nhân khẩu thật không đơn giản. Liệu các bậc cao niên, nam giới… có chấp nhận sự “lãnh đạo” của “nữ nhi” như bà không? Song, bà nghĩ, mình là dân Đoài Khê chính gốc, anh trai cũng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc thì chẳng lẽ mình lại không thể cố gắng góp công xây dựng quê hương. 

Thời đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, thôn Đoài Khê được Nhà nước đầu tư bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Lâu nay, nhiều đoạn đường thôn Đoài Khê còn gập ghềnh, nhưng, khổ nhất là hệ thống cống nước thải lộ thiên bốc mùi khiến sức khỏe người dân ảnh hưởng. Cứ vào cuối tuần, bà và các hộ dân trong thôn phải bơm nước giếng từ trong nhà ra đổ vào cống để đẩy trôi phần nước thải tù đọng. Vì thế, việc bê tông hóa đường làng, kín hóa cống rãnh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Thế nhưng, khi chủ trương về tới thôn, số ít người lại nghi vấn liệu có tình trạng doanh nghiệp nào đó lợi dụng cơ hội này để tuồn xi măng hết hạn sử dụng về thôn không?

Bà Thám đã lập tức cùng Ban Chỉ đạo phát triển thôn tổ chức nhiều cuộc họp, mời các gia đình trong thôn tới tham dự để giải thích, bác bỏ thông tin sai sự thật, tháo gỡ băn khoăn, động viên bà con chung tay cùng Nhà nước xây dựng thôn xóm của mình khang trang hơn. Những ngày công nhân về làm đường, người dân thôn Đoài Khê đã được thông suốt tư tưởng, vui như chảy hội. Là nữ trưởng thôn, bà Thám đi đầu mang quang gánh lên điểm tập kết cát, sỏi, xi măng trên đê gánh nguyên vật liệu về thôn để công nhân làm đường. Nhiều nam thanh niên, cả các cụ già trên 70 tuổi cũng hào hứng giúp việc, người đẩy xe gạch, người tham gia giám sát công trình. Sau 40 ngày thi công, cuối cùng, những tuyến đường đã được đổ bê tông thẳng thớm, cống có nắp đậy, mùi xú uế không còn, mọi người càng tin bà đã nói đúng. 

Bà Thám tâm sự: Là trưởng thôn thì phải nói được, làm được, luôn gương mẫu đi đầu. Nhận thấy muốn thôn Đông Khê giữ được danh hiệu thôn Văn hóa thì cảnh quan môi trường phải sạch, đẹp, bà cùng người dân tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm cứ thứ 7 hàng tuần; vận động các hộ gia đình nuôi chó lồng, chấm dứt tình trạng chó thả rông phóng uế bừa bãi. Bà còn tuyên truyền về thực hiện “Cưới trang trọng, tiết kiệm”, “Tang văn minh, tiến bộ”. Đến nay, nhiều hộ dân khi nhà có hiếu đã chọn hình thức hỏa thiêu người thân qua đời. Cảnh bố mẹ qua đời, con mặc áo xô đi từng nhà trong thôn mời tới ăn cỗ đã không còn. Với đám hỷ, hiện tượng cỗ bàn linh đình, ăn từ ngày dựng rạp, cưới, dỡ rạp, đón dâu hai lần gây tốn kém, rườm rà đều được hạn chế tối đa. 

Khi UBND thành phố ban hành 2 Quy tắc ứng xử, bà cùng với các cán bộ ở nhiều đoàn thể lại khẩn trương họp với các hộ dân để phổ biến kịp thời nội dung Quy tắc này. Không những thế, bà còn nghiên cứu kỹ các nội dung Quy tắc, tìm ra những điểm còn tồn tại trong thôn mình. Chẳng hạn, một số người khi tham gia giao thông bằng xe máy còn chưa đội mũ bảo hiểm, vi phạm điều 10 quy tắc “Khi tham gia giao thông” hay một số thanh niên đi đền, chùa chưa ăn mặc chỉnh tề vi phạm quy tắc tại Điều 6 “Tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo” trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Bà Thám đã cùng người dân bàn bạc, cam kết sớm khắc phục nhược điểm trên. Bản thân bà mỗi khi đi ra đường, thấy thanh niên nào ăn mặc chưa phù hợp, hành vi chưa đẹp, nói tục chửi bậy là bà góp ý trực diện luôn. “Tôi tin, với cách tuyên truyền mưa dầm thấm lâu, người dân thôn Đoài Khê sẽ sớm thực hiện tốt các Quy tắc ứng xử để xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch”.

Thôn Đoài Khê là điểm sáng của xã Đan Phượng trong thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhưng, bà Thám vẫn chưa bằng lòng với điều đó. Bà cho biết: Hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để thôn đổi mới văn minh hơn nữa. Chẳng hạn, còn một số ít người dân vẫn chưa tham gia BHYT, một số hộ dân chưa sử dụng nước máy. Thế là, bà trưởng thôn lại tiếp tục vận động người dân mua BHYT hay chuyển từ dùng nước giếng khoan sang nước máy. “Dù công việc có phần vất vả, nhưng được thấy chất lượng cuộc sống của bà con nâng cao là tôi quên hết mệt nhọc” - Bà Thám tâm sự.

Đất chật nhưng tình người không chật

Khu dân cư (KDC) Hàng Bông thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 300 hộ, chia làm 4 tổ 7, 8, 9,10. Bà Hồ Thu Cúc, Trưởng Ban công tác Mặt trận KDC Hàng Bông từ năm 

 

 Các cụ già trong KDC Hàng Bông, phường Hàng Gai được chăm sóc sức khỏe

 2006 đến năm 2018 cho biết: Giống như đặc điểm chung của các địa bàn dân cư trong khu phố cổ, KDC Hàng Bông cũng có nhiều số nhà đông hộ, có nhà đã cư trú qua nhiều thế hệ. Đi vào sâu bên trong những con ngõ nhỏ chỉ rộng đủ một chiều xe đi, không có ánh sáng tự nhiên mà phải thắp bóng điện suốt ngày đêm là những căn nhà nhỏ với diện tích khiêm tốn. Có thời kỳ, hàng chục nhân khẩu phải sử dụng chung một khoảng sân, một công trình phụ, một bếp, một nhà tắm… Vì thế, chỉ cần nhà này để đồ bành chướng ra ngõ một chút, người kia tắm lâu một chút là mâu thuẫn xóm giềng có nguy cơ xảy ra. 

Để giữ được bình yên trong KDC, nhiều năm qua, bà Cúc cùng các thành viên trong tổ hòa giải của khu cùng với các đồng chí cảnh sát khu vực đã hoạt động rất tích cực. Hễ nơi nào đã hoặc có khả năng xảy ra mâu thuẫn là các thành viên trong Tổ lại có mặt hòa giải kịp thời, dù đó là trưa, tối, đêm, hay phải đi lại nhiều lần. “Chúng tôi thường nói với bà con, ở phố cổ chật chội, nhưng chỉ cần mỗi người sống vì mọi người và mọi người vì mỗi người thì cuộc sống sẽ dễ chịu, thoải mái, yên bình”.

KDC Hàng Bông còn có nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn với gia đình nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, tổ chức thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi hay mới đây tổ chức lễ biểu dương “các cặp vợ chồng đã chung sống trên 30 năm, 50 năm, 60 năm. Nhờ đó, người dân trên địa bàn rất phấn khởi, đoàn kết vì được chăm lo mọi mặt. 

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video