Mô hình thu gom, xử lý rác thải của phụ nữ Thái Bình đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới

26/08/2020
Với quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, phụ nữ Thái Bình đã có những đóng góp ý nghĩa, hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, việc làm, mô hình thiết thực, đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Mô hình Phân loại rác thải tại gia đình của Hội LHPN xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy

- Mô hình Phân loại rác thải tại gia đình và Cánh đồng sạch của Hội LHPN xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy

Xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy có 4.815 khẩu, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày không nhỏ. Nhằm hạn chế lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, Hội LHPN xã Thụy Chính đã triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại gia đình”. Lúc đầu làm điểm tại thôn Miếu, chị em được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt hữu cơ và vô cơ; đồng thời mỗi thành viên tham gia mô hình được hỗ trợ 02 xô đựng rác thải có nắp đậy (01 đựng vô cơ, 01 đựng hữu cơ). Rác hữu cơ, cuối ngày sẽ được chuyển ra hố chôn ngoài vườn, sử dụng chế phẩm sinh học để ủ, khi hốc rác đầy, sẽ trồng cây. Rác vô cơ được phân loại và thu gom đúng quy định. Từ mô hình điểm của thôn Miếu, đến nay mô hình đã được triển khai ra toàn xã, góp phần chấm dứt tình trạng xả rác thải ra môi trường, giữ gìn đường làng ngõ xóm sạch, đẹp.

Bên cạnh mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, Hội LHPN xã Thụy Chính còn có mô hình “Cánh đồng sạch” cũng đã mang lại hiệu quả rõ nét. Để triển khai mô hình này, Hội LHPN xã đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp 12,5 triệu đồng xây dựng 52 bể chứa bao bì, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các cánh đồng; đồng thời tuyên truyền chị em và bà con tự giác bỏ rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào thùng để bộ phận chức năng thu gom và xử lý đúng quy định, bảo vệ môi trường nước, không khí trên địa bàn.

Để làm đẹp làng quê nông thôn mới, phụ nữ Thụy Chính đã hưởng ứng trồng và chăm sóc 6 con đường hoa với tổng chiều dài 5,5 km rực rỡ sắc màu.

Những việc làm thiết thực đó của Hội LHPN xã Thụy Chính đã tác động sâu sắc tới nhận thức, nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của người dân nơi đây trong việc chung tay hành động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ Hội, bảo vệ môi trường” của Hội LHPN xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư

Trước thực tế lượng rác thải sinh hoạt tại địa phương ngày càng lớn, trong khi xã Duy Nhất chưa có nhà máy xử lý rác thải, việc xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp thủ công do các gia đình tự thực hiện; nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương và “Biến rác thải thành tài nguyên”, “Biến rác thành tiền”, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã bàn bạc, thống nhất triển khai mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ Hội, bảo vệ môi trường”. Mô hình nhận được sự đồng thuận của hội viên, phụ nữ toàn xã.

Hội viên phụ nữ xã Duy Nhất tập kết rác thải có thể tái chế để bán lấy tiền gây quỹ Hội

Sau khi thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình, rác thải hữu cơ được tận dụng đem ủ để làm phân bón cho cây trồng, rác thải vô cơ được các gia đình thu gom sau đó tập kết về khu xử lý tập trung để tiếp tục phân loại thành rác thải không thể tái chế và rác thải có thể tái chế được. Số rác có thể tái chế được bán theo định kỳ hằng tháng, số tiền bán được nhập quỹ Hội.  Kết quả, từ tháng 1 năm 2018 đến hến tháng 7/2020, đã thu gom bán được trên 5,6 tấn phế liệu các loại, thu được 19,1 triệu đồng. Từ nguồn tiền này sử dụng để hỗ trợ sửa chữa 2 nhà cho phụ nữ nghèo trị giá 6 triệu đồng, tặng 3 triệu đồng cho 1 trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, tặng 150 con gà cho 10 phụ nữ nghèo trị giá 3,5 triệu đồng, tặng 50 suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo trị giá 5 triệu đồng, tặng 8 suất quà cho gia đình chính sách số tiền 1,6 triệu đồng. Nhìn thấy kết quả đáng trân trọng từ hành vi tưởng như rất nhỏ hàng ngày, chị em và nhân dân vô cùng phấn khởi, việc thu gom, đóng góp rác thải có thể tái chế để bán lấy tiền gây quỹ đã trở thành nề nếp và được mọi người tự giác thực hiện.

Bên cạnh đó, chị em còn  duy trì và nhân rộng mô hình “Bồn hoa, đường hoa phụ nữ” với 19 con đường hoa có chiều dài 9,2 km và 25 bồn hoa với diện tích 729m2, “Đoạn sông ngòi phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”… Đặc biệt, năm 2019, mô hình “Đường hoa phụ nữ” của Hội LHPN xã Duy Nhất đạt giải nhất Hội thi “Đường hoa nông thôn” do UBND huyện Vũ Thư tổ chức.

Các mô hình bảo vệ môi trường được Hội LHPN các cơ sở triển khai không chỉ xây dựng ý thức, thói quen bảo vệ môi trường trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình giữa các hội viên, chi hội, khu dân cư, khuyến khích tinh thần đùm bọc, yêu thương, san sẻ, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, nhân đạo, từ thiện tại địa phương.

Phạm Thị Xuân Huệ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video