Mười sáu năm cùng con đến trường

20/05/2015
Nhà chị Nguyễn Thị Tâm ở xóm Chợ, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chỉ có hai mẹ con. Cuộc sống của hai mẹ con chị trông vào ba sào ruộng một năm cho hai vụ lúa. Cháu Nguyễn Hà Hải, con chị đã bị dị tật cả hai chân ngay từ khi sinh ra nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Đến tuổi cắp sách, cháu Hải rất thích được đi học nhưng bản thân cháu không thể tự đến trường. Thấy con ham học, chị Tâm càng thương con hơn. Chị muốn bù đắp những thiệt thòi cho đứa con bé bỏng…

Vậy là đều đặn mỗi ngày, nắng cũng như mưa, sáng nào chị cũng cõng con đến trường rồi trở về làm lụng. Đúng giờ tan học, chị lại có mặt ở trường để đón con về. Lên cấp 2, cháu Hải ngày một lớn, không cõng nổi con, chị đẩy xe lăn đưa con đến trường. Khi cháu học cấp 3, trường cách nhà hơn 4 km. Trường xa hơn đồng nghĩa với việc theo học của Hải vất vả hơn. Không nản chí, sáng sáng hai mẹ con chị dậy từ rất sớm chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để vượt qua 4km đường cho kịp giờ học. Không quản nắng mưa, ngày đông rét mướt hay ngày hè nóng nực, chị luôn động viên con và tự dặn lòng phải cố gắng mọi lúc mọi nơi. Cứ như thế 12 năm ròng rã, cùng với bao buổi đến trường của con là bấy nhiêu giọt mồ hôi của mẹ, bao vòng quay của bánh xe lăn là bấy nhiêu vất vả khó khăn của hai mẹ con trên con đường kiếm tìm con chữ.

Tốt nghiệp cấp 3, Hải có ý định thi đại học, một lần nữa chị lại gồng lên động viên con và khích lệ bản thân mình. Chúng bạn của Hải đều đến các lò luyện thi để ôn luyện chuẩn bị ráo riết cho kỳ thi. Còn con chị, vì điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, cháu chỉ tự ôn luyện ở nhà. Nhưng bằng sự quyết tâm cao, với niềm khát khao được học đại học để sau này có cuộc sống tốt hơn cho bản thân và có ích cho xã hội, cháu đã thi đỗ cả hai trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội. Cầm trên tay tờ giấy báo nhập học của con, chị Tâm vui mừng khôn xiết nhưng cũng lo lắng không kém. Chị lo vì sức khỏe của con không biết có đảm bảo khi đi học xa nhà, ai sẽ là người phục vụ đưa đón chăm sóc con thay mẹ, lo vì kinh tế gia đình quá eo hẹp biết lấy gì trang trải việc học hành của con… Trăn trở suy tính mãi, chị quyết định theo con lên Hà Nội để kiếm sống nuôi con và tiếp tục đưa đón con đi học mỗi ngày. Mẹ con chị thuê nhà trọ cách trường 3 km, phòng trọ chật hẹp thiếu thốn đủ thứ nhưng chị rất vui vì vẫn được ở bên chăm sóc cho con. Hàng ngày chị đẩy xe lăn đưa con đến trường rồi tranh thủ làm thuê theo giờ các việc như giặt giũ, lau quét dọn nhà, trông người già ốm, trẻ nhỏ… cho các hộ gia đình gần trường con học và gần nơi mẹ con chị ở trọ để tiện việc đưa đón con. Không như những ngày sống ở quê, cuộc sống ở thành phố với mẹ con chị khó khăn hơn rất nhiều vì giá cả mọi thứ đều đắt đỏ, mẹ con chị phải chắt chiu, cân nhắc từng đồng khi chi tiêu. Hải rất thương mẹ, em cố gắng học tập và tự phục vụ mình nhiều hơn để mẹ đỡ vất vả. Ngoài giờ học trên lớp, em chăm chỉ học bài, tự tìm tòi nghiên cứu, em còn nhờ bạn bè giới thiệu làm gia sư dạy thêm vào cuối tuần để góp phần tăng thêm thu nhập với mẹ. Bốn năm học em đều giành được học bổng của nhà trường, đó là niềm an ủi lớn khích lệ hai mẹ con và phần nào giúp cuộc sống của họ đỡ khó khăn hơn.

Với tình thương yêu và sự giúp đỡ của cộng đồng, những người thân, bạn bè…, mẹ con chị có thêm nghị lực và niềm tin để theo tiếp con đường phía trước. Ra trường, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo huyện Thuận Thành, con chị được nhận về công tác tại địa phương, là cán bộ thư viện tại Trường Trung học cơ sở xã An Bình. Mười sáu năm đẩy xe lăn đưa con đi học, giờ đây chị Nguyễn Thị Tâm vô cùng phấn khởi và thấy lòng mình nhẹ bẫng như vừa được ai đó nâng hộ gánh nặng đường xa. Ngoảnh lại chặng đường đã đi, chị thấy thật sự là một điều kỳ diệu, chị tâm sự: “Cháu Hải là tài sản vô giá nhất của cuộc đời tôi, vì thế tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ để thắp sáng niềm tin và khát khao học tập của con”. Quả thật, tình mẫu tử đã tạo cho người mẹ một sức mạnh phi thường.

Nguyễn Khang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video