Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội LHPN Việt Nam

18/08/2022
Sáng 19/8, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình làm việc giữa TW Hội LHPN Việt Nam và Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật TW nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Hội LHPN Việt Nam và sự phối hợp của hai cơ quan trong triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua; xác định nhiệm vụ, đề xuất giải pháp, kiến nghị để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác GDPBPL thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật TW Nguyễn Thanh Tịnh đồng chủ trì, điều hành Chương trình làm việc

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật TW Nguyễn Thanh Tịnh đồng chủ trì, điều hành Chương trình làm việc cùng đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan và cán bộ hai cơ quan.

Bức tranh tổng thể về Công tác PBGDPL của Hội LHPN Việt Nam

Báo cáo của Hội LHPN Việt Nam trình bày đã khái quát được bức tranh tổng thể về công tác PBGDPL của Hội thời gian qua. Trong đó nêu bật sự sát sao lãnh đạo, chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam trong việc tổ chức quán triệt, học tập nội dung các văn bản chính sách, pháp luật đến cán bộ, hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội. Hội LHPN các tỉnh/thành chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức triển khai công tác PBGDPL phù hợp với thực tiễn ở địa phương, mang lại những kết quả cụ thể.

Cán bộ Hội LHPN xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho hội viên, phụ nữ (nguồn ảnh: yenbai.gov.vn)

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật của Hội được chú trọng nâng cao năng lực thông qua việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác PBGDPL, tư vấn pháp luật. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới thông qua nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về tinh thần thượng tôn pháp luật, chủ động, trách nhiệm trong phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội ngay từ trong gia đình.

Các đại biểu tham dự Chương trình làm việc

Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong công tác tuyên truyền, tư vấn, lên tiếng, bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả đã được các cấp Hội trong xây dựng và duy trì rất tốt như thành lập các tổ tư vấn, tạo mạng lưới, CLB “Cán bộ nữ làm công tác bảo vệ pháp luật” để tăng cường tham vấn chuyên gia và sự hỗ trợ của cán bộ các cơ quan Tư pháp, các chuyên gia, trí thức. 

Mô hình Ngôi nhà Bình yên của Hội đưa vào vận hành từ năm 2007 đã hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị BLGĐ và mua bán, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập an toàn, bền vững. Mô hình Tổ tư vấn cộng đồng khởi nguồn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động rất hiệu quả, đã được Hội LHPN một số tỉnh/thành tham khảo, học tập, nhân rộng. Bên cạnh đó, Hội LHPN một số tỉnh đã thành lập các mô hình Câu lạc bộ Nữ Thẩm phán - Nữ Luật gia - Nữ Hội thẩm nhân dân, Câu Lạc bộ Nữ làm công tác pháp luật, Câu lạc bộ Nữ hòa giải viên… là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL, tư vấn pháp luật trực tiếp miễn phí tại địa phương.

Mô hình Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO) tại 5 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang) tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ về các lĩnh vực pháp lý, tâm lý, việc làm, giáo dục – đào tạo, đã tư vấn và hỗ trợ cho hơn 600 phụ nữ di cư hồi hương với trên 2.000 lượt tiếp cận dịch vụ. Lồng ghép PBGDPL thông qua công tác hòa giải ở cơ sở cũng là cách làm sáng tạo của các cấp Hội. Theo báo cáo của Hội LHPN 35 tỉnh, thành phố qua 5 năm thi hành Luật hòa giải cơ sở, có gần 41.811 tổ hòa giải, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác PBGDPL.

Trưởng Ban Chính sách luật pháp TW Hội LHPN Việt Nam Đàm Vân Thoa trình bày Báo cáo của Hội LHPN Việt Nam về công tác PBGDPL 

Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được chú trọng hơn  trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua. Công tác thông tin, tuyên truyền PBGDPL được triển khai thường xuyên trên Cổng Thông tin điện tử của Hội, mạng xã hội zalo, facebook, fanpage…, qua đó giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin pháp luật chính thống, hữu ích.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật quyền và nghĩa vụ của phụ nữ cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng O Grưng (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) (nguồn ảnh: Báo Gia Lai)

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn những khó khăn, hạn chế như việc tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ chưa đồng đều, thường xuyên ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, xa, DTTS, vùng ven biển; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng về hình thức, chưa theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ; Một số nhóm đối tượng (phụ nữ tôn giáo, lao động nữ ở các khu công nghiệp tập trung, nữ di cư tự do…) chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách; Ý thức tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật của phụ nữ còn hạn chế nên rất dễ bị lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến còn tình trạng phụ nữ tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải cơ sở của Hội thiếu, kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn sâu, thiếu kỹ năng PBGDPL.Vai trò giám sát, phát hiện, đề xuất của các cấp Hội chưa thực sự phát huy hiệu quả, công tác tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các điển hình, nhân tố, mô hình tiêu biểu chưa thường xuyên, kịp thời...

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDPBPL trong thời gian tới

Tại chương trình, các đại biểu đã dành thời lượng cao cho việc thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết vào nội dung báo cáo. Các ý kiến tập trung vào những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác PBGDPL của các cấp Hội, đặc biệt là cơ sở; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị về nội dung, giải pháp nhằm nâng cao công tác PBGDPL trong thời gian tới.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại buổi làm việc

Một số đề xuất, giải pháp đáng chú ý như: Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, căn cứ vào tình hình từng địa bàn, dân cư, dân tộc, các vấn đề nổi lên của địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức, mô hình PBGDPL phù hợp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; đẩy mạnh truyền thông các chính sách có tác động đến xã hội ngay từ quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thành viên Tổ Tư vấn cộng đồng trong công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tăng cường giám sát việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phối hợp với Bộ Tư pháp theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện tiêu chí thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Hội LHPN Việt Nam cũng đưa ra đề xuất kiến nghị Chính phủ trong chỉ đạo phân bổ kinh phí cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Gắn công tác PBGDPL với việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; Chú trọng công tác PBGDPL đến các đối tượng dễ bị tổn thương, người dân ở các khu vực ít có cơ hội tiếp cận thông tin; Ban hành đề án “Truyền thông pháp luật, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho phụ nữ dễ bị tổn thương”.

Đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác PBGDPL; tích cực huy động các nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhân trong và ngoài nước trong việc thực hiện PBGDPL, đặc biệt là hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí...

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại Chương trình, lãnh đạo hai cơ quan nhấn mạnh sự quan trọng cũng như vai trò, trách nhiệm, thế mạnh của Hội LHPN Việt Nam trong triển khai công tác PBGDPL, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữ và các thành viên gia đình; thu hút sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, các  ngành, huy động nguồn lực.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị trong thời gian tới công tác PBGDPL của Hội cần hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức, thay đổi hành vi cho hội viên phụ nữ về sự hiểu biết, tôn trọng pháp luật, vận động, giáo dục các thành viên trong gia đình và cộng đồng cùng sống, làm việc theo pháp luật, mang tính thực chất, tránh hình thức.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao những hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong công tác PBGDPL thời gian qua

Đặc biệt quan tâm triển khai 6 nhóm nội dung lớn: Tổng kết mô hình hay, cách làm hiệu quả của Hội để triển khai nhân rộng; Phối hợp với Bộ Tư pháp có các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác PBGDPL của Hội; Hướng dẫn công tác PBGDPL ở các cấp Hội địa phương; Đẩy mạnh truyền thông; Triển khai PBGDPL gắn với các đề án, đặc biệt là đề án của Chính phủ về “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407); Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về PBGDPL để các bộ, ngành, địa phương có thể áp dụng tuyên truyền phù hợp với đối tượng của mình. Thứ trưởng cũng thống nhất với các đề xuất của TW Hội LHPN Việt Nam, trong đó có đề nghị với Chính phủ về đề án “Truyền thông pháp luật, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho phụ nữ dễ bị tổn thương” và đề nghị hai cơ quan sẽ có sự làm việc để bàn thảo, thống nhất về nội dung của đề án trước khi trình Chính phủ.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video