Nét đẹp phụ nữ Thủ đô: Góp sức xây dựng Hà Nội văn minh, văn hiến

24/10/2018
Một nhóm trí thức người Hà Nội đến từ Pháp đã cùng với các cộng sự tích cực nghiên cứu, đề xuất các phương án góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại...

Tháng 6/2018, tại Paris, Pháp, đoàn công tác của UBND TP Hà Nội đã tham dự buổi thuyết trình đề án “Kinh nghiệm quốc tế Quy hoạch không gian và Hệ thống ngầm các thành phố lớn” của Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn Cầu (AVSE Global). Tại đây, đoàn công tác đã chia sẻ về mục tiêu, những khó khăn trong quy hoạch của Hà Nội và mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, một nhóm trí thức người Hà Nội đến từ Pháp, thuộc AVSE Global (tổ chức được thành lập năm 2011 nhằm tập hợp các trí thức Việt Nam trên toàn thế giới cùng chia sẻ tài năng, đam mê, và tinh thần cống hiến cho đất nước) đã cùng với các cộng sự tích cực nghiên cứu, đề xuất các phương án góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa ngàn năm. 

KTS Lê Minh Ngọc Thủ khoa đồ án tốt nghiệp khoa Quy hoạch, ĐH Kiến Trúc Hà Nội, du học Pháp theo học bổng của đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, vừa bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu trong Kiến trúc tại trường ĐH ENSA Paris la Villette. Xa quê hương, Ngọc vẫn luôn luôn đau đáu muốn đóng góp sức trẻ, trí tuệ để Thủ đô trở nên đẹp hơn, phát triển bền vững hơn. Vì thế, Ngọc đã bỏ nhiều công nghiên cứu về việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội.

Theo Ngọc, để có thể cải tạo về chung cư cũ thành công, trước tiên, cần thấu hiểu cuộc sống bên trong của khu tập thể. “Khi nhà tập thể được xây dựng ở Việt Nam, các cư dân vốn quen nếp sống cộng đồng theo chiều ngang đã chuyển sang sống theo chiều dọc trong các toà nhà 4-5 tầng. Diện tích các căn hộ khá nhỏ so với văn hoá tam đại đồng đường nên họ đã cố gắng phát triển không gian sống theo chiều ngang một lần nữa thông qua các chuồng cọp. Mô hình kinh tế tại nhà ở các khu tập thể cũng rất phổ biến, nhiều cư dân dành thời gian cả ngày tại khu nhà. Vì thế, ngay cả khi khu tập thể đã cũ, họ cũng không nỡ rời đi”.

Từ những phân tích đó, theo Ngọc khi cải tạo chung cư cũ, chúng ta cần lưu ý hai điểm là giữ được hệ sinh thái cộng đồng, tính liên kết giữa người với người và người với khu tập thể; mở rộng diện tích căn hộ để người dân có đủ không gian sinh sống. Nếu sau cải tạo, chung cư cũ bị biến thành các tòa nhà cao tầng, các căn hộ biệt lập với nhau, tuy tiện nghi nhưng mối liên hệ tình cảm lại không còn, người dân quen ở chung cũ sẽ bức bí, “ngơ ngác” vì không còn được giao lưu với hàng xóm. 

“Tại Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đang phải giải quyết vấn đề cải tạo chung cư cũ. Những khu nhà cho công nhân ở có diện tích hạn chế, nay đã bị đập bỏ để xây mới. Những khu nhà dành cho viên chức chính phủ có diện tích lớn hơn, ít tình trạng lấn chiếm, vẫn tiếp tục tồn tại. Diện tích căn hộ cũng đa dạng tuỳ theo đối tượng được phân nhà”. Theo Ngọc kinh nghiệm từ những nước láng giềng có thể góp phần gợi ý cho giải pháp cải tạo chung cư cũ của Hà Nội như gia cố lại kết cấu, đồng thời ban hành những quy định để hạn chế tăng dân số trong khu tập thể, từ đó biến khu tập thể trở thành một bảo tàng sống giữa Thủ đô. 

“Thế giới rất quan tâm và đánh giá cao mô hình khu tập thể của Việt Nam. Ở Pháp, trong giới kiến trúc còn tồn tại khái niệm KTT (tức là viết tắt của từ Khu tập thể trong tiếng Việt). Vì thế, theo Ngọc, chúng ta cần hiểu giá trị của khu tập thể thay vì coi đó là các mô hình cũ, lỗi thời với xã hội hiện đại mà bỏ đi. Việc cải tạo, bảo tồn khu tập thể cũ thành công sẽ giúp Hà Nội giải quyết hài hòa bài toán phát triển đô thị hiện đại, đảm bảo không gian sống thoải mái cho cư dân, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, không bị hòa lẫn với những thành phố hiện đại chỉ toàn các tòa nhà chọc trời khác.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video