Nét đẹp của thổ cẩm Tây Nguyên

23/06/2022
Từ đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Tây Nguyên đã khắc họa được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đậm dấu ấn Tây Nguyên
Từ đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Tây Nguyên đã khắc họa được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc lên tấm vải thổ cẩm.

Từ sự khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân làng đã khắc họa lên những đường nét thổ cẩm mang đậm dấu ấn Tây Nguyên và là nét đẹp văn hóa đại diện cho mỗi dân tộc. Thời gian qua, chính quyền các cấp của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã cùng chung tay với các nghệ nhân để giữ gìn và bảo tồn nghề dệt truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Trong không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống được gìn giữ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thể thiếu được những sắc màu thổ cẩm. Thổ cẩm Tây Nguyên của người Gia Rai, Ba Na gắn liền với cuộc sống thường nhật của con người, thể hiện được chiều sâu trong văn hóa. Từ những đôi bàn tay khéo léo, cùng với trí óc phong phú của những người phụ nữ đã khắc họa lên tấm vải những hình ảnh gắn bó với đời sống của người dân, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như cồng chiêng, nhà rông, ghè rượu...

Gắn bó với khung dệt đã hàng chục mùa lúa rẫy, bà Rơ Châm Mlonh, ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết: Như bao cô gái lớn lên ở làng, mình được mẹ và chị gái truyền cho nghề dệt. Thời xa xưa, người làng thường lên rừng lấy quả bông về để làm nguyên liệu dệt. Sau này, nguồn bông khan hiếm thì người làng lại trồng trong vườn nhà. Mình được mẹ chỉ dạy cho nhiều công đoạn dệt truyền thống từ trồng, thu hoạch, cán lấy bông thô, cuộn thành từng bó, dùng sa quay sợi. Nếu muốn tấm vải có màu sắc bắt mắt, người làng sẽ tận dụng các loại màu từ tự nhiên: cây chàm (nhuộm đen), vỏ cây tơ nung (nhuộm đỏ), củ nghệ già (nhuộm vàng) để tạo màu sắc cho thổ cẩm.

Công cụ dệt vải của người Ba Na, Gia Rai được làm bằng khung gỗ, tre với nhiều bộ phận rời nhau, có thể di chuyển và điều chỉnh được kích thước của khung dệt. Những bộ trang phục của người Gia Rai, Ba Na thường gắn liền với đời sống thường ngày của họ như váy, áo, khố, tấm địu con, tấm choàng, dây buộc đầu, vòng đội đầu... Màu sắc thường là màu đen, đỏ, vàng, có trang trí thêm sợi kim tuyến. Hoa văn trang trí thường thấy là hình cây dương sỉ, nhà rông, múa xoang, cây nêu, rau dớn, mặt trời, ghè rượu hoặc hình tam giác, đa giác...

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề dệt thổ cẩm không còn là công việc chính trong mỗi nếp nhà. Phần lớn phụ nữ chỉ ngồi dệt sau khi gác xong chuyện nương rẫy, con cái, nhà cửa và họ chỉ dệt vào ban đêm hoặc cuối tuần. Mỗi tấm vải sau khi dệt xong được định giá từ 1.200.000 đồng trở lên, tùy vào kích cỡ. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm cũng đang đứng trước nguy cơ mai một vì rất ít người học dệt, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bà Y Hlạng, ở làng Pu Tá (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) là một trong những người có tay nghề cao và là người có công đóng góp rất lớn trong việc hồi sinh nghề dệt ở địa phương. Bà Y Hlạng cho biết: Lớn lên bên những bài khan cổ của cha, bên tiếng kẽo kẹt của khung cửi nên mình rất yêu văn hóa của dân tộc. Tình yêu ấy cứ hừng hực chảy trong huyết quản và đó là lý do mình tìm mọi cách giữ gìn nghề dệt truyền thống trước nguy cơ mai một.

“Trước thực trạng người dân trong làng không còn giữ được nghề dệt, mình đã đứng lên kêu gọi các chị em tham gia học dệt miễn phí tại nhà mình. Ban đầu, cũng ít người theo học, nhưng khi mình bắt đầu có những sản phẩm dệt bán ra thị trường mang lại thu nhập, thì chị em đi học nghề đông hơn. Cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, người làng bắt đầu quan tâm đến văn hóa của dân tộc. Năm 2018, làng Pu Tá được Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng 7 khung dệt, mình đã chia cho các chị em chưa có điều kiện mua khung dệt để tiếp tục với nghề. Nhờ vậy, đến nay, nghề dệt ở làng Pu Tá đã được hồi sinh trở lại” - bà Y Hlạng tâm sự.

Để giúp người dân trên địa bàn giữ gìn được nghề dệt truyền thống, chính quyền các cấp của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, giai đoạn 2018-2020, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh nhận thấy, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc H’rê cũng không còn nghệ nhân làm nghề.

Để khôi phục lại nghề này cho dân tộc H’rê, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với chính quyền huyện Kon PLông, xã Pờ Ê tiến hành thu thập mẫu khung dệt tại xã Ba Thành (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), đồng thời, hỗ trợ 10 bộ khung dệt cho người dân tại xã Pờ Ê. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã vận động, phối hợp với nhà tài trợ mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng cho 20 người với thời gian 1 tháng, giáo viên là nghệ nhân người dân tộc H’rê tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Còn tại tỉnh Gia Lai, chính quyền các cấp cũng đề ra nhiều phương pháp như gắn nghề dệt với du lịch để người dân có thể kiếm thêm thu nhập từ các sản phẩm thổ cẩm. Đồng thời, mở các lớp dạy dệt thổ cẩm trên địa bàn để thu hút các học viên tham gia. Bà Rơ Châm H’Ken, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Ia Ka (huyện Chư Păh) cho biết: Để giúp chị em trong làng giữ gìn nghề dệt truyền thống, chính quyền các cấp đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bắt đầu từ năm 2010, xã đã thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Ia Ka đến nay đã thu hút được hơn 70 chị em tham gia học dệt. Hiện nay, cùng với sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, đồng thời, ngày càng có nhiều hội thi, hội diễn nên chị em cũng chú trọng đến trang phục hơn, do đó, nghề dệt được giữ gìn và nhân rộng trong cộng đồng.

baobienphong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video