Latinh hóa chữ viết cho đồng bào Raglai

03/02/2020
Nhận thấy những khó khăn của bà con người Raglai trong việc đọc và viết vì không có chữ viết riêng, bà Mẫu Thị Bích Phanh đã nghiên cứu cách phát âm, cách viết và cách đọc từ vựng tiếng Raglai bằng cách Latinh hóa.
Bà Phanh đang nghiên cứu tài liệu

Biên soạn từ tiếng Raglai sang mẫu tự Latinh

Đến thăm bà Mẫu Thị Bích Phanh tại nhà riêng ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi gặp hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn đang ngồi cặm cụi nghiên cứu, đối chiếu tài liệu biên soạn các câu giao tiếp phổ thông từ tiếng Raglai sang mẫu tự Latinh.

Bà Mẫu Thị Bích Phanh chia sẻ: “Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa riêng. Với dân tộc Raglai, để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa nếu chỉ bằng trí nhớ thì không ai có thể nhớ hết được. Từ đó, tôi suy nghĩ cần có một chữ viết riêng để lưu giữ những nét văn hóa. Tuy rằng mình không sáng tác ra chữ viết riêng cho dân tộc Raglai nhưng có thể Latinh hóa để có một ký hiệu cho ngôn ngữ, tiếng nói để việc bảo tồn văn hóa thuận lợi hơn”.

Nói về cơ duyên với công việc đang làm, bà Phanh nhớ lại: Năm 1969, tôi học lớp 10 tại Trường Học sinh miền Nam từ Hà Nội sơ tán lên tỉnh Thái Nguyên. Các anh chị của Đài Tiếng nói Việt Nam đến nhờ tôi dịch bài viết có độ dài một trang giấy A4 nói về tình cảm học sinh dân tộc thiểu số miền Nam học tập tại miền Bắc được Đảng, Bác Hồ quan tâm chăm lo rèn luyện, giáo dục.

Năm 1993, Ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mời tôi làm cộng tác viên biên dịch bản tin tiếng Việt sang tiếng Raglai để phát sóng phục vụ cho bà con đồng bào dân tộc Raglai.

Từ những lần tiếp cận với các chương trình dành riêng cho đồng bào Raglai, bà Phanh đam mê và quyết dành tâm huyết cho việc biên dịch, nghiên cứu, biên soạn tài liệu tiếng Raglai để giảng dạy cho cán bộ đang công tác ở các xã miền núi, vùng cao tỉnh Ninh Thuận.

Nội dung tài liệu được thiết kế theo nhóm chủ đề Đảng và Bác Hồ, gia đình, dòng tộc, làng xã, thiên nhiên, môi trường, văn hóa dân tộc, đất nước, con người, lao động - sản xuất, khoa học và giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành khóa học với thời lượng 450 tiết, học viên có thể nghe hiểu và trao đổi với đồng bào Raglai một số vấn đề phổ thông trong cuộc sống.

Bảo tồn văn hóa Raglai

“Vì người Raglai không có chữ viết hoặc nói đúng hơn là chưa có chữ viết riêng cho nên những di sản văn hóa vẫn tồn tại trong trí nhớ của các nghệ nhân là chính. Khi các nghệ nhân không còn thì tất cả di sản văn hóa của dân tộc đều trở thành cát bụi, không thể khôi phục được”, bà Phanh cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hải Liên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Ninh Thuận cho hay: “Ngay từ thời chống Mỹ cứu nước đã có nhiều nhân vật là cán bộ người Kinh, người Raglai nghiên cứu chữ viết Raglai bằng cách Latinh hóa nhưng rồi cũng dần đi vào quên lãng.

Hiện tại, chỉ có chị Phanh hay anh Chamalé Liếp là những con người có tâm huyết. Một số người khác đang công tác trong ngành Giáo dục cũng mong muốn có chữ viết Raglai bởi vì 1 dân tộc sống trong thời đại khoa học - công nghệ 4.0 mà lại không có chữ viết thì làm sao bộc lộ, giới thiệu cho được những khát vọng, những ý tưởng của mình qua văn hóa dân gian, những tác phẩm về văn học của người Raglai để cho các tộc người khác cũng như toàn thế giới biết những nét tinh hoa của một dân tộc là như thế nào mà ở trong đó văn hóa dân gian nó hàm chứa sức mạnh, những giá trị tinh hoa về tinh thần của một dân tộc. Không viết ra được thì không ai biết được cái gì cả. Người Raglai họ rất tha thiết có được chữ viết riêng của họ”.

Hy vọng, sự đóng góp của bà Phanh làm cho ngôn ngữ Raglai được bảo tồn và ngày càng phát triển, góp phần tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Với những đóng góp của mình, bà Mẫu Thị Bích Phanh (thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái) được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ trên lĩnh vực tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Raglai.

giaoducthoidai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video