Món ngon ở Hội An

23/11/2004
Nói chuyện với các cụ cao niên ở Hội An, chúng tôi được biết từ lâu lắm rồi, khi đời sống của người dân Hội An còn nghèo đã có câu ca dao: Hội An bán gánh, bán lều, Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành...xuất hiện. Sau này, khi Hội An ngày một khá giả, vùng lân cận cũng “thơm lây” bởi người dân những vùng này cung cấp cho Hội An những món ăn địa phương có sẵn hay học được của người Hoa cư ngụ tại đây. Làng Phú Chiêm bao gồm Kim Bồng thời trước, có rất nhiều món ăn như đậu hũ, bánh tráng gạo, mỳ...

Mỗi khi nhắc tới địa danh Kim Bồng, người ta không chỉ biết đến món cải mà còn biết đến số đông những người làm nghề nề, mộc, thợ chạm trổ, thợ xây dựng nổi tiếng trong vùng. Đối diện Phú Chiêm, qua một vùng hồ, ao bát ngát, Thanh Hà xưa là nơi có nhiều lò gạch bề thế cung cấp vật liệu và nhân công để xây dựng Hội An, sau đó xây dựng thành phố Đà Nẵng, Huế... Nhờ buôn bán phát đạt, câu ca dao trên cũng được sửa đổi, đáp ứng bước tiến phồn thịnh của đô thị nay là: Hội An bán gấm, bán điều. Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành.

 

Một thời gian dài, Hội An tự hình thành, phát triển và có nhiều món ăn khác nhau. Như một đặc ân của trời cho, cá, mực, tôm, cua của Hội An rất ngon. Người Đà Nẵng tới chơi nhà nhau, khi thấy mùi cá kho, hoặc cua hấp đều hỏi: Anh (chị) mới từ Hội An ra à ? Mùi cá kho, mùi cua hấp này ở Đà Nẵng làm gì có? Còn món cua gạch xuất hiện trong những đêm không trăng đã thu hút được những người sành ăn đến thưởng thức và đến nay những món ăn đó vẫn còn tồn tại.

 

Khách ít tiền đến Hội An đều nhớ món Cao lầu mà người dân Quảng Nam nào cũng xem như món đặc biệt của Hội An. Cao Lầu khác mỳ vì không phải tráng bằng bột gạo mà cán bằng bột gạo ngâm nước tro, qua ba lần lửa (tro xưa kia lấy từ củi gỗ Cù Lao Chàm) nên mình bánh cứng và có màu sắc vàng nhạt tự nhiên. Trên những sợi Cao lầu, chỉ là ít xá xíu, trộn ít tóp mỡ, ăn với rau sống và giá. Nhưng nếu ai sành ăn mới biết cái hương vị riêng biệt của món ăn này. Người dân Hội An vẫn nói với nhau rằng chỉ có một số giếng nước Hội An mới có thể ngào bột tạo ra sợi Cao lầu. ở thị trấn cổ này, hiện chỉ còn ít nhà làm được sợi Cao lầu và họ vẫn giữ được bí truyền, dù chất lượng không được kỹ bằng ngày trước. Một món ăn cũng khá quen thuộc đó là mỳ Phú Chiêm nay được mang tên mới là “Mì Quảng”.

 

Loại mỳ này làm bằng bánh tráng xắt thành sợi. Mỳ Phú Chiêm sở dĩ ngon vì xưa kia dùng rau sống Trà Quế nổi tiếng, nước chan mỳ được nấu bằng xương và chính nhờ thịt heo, tôm, cua rất ngon của vùng Hội An để làm. Ngoài “Mỳ Quảng” ra, đi qua Cẩm Nam chúng ta còn được thưởng thức “bánh tráng đập dập”. Nhiều người dân ở đây cho biết, “bánh tráng đập dập” chẳng có gì là lạ hoặc ngon lắm. Chỉ là loại bánh tráng mỏng nướng và bánh tráng ướt đập đập vào nhau. Người ta thích vì nó là món ăn cổ truyền, rẻ, thêm cái hương vị nước chấm là mắm nêm (mắm cái) được pha chế riêng với bên trên là lớp hành phi vàng óng; không có thịt, rau, chỉ có mắm và ớt vậy mà vẫn quyến rũ được khách hàng. Vào thời điểm một giờ sáng, khách đi tới chân cầu Cẩm Nam sẽ gặp chợ âm phủ. Chợ họp trong ánh sáng mờ với những gánh rau, dưa. Hến là món ăn quen thuộc, rẻ tiền mà phần lớn dân Hội An và những người dân lân cận ưa chuộng. Người nội trợ hai bên phố mua hến bằng những cái xoong, nồi...để ăn vào buổi trưa.

 

Tôi ở Hội An không lâu, một số món ăn đặc sản của Hội An đã được nếm thử. Mong Hội An lưu giữ được những món ăn truyền thống đó để du khách thập phương đến vui chơi và thưởng thức. Những món ăn đặc sản đó góp phần để một đô thị cổ Hội An thật sự xứng đáng là di sản văn hóa đã được thế giới công nhận.

Theo báo Hànộimới

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video