Một thời “gái đảm”

13/03/2015
Đó là bà Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1942, xã Xuân Tiên (nay là xã Xuân Hồng), huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, được giác ngộ cách mạng từ sớm, đã hăng hái vận động chị em tham gia phong trào “Ba đảm đang”, một thời là người đi đầu trong phong trào nuôi bèo hoa dâu, cấy chăng dây thẳng hàng… của xã Xuân Tiên. Vượt lên nỗi đau chồng hy sinh, con gái còn nhỏ, bà hòa mình vào khí thế sục sôi của thanh niên miền Bắc với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam thân yêu", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở tuổi 22, bà cũng là một trong số ít nữ giáo dân của xã thời ấy vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng

16 tuổi, cô gái vùng đồng bào công giáo Nguyễn Thị Dung đã giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành hạt nhân nòng cốt trong phong trào thanh niên của xã Xuân Tiên. Thời đó, thanh niên trai tráng đều lên đường nhập ngũ, ở lại địa phương chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, một luồng sinh khí mới náo nức và sục sôi dấy lên khắp xã Xuân Tiên, lôi cuốn cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung vào các hoạt động sôi nổi ấy.

Ngót 50 năm đã qua, song mỗi khi nhắc lại, bà vẫn như thấy mình đang sống trong nhịp độ khẩn trương, hối hả, sục sôi của cả một thế hệ thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng thời đó. Được gia đình ủng hộ, bà xin tham gia đội dân quân du kích xã, phong trào Đoàn… Tuy nhiên, do là gia đình giáo dân, nên có những thời điểm bà và gia đình bị “sức ép” từ phía giáo hội không muốn cho tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung vẫn đi nhà thờ, chấp hành đầy đủ nghi lễ của một con chiên ngoan đạo và vẫn là thành viên nhiệt tình của các phong trào, hoạt động xã hội. Chính từ hoạt động phong trào mà Nguyễn Thị Dung và chàng trai Vũ Ngọc Thìn, người xóm trên, cùng hoạt động trong đội du kích xã bén duyên nhau.

Sau ngày cưới, cả hai vẫn sát cánh bên nhau trong các buổi sinh hoạt đoàn thanh niên, những đêm tham gia trực chiến. Thời đó, cả nước sục sôi không khí chiến đấu và lao động sản xuất xây dựng quê hương, sẵn sàng "tiếp lửa" cho chiến trường miền Nam. Đầu năm 1963, lúc cô con gái Vũ Thị Hồng Sửu của ông bà tròn 3 tháng tuổi, ông Thìn xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Suốt hai năm, ông không một dòng tin tức gửi về gia đình, quê hương. Băn khoăn, lo lắng, bà Dung lên xã xin tham gia thanh niên xung phong với hy vọng có cơ hội gặp chồng tại chiến trường. Các anh cán bộ xã lúc đó cương quyết bảo:

- Anh Thìn hiện đang chiến đấu ở đơn vị nào còn chưa tin tức, trong khi con còn nhỏ, bố mẹ tuổi đã cao. Cô cứ yên tâm ở nhà lao động sản xuất, chăm sóc bố mẹ và con gái là cũng góp phần đánh thắng giặc Mỹ rồi!

Không được đi thanh niên xung phong, bà gửi con gái cho bố mẹ để ban ngày tham gia lao động sản xuất, buổi tối tham gia hoạt động, hội họp của Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, rồi đến từng nhà vận động thanh niên tòng quân.

Cho đến giờ, mỗi khi có dịp, bà cùng bà Phạm Thị Tý, Phạm Thị Cam (cùng xóm) đến thăm nhau, chuyện vận động chị em cùng làm bèo hoa dâu, cùng đi học cấy chăng dây thẳng hàng, học cày, bừa, tham gia hội thi cấy giỏi… vẫn cứ rộn ràng. Giọng bà Dung hồ hởi:

- Nặng nhọc và khó nhất, nhưng cũng vui nhất là khi chúng tôi học cày. Lúc đầu, tôi nghĩ mình không thể nào “điều khiển” được con trâu đi theo ý mình… Khi tập cày, thỉnh thoảng con trâu đứng ì ra như thách thức. Vừa mệt vừa bực, lúc đó ông Phạm Văn Vưu (là tổ trưởng, người trực tiếp hướng dẫn chúng tôi cày, bừa) đứng trên bờ ruộng, hét ầm lên: “Dùng thừng đánh vào má trâu ấy!”. Vậy là tôi cầm chiếc thừng đánh vào má trâu, miệng hô “vắt…vắt”. Thế mà con trâu mộng ngoan ngoãn đi thật!


Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam và cán bộ phụ nữ tỉnh NamĐịnh trò chuyện với bà Nguyễn Thị Dung (ngồi giữa).

Thêm bốn, năm buổi trưa miệt mài tập, con trâu và đường cày được các bà điều khiển “ngon lành”, ngay hàng, thẳng lối chẳng kém cánh mày râu. Thế rồi, bà và hai phụ nữ nữa lại trở thành “thầy” hướng dẫn các chị em khác trong xã cách điều khiển để con trâu nghe lời, đặt mũi cày như thế nào cho vừa đỡ tốn sức trâu, lại vừa lật được những luống cày thẳng hàng tăm tắp… Các bà học cấy chăng dây thẳng hàng, cùng chị em trong đội kỹ thuật của hợp tác xã tổ chức đi thu gom bèo hoa dâu ở các thùng vũng, ao hồ đem về thả nhân giống và chăm sóc để bón ruộng, nâng cao năng suất lúa.

Lao động vất vả, ăn uống kham khổ, có mặt trong mọi phong trào hoạt động của xã, song hồi ấy chẳng ai bận tâm, mà chỉ có nhiệt huyết được cống hiến. Năm 1966, bà được lãnh đạo huyện cử tham gia lớp học ở Trường đoàn tỉnh Nam Hà. Kết thúc khóa học, bà về địa phương đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Bí thư đoàn xã Xuân Tiên (nay là xã Xuân Hồng) kiêm ủy viên Mặt trận Tổ quốc, tham gia Ban Chấp hành phụ nữ xã, tổ trưởng tổ bèo hoa dâu xóm 2, Phú Yên (xã Xuân Tiên), rồi Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp, phụ trách cây trồng. Năm 1969, bà được điều chuyển lên công tác tại Hội LHPN tỉnh Nam Định, được giao nhiệm vụ vận động phụ nữ công giáo toàn tỉnh, là phó ban công giáo, chuyên viên ban tổ chức, ban tuyên giáo, nhiều năm được khen thưởng, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3. Bà nghỉ hưu năm 1998.

Giờ đây, mỗi khi có dịp ôn lại chuyện xưa, kỷ niệm về một thời tuổi trẻ sôi nổi, hừng hực khí thế của phong trào "Ba đảm đang" lại như những thước phim tái hiện trong bà đầy sống động, tự hào. Kỷ niệm về người chồng, về khoảng thời gian ngắn ngủi hai người bên nhau, mãi là những ký ức ngọt ngào và hạnh phúc nhất của cuộc đời bà!

Nguồn: Kim Anh- http://www.qdnd.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video