Nét đẹp phụ nữ Thủ đô: Dấu ấn người Hà Nội ở nước ngoài

19/10/2018
Có nhiều phụ nữ Hà Nội đã thành danh ở nước ngoài. Không chỉ khẳng định tài trí, giữ nét thanh lịch Hà Nội, đáng quý hơn, họ còn có nhiều hoạt động để quảng bá bản sắc dân tộc.

Trong bối cảnh thế giới hội nhập, hiện nay, có nhiều người Hà Nội đã thành danh ở nước ngoài. Không chỉ khẳng định tài trí, giữ nét thanh lịch Hà Nội, đáng quý hơn, họ còn có nhiều hoạt động để quảng bá, giới thiệu lịch sử đất nước, con người Việt Nam nói chung và bản sắc Hà Nội nói riêng tới với bạn bè quốc tế.

Sứ giả văn hóa Việt trên đất Pháp

Dư Thu Trang, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cuối năm 2005, cô tạm xa Thủ đô yêu dấu để sang Pháp học Quản trị Kinh doanh tại trường Quản lý và Thương mại Quốc tế tại Paris. Trang nhớ lại: “Khi sang Pháp, tôi rất nhớ Hà Nội và muốn được làm điều gì đó để được thấy mình gần Hà Nội hơn”. “Điều gì đó” với Trang, chính là tham gia quảng bá về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Sau khi tốt nghiệp cao học Quan hệ Quốc tế, Trang quyết định chuyển sang học cao học chuyên sâu về Quản lý di sản văn hóa tại Học viện quốc gia về nghệ thuật và ngành nghề Pháp. Trang tin rằng, việc được đào tạo bài bản về quản lý di sản sẽ giúp cô thực hiện tâm nguyện tốt nhất. Năm 2016 Trang đã thành lập công ty Tinh hoa Văn hóa Việt Nam chuyên tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Pháp và sau mở rộng ra châu Âu.

Hơn 12 năm qua, trên nước Pháp, bằng sự hiểu biết sâu sắc cả Việt Nam và Pháp, với lợi thế nói tiếng Pháp như người bản xứ, Trang đã trợ giúp các nhà nghiên cứu, nhà làm phim Pháp, biên dịch cho những bộ phim tài liệu về lịch sử Việt Nam, quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia như “Thức lâu mới biết đêm dài”, “Chiến tranh Việt Nam, trọng tâm các cuộc đàm phán bí mật”...

Cô cũng tích cực tham gia tổ chức, làm MC tại các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp (trong đó có nhiều triển lãm về Hà Nội); những buổi chiếu phim hay giới thiệu di sản, du lịch Hà Nội. Tại các sự kiện này, trang phục được Trang lựa chọn luôn là chiếc áo dài dân tộc. Trang may rất nhiều áo dài, nhưng mặc lâu năm và được cô yêu thích nhất chính là những bộ áo dài vẽ hình phố cổ Hà Nội. Không những thế, Trang cũng hát hay các bài hát về Hà Nội, cách ăn nói lại dịu dàng nên được các bạn quốc tế tấm tắc khen “đúng chuẩn con gái Hà Nội”. Trang còn được mời dạy tiếng Việt và dạy hát tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt, dạy tiếng Việt cho người Pháp. Thông qua các tiết học của mình, Trang luôn giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng để các học viên không chỉ được học ngôn ngữ mà còn được thưởng thức văn hóa Việt.

Năm 2000, Trang tham gia và đạt giải Ấn tượng Cuộc thi  “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng”, giải Ba cuộc thi viết quốc tế “Hà Nội, điểm hẹn của bạn”. Trong các bài thi của mình, ngoài việc bày tỏ tình yêu, hiểu biết về Hà Nội, Trang còn đưa ra nhiều ý tưởng với mong muốn Thủ đô Hà Nội sẽ ngày một đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nét hào hoa đất kinh kỳ. Trang đã ủng hộ toàn bộ tiền giải thưởng của 2 cuộc thi cho Quỹ khuyến học và hỗ trợ đồng bào chịu thiên tai để mong muốn góp phần phát triển Thủ đô.

Dù lập nghiệp xa nhà, nhưng, mỗi năm, Trang đều cố gắng về thăm Hà Nội vào đủ 4 mùa. Để rồi khi trở về Pháp, Trang không bao giờ quên mang theo chút hương vị Hà Nội làm quà cho bạn bè, thầy cô giáo, đồng nghiệp như bánh cốm, bánh xu xê, cốm vòng, trà sen, sản phẩm mỹ nghệ, tranh ảnh về Hà Nội… Được sinh ra trong một gia đình Hà Nội truyền thống có bà, mẹ rất khéo nấu ăn, thừa hưởng chút hoa tay đó, Trang còn hay nấu các món mang hương vị Hà Nội cho bạn bè ở Pháp. Sau đó, nhiều người bạn Pháp của Trang đã đến Việt Nam và dừng chân ở Hà Nội khá lâu để thăm và thưởng thức ẩm thực Hà Nội. 

Tới đây, trong kế hoạch quảng bá di sản phi vật thể của Việt Nam tại Pháp, công ty Tinh hoa Văn hóa Việt Nam của Trang dự định sẽ tổ chức trình diễn tín ngưỡng thờ mẫu của Việt Nam, triển lãm áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, biểu diễn nghệ thuật tổng hợp giới thiệu các tinh hoa của Việt Nam. Trang tâm sự giản dị: “Tôi luôn tự nhủ hãy làm một sứ giả văn hóa để góp sức quảng bá những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và Ttủ đô Hà Nội”. 

Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, những công việc mà cô gái Hà Nội Dư Thu Trang bền bỉ thực hiện trong gần chục năm qua đã góp phần cùng cơ quan Nhà nước đưa thế giới đến gần hơn đất nước, con người Việt Nam. Còn ông Ferdi, Tổng Thư ký Viện Pháp tại Việt Nam thì “ngưỡng mộ và khâm phục cô gái Hà Nội với những hoạt động đẹp và đầy đam mê cho ngoại giao văn hóa Pháp-Việt”.

Mong có nghiên cứu về Hà Nội mang tầm quốc tế 

Phùng Minh Hiếu là nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Văn học, trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau 10 năm học và làm việc tại trường ĐH KHXH và NV, Hiếu đã được nhận học bổng Tiến sĩ toàn phần của Viện Havard-Yenching thuộc đại học Harvard. Theo đó, Hiếu được quyền lựa chọn bất kỳ chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh có chất lượng quốc tế trên toàn thế giới. Hiếu đã chọn đến đại học Hawaii để học Lịch sử, tập trung vào lịch sử Việt Nam giai đoạn trước thế kỷ 20.

 

 Phùng Minh Hiếu nhận giải bài Nghiên cứu Đông Nam Á xuất sắc nhất tại Hội thảo “Nhận thức châu Á qua lăng kính liên ngành” năm 2017

Năm 2017, Hiếu hoàn thành luận văn tiến sĩ với đề tài “Đất và Nước: Một lịch sử về Việt Nam thế kỷ 15 từ góc tiếp cận nghiên cứu môi trường”. Hiện nay, Hiếu đang tiếp tục xây dựng sự nghiệp học thuật của mình về nghiên cứu lịch sử châu Á và Việt Nam, trong đó cô rất quan tâm đến vấn đề sông Hồng trong lịch sử, những thay đổi trong tương tác giữa con người đối với tình trạng khí hậu của Việt Nam và lịch sử của tri thức địa lý Việt Nam trước thời Pháp thuộc.

Hiếu chia sẻ, trước đây, nhiều người không hiểu vì sao một cô gái Hà Nội lại chọn sang Mỹ để… nghiên cứu về  lịch sử Việt Nam. Bởi vì, theo cách nghĩ thông thường, muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam tốt nhất thì phải ở Việt Nam. Nhưng, Hiếu lại muốn biết thế giới đánh giá sao về lịch sử Việt Nam. Khi đã qua Mỹ, Hiếu nhận ra, nước Mỹ có một mối quan tâm khá đặc biệt dành cho Việt Nam khác hẳn với các quốc gia khác vì những di chứng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ trước. Hiện nay, với nhiều người dân Mỹ lớn tuổi dù đã từng tham chiến ở Việt Nam hay không, ảnh hưởng của cuộc chiến ấy vẫn hằn sâu trong ký ức họ. 

Vì thế, là một chuyên gia Sử học, lại đến từ Việt Nam, Hiếu thấy mình có thể mang tới thế giới cách nhìn mới về những phần lịch sử Việt Nam còn được ít biết đến như lịch sử giai đoạn trước thời Pháp thuộc. Ngoài ra, hiện tại, những người làm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam tham gia trong các lĩnh vực sử học mới như Lịch sử môi trường cũng còn khá ít ỏi. Chẳng hạn, trong hội thảo thường niên của Hiệp hội Hoa Kỳ về Lịch sử môi trường, Hiếu là học giả duy nhất thuyết trình về lịch sử khí hậu Việt Nam thế kỷ 16 trong tiểu ban “Lịch sử thời Tiểu Băng Hà: Những cách tiếp cận mới” trong khi 3 học giả khác đều đến từ Mỹ và châu Âu.

Không dừng lại ở đó, cô gái Hà Nội này còn đang thử nghiệm một trang blog 500 chữ với hi vọng mỗi ngày sẽ viết một bài dài không quá 500 từ để chia sẻ hiểu biết, suy nghĩ của mình về lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn, Hiếu viết về sông Hồng trong lịch sử, về các vấn đề liên quan đến sự khởi nguyên của lịch sử nước Việt, về mối liên hệ giữa tư liệu lịch sử và tư duy lịch sử…

Mỗi câu chuyện Hiếu viết luôn ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người cùng đọc mỗi ngày. Hiếu cho biết, để có thể viết được một bài 500 chữ, cô thường suy nghĩ khá lâu, đắn đo, cân nhắc từng con chữ, từng dữ liệu… Hiếu muốn xóa đi quan niệm rằng học lịch sử khó, khô, khổ mà kỳ thực, lịch sử Việt Nam vô cùng thú vị và còn nhiều bí ẩn đang chờ chúng ta khám phá. Đó cũng là cách Hiếu lan tỏa tình yêu và sự quan tâm với lịch sử dân tộc đến cộng đồng. 

Riêng với Hà Nội, Hiếu tâm sự, cô được sinh ra trong khu trung tâm, tuổi thơ gắn bó sâu đậm với khu vực từ ga Hàng Cỏ đến hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ. Vì thế, cô yêu Hà Nội một cách tự nhiên như yêu bố mẹ, gia đình của mình. Sau này, khi học chuyên sâu về lịch sử, Hiếu nhận ra chủ đề Thăng Long - Hà Nội trong các bối cảnh lịch sử khác nhau là một phần rất quan trọng để hiểu lịch sử Việt Nam.

Mặc dù đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về mảnh đất địa linh nhân kiệt này, theo Hiếu, lịch sử Hà Nội vẫn còn nhiều điều chờ những nghiên cứu xứng tầm ở tương lai. Chẳng hạn, cô nói, rất nhiều quốc gia xung quanh nước ta thường đổi vị trí của thủ đô nhiều lần. Song, Hà Nội với ý nghĩa lịch sử văn hoá rất đặc biệt nên hơn nghìn năm qua, phần lớn thời gian Hà Nội đã và đang giữ vai trò là thủ đô trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. 

Hiếu hi vọng một ngày không xa, cô sẽ có những nghiên cứu mang tầm quốc tế về Hà Nội. Với Hiếu, đó là trách nhiệm của một người làm sử Việt Nam và cũng vì tình yêu sâu đậm cô dành cho Hà Nội.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video