Nam Định: Phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm

25/05/2020
Thực hiện chủ đề năm 2020 “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Chọn mua thực phẩm sạch tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Nam Định.

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở thành vấn đề lớn được xã hội quan tâm. Thực hiện chủ đề năm 2020 “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh tại nhiều địa phương trong tỉnh; qua đó chung tay vì sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Từ năm 2016, xuất phát điểm từ mô hình nuôi giun quế ở xã Hải Sơn, nhiều địa phương trong huyện Hải Hậu đã thành lập các “Tổ phụ nữ nuôi giun quế” theo mô hình nông nghiệp khép kín, không rác thải (lấy phân gia súc, gia cầm chăm bón rau củ để nuôi giun quế và ngược lại, lấy giun quế và rau củ nuôi gia súc, gia cầm) với tên gọi: “Phụ nữ với công tác an toàn thực phẩm”. Hình thức nuôi được các chị em thực hiện là không sử dụng hóa chất trừ sâu và các chất kích thích tăng trưởng cho vật nuôi và cây trồng, do đó đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe, góp phần thúc đẩy việc tái sử dụng các phế thải nông nghiệp. Từ mô hình ở xã Hải Sơn đã nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh như: Xuân Ninh (Xuân Trường), Mỹ Tân (Mỹ Lộc); các xã Nam Điền, Nghĩa Minh, Hoàng Nam (Nghĩa Hưng)… Không chỉ nuôi giun quế theo hướng nông nghiệp khép kín, Hội Phụ nữ Hải Hậu còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện công tác ATVSTP, xây dựng nền nông nghiệp xanh không độc chất, như: tập huấn cho phụ nữ nông dân về mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín không rác thải; tổ chức các phiên chợ nông nghiệp hữu cơ, không độc chất tại cơ sở để giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp sạch do chị em sản xuất; tổ chức các hội thi, hội thảo với chủ đề về nông nghiệp sinh thái; giúp đỡ các ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch… Trước thực trạng người sản xuất sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì trồng rau theo phương pháp an toàn là hướng đi cần thiết đang được nhiều hộ gia đình, các tổ liên kết thực hiện. Mô hình trồng rau sạch của các ni sư và nữ phật tử Chùa Ỏn (thành phố Nam Định) trong 10 năm qua là một ví dụ tiêu biểu. Trên diện tích 1ha, các ni sư và nữ phật tử chọn các loại rau, cây ăn quả như: rau muống, cải, ngót, mồng tơi, đay, rau lang, bí, chanh, thanh long ruột đỏ… để canh tác. Trước khi trồng, đất được bón phân vi sinh và bổ sung thêm đất màu, sau khi rau trồng được tưới nước thường xuyên để phát triển xanh non. Để đề phòng sâu bệnh, rau được phun nước tỏi, ớt chứ không dùng thuốc trừ sâu... Hiện, mỗi ngày nhà chùa cung ứng khoảng 3-4 yến rau, quả cho chùa, một số chùa khu vực quanh thành phố và người dân quanh vùng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ATVSTP đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, thời gian qua, Hội LHPN các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các hội thi về an toàn thực phẩm; vận động hội viên không sử dụng và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng ATVSTP; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cán bộ, hội viên về phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình khoa học; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ATVSTP đến cán bộ, hội viên; tổ chức lễ phát động, ra quân, hưởng ứng Tháng hành động ATVSTP; vận động người tiêu dùng tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồng thời lên án các tổ chức, cá nhân vì mục đích lợi nhuận, xem thường sức khỏe người tiêu dùng… Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh và cấp huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 150 cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên và trên 2.500 cán bộ, hội viên phụ nữ về ATVSTP, phòng chống ung thư; các quy định pháp luật về ATVSTP. Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 405 buổi truyền thông cho trên 120 nghìn cán bộ, hội viên về thực trạng và tác hại của thực phẩm không an toàn; tư vấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm đúng cách; phổ biến các quy định của pháp luật về các điều kiện đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm an toàn… Trong năm 2019, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 207 cuộc truyền thông “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường - Nói không với rác thải nhựa”, thu hút gần 14.500 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh tổ chức truyền thông dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại 40 cơ sở cho gần 10 nghìn hội viên, phụ nữ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn vận động hội viên, phụ nữ tham gia vào các loại hình sản xuất quy mô lớn, tạo liên kết trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nhằm xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về VSATTP tại cơ sở như: “Xử lý rác thải đúng cách tại gia đình, đồng ruộng”, “Tổ phụ nữ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sạch”, “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn”; “Tổ phụ nữ chế biến thực phẩm sạch”, “Chi Hội Phụ nữ 3 sạch”; “Sản xuất và tiêu dùng sạch”... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” đang phát triển tại các xã: Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Nam Điền (Nghĩa Hưng); xóm 8, xã Xuân Ninh (Xuân Trường)… thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia, góp phần đảm bảo ATVSTP, đồng thời tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.

Những hoạt động thiết thực của các cấp Hội đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trong thực hiện ATVSTP, duy trì hoạt động các mô hình thực hiện VSATTP... nhằm đảm bảo cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

baonamdinh.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video