Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính

09/06/2022
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (sau đây gọi là Luật số 67/2020/QH14).

Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC - Luật số: 15/2012/QH13) hiện hành, với những nội dung cơ bản sau đây:

1. Những quy định chung

Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC, cụ thể:

+  Sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC về giải thích từ ngữ “tái phạm”, theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

+ Sửa đổi, bổ sung Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

+ Bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC quy định thời điểm để tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cá nhân bị đề nghị cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

+ Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật XLVPHC do trong quá trình thi hành phát sinh trong thực tiễn như: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Về xử phạt vi phạm hành chính

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 Luật XLVPHC; chỉnh sửa tên gọi một số lĩnh vực cho phù hợp với các Luật hiện hành ban hành sau Luật XLVPHC, cụ thể:

- Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như: Giao thông đường bộ: từ 40 triệu lên 75 triệu; Phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu lên 75 triệu; Cơ yếu: từ 50 triệu lên 75 triệu; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia: từ 50 triệu lên 75 triệu; Giáo dục: từ 50 triệu lên 75 triệu; Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu; Thủy lợi: từ 100 triệu lên 250 triệu; Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu; Kinh doanh bất động sản: từ 150 triệu lên 500 triệu.

Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, So với Luật XLVPHC, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục xử phạt để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật XLVPHC thời gian qua, cụ thể Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kể trên, cụ thể là:

- Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ.

Về việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung về vấn đề này như sau:

+ Luật số 67/2020/QH14 quy định rõ hơn trường hợp không ra quyết xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định thì không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính rõ ràng hơn khi áp dụng pháp luật tại Điều 65 Luật XLVPHC.

+ Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ (khoản 37, 38 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14).

+ Tại Điều 88 Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Về đối tượng, điều kiện và thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các Điều 90, 92, 94 và 96 Luật XLVPHC để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với BLHS; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính... bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi,

Về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc; sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 của Luật hiện hành liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo hướng:

(i) Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập.

(ii) Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thay vào đó, Luật quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ. Bởi vì, thực tế cho thấy quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập không thật sự cần thiết, làm kéo dài thời gian xem xét, áp dụng.

4. Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các điều khoản về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính và tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cụ thể:

+ Bổ sung khoản 1 Điều 122 Luật XLVPHC một số trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy bên cạnh các trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác và cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

+ Bổ sung vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC quy định cụ thể: thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

+ Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC theo hướng: (i) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; (ii) Bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ.

5. Về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Một trong những điểm mới của Luật số 67/2020/QH14 so với Luật XLVPHC là việc bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 140a) nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Theo đó, giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục. Căn cứ vào quy định này, Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

Ngoài ra, Luật số 67/2020/QH14 đã bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video