Mô hình sản xuất nhang quế - Cơ hội thoát nghèo cho phụ nữ Trà Xuân

07/12/2004
Thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng cách trung tâm Quảng Ngãi 60 km về phía Tây. Dân số là 4.038 người, gồm 2 dân tộc Kinh và Cor cùng chung sống. Dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, các nghề phụ phát triển chậm. Nhiều người ở độ tuổi lao động thiếu việc làm, nhất là phụ nữ. Đời sống nhân dân khó khăn, dân trí còn nhiều hạn chế.

Trà Xuân cũng như nhiều xã khác của Trà Bồng vốn là cái nôi của cây quế. Trước đây, cây quế chỉlấy vỏ làm dược liệu, gỗ quế làm đồ mỹ nghệ còn lá quế chỉ làm rác đun. Sau đó, một số cơ sở sản xuất nhang ở các tỉnh lân cận đến đây mua lá quế về làm bột với giá thành lá quế phơi khô là 500đ/1kg. Đứng trước thực tế đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Hội phụ nữ huyện Trà Bồng xây dựng một mô hình sản xuất nhang quế tại Thị trấn Trà Xuân. Sở Công nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn ban đầu 36 triệu đồng.

 

Nghề làm hương vốn là bí quyết gia truyền nên khâu tìm thầy gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo tỉnh Hội phải đến một làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy chính quyền địa phương mới tìm được thầy truyền nghề. Trung tuần tháng 3/2004, Hội phụ nữ Trà Xuân đã chọn 50 hội viên cho học nghề. Chị em vừa được học nghề vừa được hỗ trợ 100.000đ/1chị/1tháng. Sau hơn 1 tháng, với tinh thần nỗ lực học hỏi, chị em đã cơ bản nắm được quy trình xay lá, trộn bột quế và quấn nhang. Đồng thời Hội phụ nữ Trà Xuân khẩn trương chuẩn bị nhà xưởng, máy nghiền lá, khay trộn bột, bàn quấn hương,.. Đầu tháng 5/2004, cơ sở bắt đầu đi vào hoạt động, trước mắt giải quyết việc làm cho 30 lao động nữ. Đến nay, cơ sở sản xuất đã đi vào ổn định, mức lương cao nhất là 400.000đ/tháng/1chị và thấp nhất là 240.000đ/ tháng/1chị. Trong khi đó ở Trà Xuân, bình quân thu nhập đầu người chỉ có 133.000 đ/tháng.

 

Khi đoàn công tác TW Hội đến thăm, chị Lê Thị Lệ Thu -Chủ tịch Hội phụ nữ Thị trấn Trà Xuân kiêm chủ nhiệm cơ sở sản xuất phấn khởi thông báo: "Cơ sở làm ăn có lãi, nhờ tích luỹ chúng tôi đã mua được một máy cắt lồ ô hơn 2 triệuđồng. Trước đây, cây lồ ô được mua từ Gia Lai về làm que nhang, chị em phải cắt lồ ô bằng cưa tay rất vất vả. Từ khi có máy, việc cắt lồ ô vừa nhanh lại không tốn sức. Hiện nay, huyện Trà Bồng đã có nhiều xã trồng rừng lô ô, cung cấp nguyên liệu cho cơ sở sản xuất.

 

Nhìn các chị hăng say làm việc, chị trẻ que, chị quấn bột nhang, phơi nhang, đóng gói thành phẩm nhanh thoăn thoắt, chúng tôi mừng cho các chị đã có việc làm ổn định, có thêm thu nhập cho gia đình. Chị Huân - một hội viên trong cơ sở tâm sự: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, chỉ trông vào mảnh ruộng và đi rừng. Từ khi vào đây làm, tôi đã có tiền cho con đi học, may quần áo cho chúng".

 

Vừa qua, đoàn công tác của Sở Công nghiệp đã đến kiểm tra cơ sở sản xuất. Ghi nhận hiệu quả từ mô hình, Sở Công nghiệp quyết định hỗ trợ cơ sở thêm 7 triệu đồng trang bị máy móc. Song cái khó lớn nhất hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm nhang quế Trà Xuân mới chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Để mở rộng mô hình, Ban chủ nhiệm xác định: Trước hết sẽ xây dựng số thành viên của cơ sở làm lực lượng nòng cốt để nhân ra diện rộng sản xuất nhang quế tại các gia đình, thôn - bản. Thứ hai là phải tăng cường công tác tiếp thị tìm đầu ra cho sản phẩm trên thị trường. Hội phụ nữ Trà Xuân đang tích cực xin đất xây xưởng, mua một máy sấy nguyên liệu, tuyển thêm chị em học nghề.

 

Cơ sở sản xuất nhang quế của Hội phụ nữ Thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng thực sự là một mô hình mới kết hợp giữa dạy nghề truyền thống và phát triển doanh nghiệp nhỏ gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế tại địa phương. Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhân rộng mô hình ra toàn huyện nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo cho hội viên phụ nữ.

 

 

Trần Thu Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video