Muôn kiểu bạo lực đẩy hôn nhân xuống "địa ngục"

02/06/2022
Nông dân, công nhân, giáo viên hay phụ nữ cao tuổi đều có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình khiến nỗi đau kéo dài và âm ỉ, đẩy những cuộc hôn nhân vốn ngập tràn hạnh phúc nay rơi vào "địa ngục".
Hôn nhân rơi vào "địa ngục" bởi những cuộc bạo lực không lường trước

Đối tượng bị bạo lực gia đình khá đa dạng. Không chỉ có phụ nữ nghèo ở nông thôn, miền núi mà phụ nữ ở khu vực đô thị, những người có trình độ học vấn cao, có điều kiện kinh tế khá giả vẫn có thể bị bạo hành. Có thể xếp bạo lực gia đình vào 4 nhóm bạo lực chính gồm: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.

Bạo lực từ những mẫu thuẫn kinh tế trong gia đình

Chị H.T.L ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa kể, gia đình chị làm nghề bán phở vốn đã rất vất vả nhưng với chị đó chưa phải là tất cả khi chồng cho rằng chị không khéo léo trong ứng xử và giấu chồng làm ăn riêng.

“Tôi có tham gia kinh doanh bảo hiểm và buôn bán đất để tăng thêm thu nhập. Tất cả đều vì mục đích kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Để chồng tin tưởng, tôi đã giải thích và làm các thủ tục cho anh ấy đứng tên sổ đỏ nhưng anh ta vẫn nghi ngờ và sử dụng vũ lực với tôi”, chị L kể.

Nhằm răn đe chồng chấm dứt bạo lực, chị L. đã gửi đơn ly hôn đến tòa án. Khi tòa gọi lên hòa giải thì anh chồng rất tức giận, chửi bới và đe dọa. Ban đầu, hai vợ chồng chị L. đã thỏa thuận về tài sản, tuy nhiên trong những ngày gần đây tài sản riêng của chị L. bị thất thoát, thương lượng tài sản xảy ra tranh chấp. Cuối tháng 4/2022, tại văn phòng luật sư, chồng chị đã đe dọa ném chị L. xuống sông, dọa thuê người giết và không cho chị ổn định làm ăn, ngăn cản quyền thăm nuôi con buộc chị phải viết đơn tố cáo hành vi của chồng tới chính quyền địa phương nơi ở mới và nơi ở cũ với mong muốn giành lại quyền nuôi con.

Trường hợp chị T.T.M.H ở thành phố Thanh Hóa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị cho hay, gia đình mình làm nghề buôn bán. Chị vừa mới sinh con, công việc chính là ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái nên phụ thuộc kinh tế vào chồng. Vì vậy, chị cũng bị chồng đối xử không công bằng, nhiều lúc sử dụng vũ lực khiến chị có dấu hiệu trầm cảm.

Đánh vợ theo… tâm trạng

Chị P.T.V làm công nhân ở một công ty may có hai con, bị chồng bạo hành. Chị V. kể, chồng chị có thói quen đánh vợ theo… tâm trạng.

“Anh ta rất kỳ lạ, vợ hỏi lại bị chửi, hỏi thêm thì bị đánh”, chị V. nói trong nước mắt.

Không những thế chị V. còn cho hay, chồng chị còn là người bạo lực trong sinh hoạt tình dục. Anh ta thường cấu véo vào những nơi nhạy cảm khiến chị không thể chịu đựng nổi.

Còn chị N.T.T ở Quảng Xương - Thanh Hoá mặc dù đã có với nhau 3 đứa con nhưng chị thường xuyên bị chồng bạo lực khiến chị từng bị rạn xương tay, gãy răng.

Đặc biệt lần gần đây nhất vào ngày 9/4 chồng chị say rượu, đánh đập chị. Thấy bố cầm dao định chém mẹ, con gái chị đã lao vào đỡ và bị thương ở đầu phải nhập viện.

Sau sự việc đó chị và 3 cháu đã về nhà ngoại còn chồng bỏ đi bán hàng. Giữa tuần anh ta về cũng không sang thăm con và không xin lỗi thậm chí còn đe dọa, thách thức, đi qua nhà thì chửi mắng và lấy luôn chiếc xe máy là phương tiện duy nhất của chị.

Trẻ em và người già kêu cứu

Bà N.T.V, 70 tuổi liên hệ tổng đài hỗ trợ về việc bà thường xuyên bị chồng sỉ nhục, đánh mắng, thậm chí không cho ăn. Chồng bà cho rằng vì bà mà con trai bị tai nạn mất năm 2007.

Bà N.T.O hơn 60 tuổi ở huyện Nông Cống - Thanh Hoá cũng liên tục bị chồng chửi mắng, nặng hơn là dội nước sôi vào người ở cái tuổi tưởng vợ chồng phải dựa dẫm nhau. May mắn là phích nước bị vỡ, nước sôi không vào người bà.

Theo chia sẻ của bà, Không có chuyện gì xảy ra ông cũng chửi mắng buộc bà phải báo cáo với mặt trận xã nhưng ông không thay đổi. Thậm chí khi bà bỏ đi, đến tối ông còn đóng cửa ngõ không cho bà vào nhà.

Theo các nhân viên công tác xã hội, bạo lực giới xảy ra với mọi đối tượng, không kể nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, học vấn, lứa tuổi.

Em P.T.T học sinh lớp 12 ở Quảng Xương - Thanh Hoá bị bạo lực ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường khi bạn trai de dọa tung ảnh tình cảm của bạn lên mạng xã hội nếu có tình cảm với người khác.

Khi tiếp nhận thông tin, nhân viên công tác xã hội đã tư vấn tâm lý cho T., giúp em ổn định tâm lý, có kỹ năng ứng xử với bạn trai, không gây thách thức, căng thẳng, từ chối gặp mặt một cách khéo léo. Hướng dẫn gia đình báo án lên công an. Đồng thời phối hợp với công an xác minh, đề nghị công an có biện pháp can thiệp.

Trong khi em T.T.T ở huyện Yên Định - Thanh Hoá nghi bị hàng xóm xâm hại tình dục. Ông ngoại của cháu đã gọi điện đến tổng đài nhờ hỗ trợ. Nhân viên công tác xã hội đã cung cấp các kiến thức pháp luật, kết nối tới công an, chính sách xã để nắm bắt tiến trình của vụ việc. Đồng thời tư vấn cho ông những kiến thức và kỹ năng nhận biết dấu hiệu, phòng chống trầm cảm, stress.

Theo các chuyên gia tư vấn hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Các trường hợp nam giới bị bạo lực rất hiếm, hoặc có nhưng do tâm lý e ngại nên không gọi điện nhờ tư vấn hoặc tố cáo đến cơ quan bảo vệ pháp luật. Cũng có trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình do bức xúc nên tố cáo không hoàn toàn chính xác. Điều này gây khó khăn cho công tác tư vấn, hỗ trợ. Phải tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể để vừa bảo vệ người bị bạo hành nhưng cũng phải có cách thức khuyên bảo, hòa giải nhằm hàn gắn những dạn nứt.

“Ngoài việc tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, mục đích sâu xa là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đối tượng bạo hành, ở đây chủ yếu là người chồng về bình đẳng giới. Điều này rất khó, đòi hỏi các cấp chính quyền đoàn thể ở nơi cứ trú phải cùng vào cuộc. Thực tế cũng có những trường hợp đối tượng bạo lực sau khi được tư vấn đã thay đổi, không còn có các hành vi bạo lực với vợ con. Đó mới là cách làm hướng đến sự bền vững trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới”, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhận định.

giadinhonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video