Một ngày theo chân nữ nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Nguyễn Thanh Hiếu

08/10/2018
Trước tiên, chị đi phát một số bưu phẩm, hàng COD, đến 13h30, khi các cơ quan trên địa bàn bắt đầu làm việc thì chị quay sang đi phát công văn, giấy tờ, thư báo.

12h trưa, khi mặt trời vừa đứng bóng cũng là lúc chuyến xe thư từ huyện lên, chị Nguyễn Thanh Hiếu, nhân viên Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn sau bữa cơm trưa nhanh gọn vội bắt tay vào công việc. Vừa thoăn thoắt phân loại thư báo, công văn giấy tờ, bưu phẩm, chị kể: Ngày trước, khi bưu gửi chưa nhiều thì hơn 13h chị mới bắt đầu đi phát nhưng hiện nay, khi lượng hàng hóa đã tăng lên nhiều lần, sau khai thác xong, 12h30 là chị lên đường. Trước tiên, chị đi phát một số bưu phẩm, hàng COD, đến 13h30, khi các cơ quan trên địa bàn bắt đầu làm việc thì chị quay sang đi phát công văn, giấy tờ, thư báo.

Hôm nay cũng là ngày chị Hiếu đi chi trả tiền bảo trợ xã hội. Lãng Ngâm gồm 13 thôn bản thì có 5 thôn vùng cao, đường sá đi lại khá khó khăn, chủ yếu là đường đồi đá lởm chởm. Trong 99 cá nhân được nhận tiền bảo trợ xã hội thì có 40 người dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Nùng…, ngôn ngữ bất đồng và trình độ học vấn không đồng đều nên chị phải lặn lội đến tận nhà. “Nhiều lần lên đây gặp các bác không biết chữ nên không biết ký, hướng dẫn điểm chỉ thì không dám làm. Những trường hợp đó, tôi phải nhờ trưởng thôn đi cùng để cùng hướng dẫn và dịch cho bà con hiểu. Vào những ngày mưa, nhiều đoạn đường bị sạt lở, chỉ đi xe máy được nửa quãng đường rồi phải đi bộ để phát. Có những gia đình hoàn cảnh quá nghèo, nhiều hôm lên đến nơi thì trời đã quá trưa hay tối muộn. Thấy tôi đi đường vất vả, họ mời ở lại ăn cơm nhưng đến lúc dọn ăn chỉ có một đĩa mèn mén. Tôi luôn nhớ để lần sau lên thì mua cho họ ít đồ ăn, quần áo mặc.”, chị Hiếu chia sẻ.

Sau những ngày hoàn thành chi trả lương hưu, tiền bảo trợ xã hội, người có công, công việc thường ngày của chị Hiếu khi đã phát xong công văn, giấy tờ, thư báo là đi thu gom hàng của khách hàng lớn. Đều đặn mỗi ngày, chị phải đi lấy hàng từ 3 khách hàng lớn về để đóng gói và gửi đi.

 20181003-l1.jpg

Cứ 12h30 là chị lên đường là chị Hiếu lên đường


Theo đó, cứ 14h chị lên đường đi thu gom rồi cứ 30 phút lại quay về nhập số liệu vào máy tính và phục vụ, kiểm tra công việc ở BĐVHX. Với hàng hoa phong lan, có những ngày hàng nhiều lên đến 10 kiện hoa, chị phải đi về 3 chuyến mới thu gom hết được. Rồi chị đóng gói tất cả hàng hóa để kịp gửi chuyến xe của tuyến đường thư cấp 2 về Bắc Kạn lúc 16h. Sau khi xong chuyến hàng đầu tiên này, chị tiếp tục đi thu gom máy thái đồ thô đến 17h30. Một chiếc máy cồng kềnh nặng 22 kg, ngày nhiều bù ngày ít trung bình mỗi ngày chị thu gom, đóng gói 7 máy, có những hôm cao điểm chị phải vật lộn với 20-30 máy, sau đó còn bọc gói và phát hành các bưu phẩm khác. “Tôi chỉ nghỉ ăn tối, hoàn tất công việc việc cá nhân trong khoảng hơn 1 tiếng trong lúc đợi chuyến xe của tuyến đường thư trung ương đến để chuyển hàng lên xe. 22h xe lăn bánh cũng là lúc tôi mới kết thúc một ngày làm việc”, chị Hiếu cho biết.

Sáng hôm sau, 7h30 chị mở cửa phục vụ đến 11h với các công việc cụ thể như kiểm tra lại đơn hàng của các khách hàng gửi, khai thác bưu phẩm, bưu kiện, EMS và tất cả các dịch vụ khác.

Chia sẻ về những ngày đầu mới đến làm tại BĐVHX Lãng Ngâm, chị Hiếu tâm sự rằng không nghĩ có ngày mình được khoác trên người màu áo người Bưu điện bởi trước đó, chị là cán bộ của một dự án khuyến nông ở thị trấn Yên Lạc, huyện Na Rì. Năm 2005, chị kết hôn sống cùng gia đình chồng ở Lãng Ngâm nhưng vẫn đi làm xa nhà. Hai năm sau, chị mới chuyển hẳn về sinh sống cùng chồng rồi xin làm cô nuôi dạy trẻ. Mãi đến năm 2012, biết BĐVHX Lãng Ngâm còn thiếu người, chị mạnh dạn nộp hồ sơ, trúng tuyển rồi gắn bó từ ngày đó đến bây giờ.

Ban đầu, chị làm quen với công việc bưu tá trong vòng 2 tháng, sau đó kết hợp cả làm bưu tá và giao dịch viên. BĐVHX Lãng Ngâm lúc đầu là bưu cục, đến năm 2010 chuyển thành BĐVHX và trở thành BĐVHX đa dịch vụ khoảng những năm 2014-2015. Bảng công việc của chị Hiếu theo đó cũng dày thêm. Giờ đây, BĐVHX Lãng Ngâm cung cấp đầy đủ các dịch vụ của Bưu điện như thu gom chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh, phát hành báo chí, thực hiện các dịch vụ hành chính công như nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công, cấp đổi giấy phép lái xe, thu hộ, chi hộ, huy động tiền gửi tiết kiệm Bưu điện, cho vay, chi trả lương hưu, tiền bảo trợ xã hội, người có công, cung cấp hảo hiểm ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng… nên công việc của chị Hiếu cũng bận rộn hơn rất nhiều.

Ngày ngày vất vả là vậy nhưng với tình yêu công việc, chị luôn cố gắng hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Chỉ riêng mảng bưu chính chuyển phát, chỉ tiêu hàng tháng mà BĐVHX Lãng Ngâm được giao là hơn 36 triệu/tháng nhưng bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 60 triệu/tháng. So với thu nhập khoảng 2-3 triệu/tháng thời gian đầu mới đi làm thì đến nay, thu nhập của chị Hiếu tăng lên đến 9-11 triệu/tháng. Suốt những năm từ 2013 đến giờ, năm nào chị cũng được bưu điện huyện và tỉnh khen thưởng vì có thành tích tốt.

Một kỷ niệm mà chị Nguyễn Thanh Hiếu ấn tượng và nhớ mãi trong 6 năm công tác tại BĐVHX Lãng Ngâm đó là vào một buổi cùng lãnh đạo địa phương đi tuyên truyền cho bà con về pháp luật nhà nước cũng như cách thực hiện thủ tục hành chính công qua bưu điện tại thôn Nà Lạn, chị được biết về câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên. Gia đình anh Kiên có nguyện vọng xin nhận nuôi một bé gái nhưng cả hai vợ chồng đều không biết chữ cũng không thông thạo đường đến trung tâm xã, vì vậy không thể làm lý lịch tư pháp. Khi biết chuyện, chị Hiếu đã đến tận nhà hướng dẫn anh chị dịch vụ làm thủ tục hành chính công qua bưu điện. Không mất công đi lại, còn được trả  kết quả tại nhà, vợ chồng anh Kiên rất vui mừng vì đã hoàn thành thủ tục xin con nuôi.

Góp một phần công sức nhỏ bé giúp người dân thuận tiện hơn trong giải quyết một số thủ tục hành chính cũng như sử dụng dịch vụ là tâm nguyện mỗi ngày của chị Nguyễn Thanh Hiếu. Điều đó cũng giúp chị ngày càng khẳng định một điều vững chắc rằng, lựa chọn gắn bó với ngành Bưu điện là hoàn toàn đúng đắn.

mic.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video