Nam Định: "Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn" ở Nghĩa Hồng

05/12/2020
Tiêu chí mà tổ liên kết đặt ra là từng bước trồng rau sạch theo hướng bền vững, không chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các quy trình nghiêm ngặt về trồng rau sạch, an toàn
Các thành viên mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn” xã Nghĩa Hồng chăm sóc rau màu.

Vốn có kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại rau, khi được Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) vận động tham gia mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn”, chị Vũ Thị Hóa đã nhiệt tình hưởng ứng. Qua tìm hiểu và được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau theo phương pháp an toàn, chị Hóa nhận thấy có nhiều ưu điểm: tạo ra được các sản phẩm có lợi cho sức khỏe; thị trường, người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn;  thu nhập ổn định hơn.

Còn đối với chị Trần Thị Sơn, sau khi tham gia mô hình và được tập huấn về quy trình sản xuất rau sạch, chị không chỉ áp dụng thành công trong quá trình trồng rau trên diện tích đất tập trung của mô hình mà còn áp dụng những kiến thức được học vào việc chăm sóc vườn rau của gia đình. Với diện tích hơn 1 mẫu rau, qua 3 tháng trồng và chăm sóc theo kỹ thuật được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, vườn rau của gia đình chị xanh tốt và đã cho thu hoạch. Để rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chị Sơn chú trọng đến khâu làm đất, đồng thời chọn trồng luân phiên các loại rau, quả khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích nhằm hạn chế sâu bệnh. Vốn ít, tận dụng được công nhàn rỗi nên mô hình trồng rau sạch đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Chị Phạm Thị Ngát, tổ trưởng “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn” chia sẻ: “Thời gian đầu, mới làm quen với phương thức canh tác trồng rau sạch, các hội viên gặp không ít khó khăn, nhiều công đoạn phải theo quy trình từ việc chọn giống, bón phân, tưới cây… Tiêu chí mà tổ liên kết đặt ra là từng bước trồng rau sạch theo hướng bền vững, không chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các quy trình nghiêm ngặt về trồng rau sạch, an toàn. Vì vậy, các sản phẩm rau sạch của tổ được nhiều khách hàng tin dùng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên”.

Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, củ, quả sạch, an toàn, tăng hiệu quả kinh tế cao hơn hình thức kinh tế hộ gia đình, tháng 8-2018, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hồng đã thành lập mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn” thu hút 15 thành viên tham gia. Ngay sau khi thành lập, các thành viên được truyền thông kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong trồng trọt; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tích cực sản xuất trên diện tích chuyển đổi gần 3ha đất hai lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như cà chua, dưa chuột, rau màu các loại. Phương pháp canh tác là sử dụng chế phẩm sinh học thảo mộc, phân vi sinh, phân hữu cơ, giúp cây khỏe, đạt năng suất cao. Để mô hình duy trì hiệu quả và tiếp tục nhân ra diện rộng, từ vụ đông 2018 và vụ xuân 2019, Hội Phụ nữ xã chủ động tham mưu với Hội LHPN huyện tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư 1ha diện tích trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm sau khi thu hoạch được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm để nhập vào các siêu thị, nhà hàng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ thành công ban đầu, vụ đông 2019, “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn” tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trên diện tích hơn 2,7ha trồng các loại dưa leo, cà chua cho thu hoạch từ 1-1,3 tấn/sào. Đến vụ xuân năm 2020 tổ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lên 4ha rau màu các loại, trong đó có gần 3ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho thu nhập từ 6-8 triệu đồng/sào/vụ. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, Hội Phụ nữ xã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông; phân công nhiệm vụ cho các cán bộ Hội phối hợp với cán bộ kỹ thuật HTX trực tiếp xuống kiểm tra chất lượng rau, củ, quả, hướng dẫn sử dụng thuốc thảo mộc phun trừ sâu bệnh, phân vi sinh, phân hữu cơ và thời gian cách ly khi thu hoạch. Hội Phụ nữ xã còn đứng ra tín chấp hỗ trợ cho những hộ gia đình hội viên còn khó khăn về vốn được vay qua các kênh: Ngân hàng CSXH, Quỹ TYM… để đầu tư mua cây giống, hạt giống, mua sắm các thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Với các sản phẩm đa dạng gồm cà chua, bí xanh, dưa chuột, su hào, bắp cải, súp lơ… đảm bảo chất lượng, sản phẩm rau, củ của “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn” đã hợp đồng cung cấp rau sạch cho một số chung cư ở Hà Nội, siêu thị Coopmart, các khu chợ trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi ngày, tổ cung cấp ra thị trường hàng tạ rau, củ, quả sạch.

Mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn” xã Nghĩa Hồng đã hoạt động có hiệu quả, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên. Từ mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kết nối từ sản xuất đến thị trường, thu hút đông hội viên tham gia. Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục vận động hội viên tham gia mô hình, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ vốn và kỹ thuật trồng rau sạch cho các thành viên; khuyến khích tổ liên doanh, liên kết với các hộ trồng rau trong vùng, hình thành, phát triển các tổ hợp tác để sản xuất bền vững và từng bước xây dựng nhãn mác cho sản phẩm rau an toàn, đem lại nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên

baonamdinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video