Một số điểm mới trong Luật Quản lý thuế năm 2019

30/09/2020
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có XVII Chương, 152 Điều; thay thế Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2012, có một số điểm mới cần lưu ý.
nguồn ảnh: https://www.binhduong.gov.vn/

1. Về cơ quan quản lý thuế (Khoản 2 Điều 2), bổ sung thêm Chi cục Thuế khu vực do hiện nay đã và đang tiến hành việc sáp nhập một số Chi cục Thuế thành các Chi cục Thuế khu vực.

2. Về nội dung quản lý thuế (Điều 4), bổ sung thêm các nội dung sau: Quản lý hóa đơn, chứng từ; hợp tác quốc tế về thuế; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

3. Mở rộng trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về thuế (Điều 12), bổ sung thêm trách nhiệm “Thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” bao gồm:đề nghị cơ quan quản lý thuế nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ thu thuế tại nước ngoài đối với các khoản nợ thuế tại Việt Nam mà người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp khi người nộp thuế không còn ở Việt Nam; thực hiện hỗ trợ thu thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế nước ngoài đối với các khoản nợ thuế phải nộp tại nước ngoài của người nộp thuế tại Việt Nam bằng biện pháp đôn đốc thu nợ thuế.

4. Quyền của Người nộp thuế được bổ sung thêm một số nội dung (Điều 16): được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn; được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế; không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

5. Về thời hạn đăng ký thuế (Điều 30): Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

6. Về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế (Điều 34): Thời  hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế. Trường hợp bị mất, rách, nát, cháy thì cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

7. Kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân  (điểm b Khoản 2 Điều 44): Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.

8. Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử được quy định tại Chương X Luật Quản lý thuế năm 2019. Trước đây, các quy định về hóa đơn điện tử được quy định tại các văn bản dưới luật, điển hình là Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018. Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, còn riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022.

Ban CCLP TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video