Một phụ nữ ven đô đi lên từ nghề trồng rau sạch

12/08/2008
Bất kể trời mưa hay nắng, giá rét hay nóng nực vẫn có một phụ nữ hàng ngày cần mẫn nhổ từng cây cải, xếp thành từng bó để kịp ngày mai mang ra chợ phục vụ bà con. Đó là chị Hồ Thị Thảo, quen gọi là “Thảo rau”,ở Khu phố 8, phường Đông Thanh – Đông Hà, Quảng Trị.

Đặt bó rau lên luống, chị đón tôi với nụ cười cởi mở, rửa tay mời tôi vào nhà uống nước rồi hỏi giọng ấm áp: “Ai giới thiệu mà em biết nhà chị? Em đến đặt hàng hả?...” Ngồi một lúc tôi hỏi thăm nghề trồng rau của chị. Chị mang mấy bản hợp đồng mua rau ra cho tôi xem, rồi tâm sự về những tháng ngày bươn chải với nghề trồng rau. Năm 1982, lập gia đình với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị được ông bà nội ngoại làm cho một ngôi nhà tranh. Tuy đã làm rất nhiều việc như chăn nuôi lợn, gà, vịt, gánh khoai sắn về chợ, gia đình chị vẫn cứ khó khăn, chật vật. Mỗi sáng đi chợ thấy chị em tấp nập chở rau, dưa từ các nơi về, nhất là ở vùng Đông Giang. Chị nghĩ: “Mình làm một nghề không chín, chín nghề không nên. Làm gì cũng phải có chuyên mới được”.


Chị bỏ công học cách trồng rau ở Đông Giang rồi về nhà tự làm. Lúc đầu có những luống rau mọc ít và rất xấu, nhưng chị vẫn không nản lòng tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rất cẩn thận, kỹ càng từ khâu làm đất, bón phân đến gieo hạt, chăm sóc. Vùng rau của chị mỗi ngày một xanh tốt và cho thu hoạch khá. Chị chuyển các loại cây trong vườn cho năng suất thấp sang trồng rau và trồng thêm một sào rau trên vùng đất ruộng khô ở xa nhà.


Nhận thấy mô hình trồng rau của chị Thảo có hiệu quả, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh và thị xã đã hỗ trợ một nhà lưới và dàn phun, tập huấn kĩ thuật trồng rau, sản xuất theo định hướng rau an toàn. Mô hình sản xuất rau của chị đạt đến trình độ tương đối cao: rau được trồng trong nhà lưới (có mái che Plastic). Nhờ đó, chắn bớt một phần côn trùng gây hại, hạn chế vi khuẩn gây hại sống trong đất, cây được cung cấp đầy đủ nguyên tố đa vi lượng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển nên đã cho năng suất cao.


Từ gần hai sào đất tưởng chừng không có khả năng để canh tác, chị đã tạo ra được những sản phẩm có chất lượng an toàn và hiệu quả cao. Sự cần cù, chịu khó của chị đã mang lại kết quả là những luống xà lách, cải, ngò mơn mởn, những trái dưa leo xanh tươi treo lơ lửng…Trước đây canh tác hai vụ, đến nay lên 4-11 vụ, mỗi ngày chị thu nhập trên 200.000 đồng. Rau của chị được mang đi tiêu thụ ở chợ Đông Hà. Một số nơi như các trường mầm non, trường tiểu học Hùng Vương, trường tiểu học Nguyễn Tất Thành biết tiếng đã đặt mua rau của chị… Nhờ đó, gia đình chị Thảo từ nghèo đã vươn lên khá. Chị có điều kiện sắm sửa đồ dùng trong gia đình và lo cho các con học hành.

 

Mô hình trồng rau sạch của chị Thảo đã và đang được nhân rộng. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và thị xã tiếp tục đầu tư cho 18 hộ trên địa bàn để trồng rau sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đến nay, Đông Thanh có trên 30 hộ trồng rau sạch. Với nghề trồng rau sạch của chị Thảo và các hộ nói trên, hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho cây màu ở các phường ven đô trong việc phát triển mô hình sản xuất rau an toàn, thực hiện phương châm cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn chất lượng đến người tiêu dùng.

Phương Thiện- Hội LHPN Quảng Trị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video