Lào Cai: Nâng tầm cốm và khẩu rang Bắc Hà, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số

09/01/2022
Với ý tưởng phát triển nghề làm cốm truyền thống gắn với kinh doanh du lịch Bắc Hà, chị Lù Thị Tươi (sinh năm 1989), dân tộc Tày, thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cốm Bắc Hà. Việc phát triển nghề cốm còn nhằm tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số.
Chị Lù Thị Tươi, Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cốm, khẩu rang Bắc Hà

Cốm và khẩu rang là những sản phẩm đặc sản vùng cao Bắc Hà. Nếu như cốm được làm từ lúa nếp non thì khẩu rang cũng được làm từ lúa nếp non nhưng lúa già hơn cốm một chút.

Nếp Bắc Hà nổi tiếng với hạt to tròn, trắng trong. Cây lúa nếp có màu xanh tự nhiên và hương thơm rất đặc biệt. Vậy nên, cốm và khẩu rang cũng có hương vị đặc trưng của giống lúa này. Đây là sản phẩm được tạo ra từ bàn tay của người dân tộc Tày, thay vì gói cốm trong lá sen theo kiểu người Hà Nội, cốm Bắc Hà được gói bằng lá dong xanh, vừa giữ được độ ẩm của cốm lại lưu giữ được mùi thơm của lúa.

Đồng bào vùng cao thu hoạch lúa về làm cốm

Từ những lợi thế trên, chị Lù Thị Tươi quyết tâm tạo ra sản phẩm từ đặc sản quê hương, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, bảo tồn giống lúa, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, đầu năm 2020, chị Tươi đã định hướng và kinh doanh sản phẩm cốm và khẩu rang, để giới thiệu sản vật vùng cao Bắc Hà tới du khách bốn phương.

Công đoạn rang cốm

Chị Tươi chia sẻ, để làm ra đặc sản cốm Bắc Hà, gia đình chị đã lựa chọn những hạt lúa nếp đảm bảo về độ dẻo, thơm. Chọn những bông lúa đúng thời điểm để làm cốm dựa theo kinh nghiệm từ xa xưa truyền lại, sau đó tuốt hạt sạch sẽ, đem ngâm nước để loại bỏ những hạt lép, hạt hỏng. Khi rang cốm, lửa phải vừa đủ, không to mà cũng không nhỏ. Rang đều tay, không để hạt chín, hạt sượng và rang đến khi thấy mùi nếp dậy thì chín.

Cốm sau khi chín đều, để nguội sẽ chị Lù Thị Tươi đem xát qua một lần để loại bỏ phần vỏ trấu bên ngoài, ròi đem đi sàng sảy và giã bằng cối đá

Cốm sau khi chín đều, để nguội sẽ đem xát qua một lần để loại bỏ phần vỏ trấu bên ngoài, rồi sàng sảy để bỏ đi đầu mẩy, cánh thóc bao ngoài của hạt cốm. Sau đó giã bằng cối đá cho đến khi hạt cốm dẻo và bẹp thì ăn được. Sau khi giã xong, cốm sẽ được gói trong 2 lớp lá dong xanh để giữ ẩm và tạo mùi thơm nhẹ, bên ngoài buộc một sợi rơm nếp.

Đối với khẩu rang, chị Tươi cũng chọn những lúa nếp đảm bảo về độ dẻo, thơm. Chọn những bông lúa già hơn lúa làm cốm một chút, sau đó tuốt hạt sạch sẽ, đem ngâm nước để loại bỏ những hạt lép, hạt hỏng. Chuẩn bị chõ đồ cỡ lớn, đổ thóc vào và đồ đến khi hạt thóc chín đều rồi đem đi phơi dưới ánh nắng nhẹ và đảo đều trong 30 phút đến khi khô thì đem đi sát rồi về sàng sảy lại. Ngâm khẩu rang với nước ấm 30 độ C trong 5 phút, rồi mang đi đồ trong 10 phút là thành sản phẩm.

Để làm được cốm và khẩu rang đúng kiểu, có hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc thì cần có tay nghề cao và lâu năm. Đây cũng là một trong những bí quyết làm cốm và khẩu rang truyền đời của gia đình chị Tươi.

Để làm được cốm và khẩu rang đúng kiểu, có hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc thì cần có tay nghề cao

"Sản phẩm của chúng tôi nói không với đột biến gene, chất bảo quản, chất hóa học tạo ngọt, tạo màu, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay trong việc đòi hỏi sự an toàn của các loại thực phẩm. Sản phẩm hướng tới đáp ứng mọi lứa tuổi, đặc biệt là khách hàng ở các thành phố lớn. Chúng tôi tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của khách hàng tới sản phẩm", chị Tươi cho biết.

Nâng tầm sản phẩm cốm

Cốm và khẩu rang Bắc Hà ăn có vị rất khác biệt so với cốm ở vùng đồng bằng. Cốm ngon nhất khi ăn lúc mới làm xong hay khách hàng có thể chế biến thành chè hoặc xôi cốm và bánh cốm. Hiện nay, giá của sản phẩm cốm từ 100.000đ đến 150.000đ/kg tùy loại. Khẩu rang có giá từ 45.000đ đến 75.000đ/1 kg.

Chị Tươi cho biết, cốm Bắc Hà được gói bằng lá rong nên có hương vị riêng

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của gia đình chị Tươi cũng gặp không ít khó khăn bởi chưa có điều kiện đầu tư các thiết bị hiện đại cho việc sản xuất cốm, 90% công đoạn sản xuất bằng thủ công nên khi thành sản phẩm cung ứng ra thị trường mất rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, quy mô sản xuất của gia đình chị còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết với các siêu thị tại các thành phố lớn, các cửa hàng thực phẩm an toàn. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng đến những tỉnh phía Nam nên khiến chị mất đi một lượng khách hàng lớn.

Mặc dù vậy, chị cũng vui mừng cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rõ nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm của người dân ngày càng cao, điều này phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở sản xuất. "Nếu hoạt động có hiệu quả, chúng tôi sẽ thu hút và hợp tác được với các siêu thị thực phẩm sạch và cửa hàng đặc sản vùng miền. Thông điệp chúng tôi muốn gửi tới khách hàng qua mỗi sản phẩm chính là "Cốm Na Lo, Bắc Hà – Đậm đà hương vị Tây Bắc". Cốm Bắc Hà ăn có vị rất khác biệt so với nếp ở vùng đồng bằng nước ta

Trong thời gian tới, chị Lù Thị Tươi sẽ tiếp cận các thị trường tiềm năng như quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội: facebook, tiktok, zalo, các sàn thương mại điện tử và trưng bày sản phẩm tại các hội chợ nhằm bán va giới thiệu đến khách tham quan. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối nhằm mở rộng thị trường.

Với việc phát triển đặc sản cốm và khẩu rang, chị Lù Thị Tươi đã tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng. Đồng thời giúp cho người dân trong thôn thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa, vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân tại địa phương, hạn chế tình trạng người dân đi lao động thuê xa nhà.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video