Mùa hy vọng ở bản

03/02/2016
Năm 2000, trước nguy cơ ngày càng mai một của người Chứt ở xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) – do cuộc sống du cư, sống hoang dã trên các sườn núi thẳm và chủ yếu nhờ vào hái lượm, số người chết nhiều hơn số sinh ra – lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo và giao cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tìm, phát hiện, đưa người Chứt về định cư tại bản Rào tre. Công cuộc “cải hóa” tộc người Chứt của cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng như các đoàn thể khác với người Chứt vô cùng gian nan vất vả.

Từ chỗ phụ nữ Chứt mỗi khi “vượt cạn” phải tách riêng vào rừng sâu tự sinh con, nếu mẹ tròn con vuông thì trở về với tộc mình, còn nếu con chết thì chôn con xong mới được trở về thì nay việc chăm sóc thai nhi ngay từ ban đầu đã có các y, bác sĩ biên phòng tại bản cho đến khi thai phụ sinh nở tròn vẹn. Được biết, Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh có 4 bác sĩ thì riêng bản Rào Tre được ưu tiên 1 bác sĩ và 1 y tá.

Từ chỗ hôn nhân cận huyết thống đã khiến cho nhiều trẻ sinh ra bị liệt, dị dạng về hình thể, chân tay thì nay hiện tượng này đã được triệt để ngăn chặn. Từ chỗ mê tín dị đoan, người Chứt chỉ tin vào cúng bái thì nay họ đã biết đến trạm y tế chữa bệnh, học tập và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.

Đến nay, người Chứt ở Rào Tre đã thật sự hồi sinh, họ đã biết cấy trồng, chăn nuôi, dựng nhà, ăn chín, uống sôi… Trước đây, do sống hoang dã, mỗi khi đàn ông đàn bà say rượu thường “quần hôn” thì nay họ đã biết phân biệt thân sơ, đôi lứa thủy chung… Sau hơn 1 thập niên được sống trong sự đùm bọc của các cấp chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là sự cầm tay chỉ việc, xắn tay áo cùng làm, cùng ăn ở với dân, đến nay người dân tộc Chứt ở Rào Tre đã ổn định cuộc sống, dần đi vàoo nền nếp, hòa nhập với người Kinh và các dân tộc khác trong cộng đồng.

“TRƯỞNG BẢN” TẬN TÂM

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác BĐBP thuộc Đồn Biên phòng bản Giảng, là người gắn bó với tộc người Chứt nơi đây từ ngày đầu bản Rào Tre được thành lập. Ông được người dân trân trọng gọi là “Trưởng bản”. Năm đó, khi ông Tịnh cùng lực lượng BĐBP Hà Tĩnh tập trung định cư người Chứt về đây, chỉ còn 18 hộ với 90 người. Sau hơn 1 thập niên, xuân Bính Thân này đã có 40 nóc nhà với 140 nhân khẩu – đây là con số ấn tượng, nói lên nhiều điều về sự hồi sinh của người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre.

Ông Tịnh là người thẳng tính, cương trực, giọng to oang oang, đãnói sao thì làm vậy. Với bản chất của người lính miệng nói tay làm, ông xắn quần lội ruộng, cầm roi điều khiển trâu cày ruộng, lái máy cày, cấy gặt… không từ việc gì. Ông kiên trì hướng dẫn người dân tộc Chứt, thậm chí nhiều buổi xuống đồng, hò hét “tả xung hữu đột” với “thợ” cấy gặt là bà con người Chứt đến mức khản cả giọng. Ông chạy về trạm vác loa pin ra ruộng tiếp tục hét, phải nói bao giờ dân hiểu mới thôi.

“Lính” của ông Tịnh theo gương ông cũng sâu sát không kém thủ trưởng. Qua thời gian và những việc làm thiết thực, BĐBP thuộc Tổ công tác do ông chỉ huy được người dân tin yêu và làm theo. Phương châm của “Trưởng bản” và 5 cán bộ chiến sĩ dưới quyền ông là: Việc nhà mình thì mai làm cũng được, còn việc của bản Rào Tre thì không thể trì hoãn chậm trễ, dù chỉ 1 phút. Có lẽ vì thế mà khi đoàn công tác lên đến bản Rào Tre, trong màn mưa mù mịt đất trời và cái lạnh thấu xương những ngày nhiệt độ thấp nhất giữa tháng Chạp vừa qua, vẫn thấy ông Tịnh trang phục chỉnh tề, ngồi một mình giữa sân trạm biên phòng trực chiến.

Đối với những người dân tộc Chứt, trung tá Tịnh vừa là cha, anh, vừa là ông ngoại, là thầy giáo, là chủ hôn… bởi một tay ôngn lo dựng vợ gả chồng cho các cháu giá, chỉ bảo những điều nhỏ nhất khi cô dâu về nhà chồng. Sau khi họ cưới rồi, ông vẫn luôn dõi theo, bảo ban từng chút về phong tục tập quán, về ứng xử với cha mẹ, anh em nhà chồng… - những điều mà cả bộ tộc người Chứt, đặc biệt là với các cô gái của dân tộc này – chưa từng biết đến.

SẼ CÓ MỘT “CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU”

Một điểm ấn tượng của BĐBP Hà Tĩnh trong năm 2015 vừa qua là đã tổ chức thành công 3 đám cưới, trong đó người Chứt kết hôn với người dân tộc Kinh. 1 đám trong số đó là cô gái người Chứt Hồ Thị Đình Mai nên vợ nên chồng với chiến sĩ biên phòng Lê Xuân Công. Vợ chồng Công và Mai đã sinh con trai được hơn 1 tháng tuổi, bé khỏe mạnh và rất đáng yêu.

Tiếp đó, cặp đôi Võ Quốc Ánh và cô gái dân tộc Chứt Hồ Thị Đình Xuân tổ chức lễ cưới vào tháng 8/2015 lại là sự khẳng định thành công của công tác chống kết hôn cận huyết thống của người trong cùng tộc. Để khuyến khích người Chứt lấy người khác tộc, Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh hứa tặng mỗi đám cưới 20 triệu đồng và theo Đề án 2571 của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ủng hộ 30 triệu đồng, tổng số là 50 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi cặp đôi uyên ương còn được tặng 1 căn nhà hạnh phúc.

Trước đây từng có những cuộc đụng độ nảy lửa giữa trai bản Chứt ở 2 xã Lâm Hóa và Thanh Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) với trai bản Chứt ở Rào Tre do “cấm vận” gái bản. Sau đó, BĐBP Hà Tĩnh có chủ trương mời 2 tộc người Chứt của 2 địa phương trên luân phiên tổ chức ngày lễ Chăm Cha Mới (mừng cơm mới) và lễ Lấp Lỗ (Tết gieo hạt) với nhau, nhằm tạo điều kiện để trai gái Chứt 2 địa phương được qua lại, giao lưu với nhau, kết thân bạn bè tiến tới hôn nhân lành mạnh, chống tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Lãnh đạo Đồn Biên phòng bản Giàng tiết lộ một tin vui rất có thể thành hiện thực, đó là “con đường tìnhh yêu” đang được BĐBP Hà Tĩnh khảo sát, đề xuất và kêu gọi đầu tư. Con đường ấy không chỉ nối liền tình yêu, tình bạn giữa trai gái người Chứt Hà Tĩnh và Quảng Bình mà khi hình thành, nó còn góp phần mở ra một hướng đi mới bền vững cho sự phát triển kinh tế và văn hóa ở 2 tỉnh Bắc Trung bộ này trong tương lai.

Theo: TMC, báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video