Lao động nữ làng biển

29/08/2013
“Người ta vẫn thường nói, đằng sau thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ. Nhưng ở vùng biển như làng cá Phước Tỉnh này thì phụ nữ hổng chịu đứng sau đâu, mà đứng cạnh, kề vai sát cánh cùng chồng, con trai để tạo dựng cơ nghiệp”

ông Nguyễn Thành Điền, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) nói về công sức, vị trí của phụ nữ các gia đình truyền thống làm nghề biển bằng một cách nói ví von thú vị. Và điều đó cũng được nhiều ngư dân vùng biển công nhận như một niềm tin yêu, hãnh diện.

Vị trí không thể thay thế

Cảng cá Phước Tỉnh nằm dọc theo mé sông Cửa Lấp. Lượng tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào cảng này được coi là lớn nhất trong số các cảng cá của tỉnh. Trong đó chỉ riêng số tàu thuyền của xã đã lên tới 1.231 chiếc. Ông Nguyễn Văn Hoa, cán bộ phụ trách Ban Hải sản xã cho hay, để một chiếc tàu ra khơi, thì ngoài tài công, bạn ghe sẽ đi trên chuyến hành trình biển 30-40 ngày, còn có một lực lượng lớn lao động làm dịch vụ trên bờ. Chủ yếu là nữ - vợ, con của các chủ ghe, bạn ghe phụ đưa thực phẩm, thuốc men xuống tàu; bán hàng ăn dọc cảng, bán ngư lưới cụ… Khi tàu về cảng, khá nhiều lao động nữ tham gia công đoạn tổ chức bốc hải sản lên bờ, phân loại cá, tôm, mực, cua ghẹ, cân kéo, ngả giá, bán hàng…  “Đàn ông làm nghề biển ở xứ Phước Tỉnh này giỏi tính luồng nước để đánh được nhiều cá, mực. Còn cái khoản mua bán hải sản, sổ sách thu chi hàng họ thì hầu như các chị làm hết. Rồi việc tích góp đồng lớn, đồng nhỏ để sửa chữa, đóng mới tàu, mua ngư lưới cụ, cho con cái ăn học đều do các chị ở nhà tính toán. Nên nói là vị trí của các chị ở làng biển không thể thay thế là cũng không ngoa đâu” – ông Điền giải thích thêm.

Ở các làng nghề biển, một lực lượng lớn chị em rất giỏi nghề đan, vá lưới. Các chị khéo sắp xếp, vừa cơm nước chợ búa cho cả gia đình, vừa nhận lưới về vá, hoặc đan mới, thu nhập vào khoảng 120.000 – 160.000 đồng/ngày. Gặp bà Lê Mỹ Lộc, một thợ se lưới giỏi, ngụ tại C14, Bạch Đằng (TP.Vũng Tàu) tại một tiệm buôn ngư lưới cụ, bà Lộc cho hay: “Năm nay tui 58 tuổi, 40 năm làm nghề đan lưới. Tui bắt đầu từ việc vá lưới, kết chì thuê ăn công. Nay thì tự mua lưới, cước, chì về se và đan mành theo chủ đặt hàng”. Đang chọn lưới, nhưng bà Lộc liên tục nhận điện thoại. Bà giải thích: “Chủ ghe đòi giao hàng sớm cho kịp chuyến biển. Có hôm tui làm từ sáng sớm tới 2 giờ khuya cho xong hẳn một tay lưới mới nghỉ. Cực cũng được, miễn có tiền xoay xở cuộc sống, con cái đỡ phải lo cho mình là mừng”. Với thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng, bà Lộc tiêu dùng tiện tặn, phụ tiền nuôi cháu ngoại đang theo học đại học ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Văn Ru, Phó Chủ tịch UBND phường 6 (TP. Vũng Tàu) cho biết, hiện phường có 184 ghe tàu, sử dụng 1.521 lao động làm trên ghe tàu và gần 1.000 người, trong đó đa số là nữ - làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Các chị làm đủ việc từ tổ chức nậu vựa mua bán hải sản, sơ chế, phơi khô bỏ sỉ, rồi đưa ra bán lẻ ở các chợ, mở hiệu bán tại nhà, tạo thành một dây chuyền khép kín về đánh bắt, chế biến, mua bán hải sản khô, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, nhiều nhà làm ăn khấm khá như hộ ông Cao Văn Rớt, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Tra, thì hầu hết đều công nhận là việc “tích tiểu thành đa” đều nhờ vào sự tính toán của “các phu nhân”.

Vất vả nhưng ai cũng ham

3 giờ sáng, cảng cá Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đã nhộn nhịp tiếng nói cười của chị em chuẩn bị đón tàu cá về bờ. Khu vực biển Long Hải có rất nhiều loại tàu chuyên đánh cá bằng lưới vây. Ngư trường đánh bắt chỉ cách bờ trên 100 hải lý, khoảng từ 5-6 giờ tàu chạy. Hải sản đánh bắt chủ yếu là cá mú, hồng, ngừ, bạc má, chim, bò, trích, lưỡi trâu. Một số ghe đánh bắt các loại tôm guốc, thẻ, bạc, tôm tít. Nhiều ghe chuyên câu mực nang, mực ống. Trời mùa nóng gió mát rười rượi nhưng chị nào cũng đội nón lá, áo khoác tay dài, khẩu trang che mặt kín mít, mang ủng cao đến nửa bắp chân. Các chị làm việc xông xáo không thua kém gì đàn ông. Ghe về tới, các chị lội luôn xuống nước phụ khiêng từng giỏ cần xé nặng trịch đầy vị tanh của hải sản và chảy ròng ròng nước biển. Lưng khom xuống, hai tay nhấc từng giỏ cá vụn từ xe kéo đưa về một góc, chị Hà nhà ở ấp Phước Bình vui vẻ kể, chị phụ với cô em chồng thu mua cá vụn về bán cho các cơ sở chế biến bột cá. Lời lãi cô em tính, chị chỉ nhận hàng, cân, ghi sổ, chuyển hàng cho vựa. Tranh thủ mua vài con cá tươi, ký mực về làm cơm trưa, chị Hà cho biết: “Ngày nào cũng làm vầy riết rồi quen, không làm mới mệt. Tới 9 giờ giao hàng xong là về nhà nấu ăn, lo cho sắp nhỏ đi học. Chiều có mối gọi thì chị em lại gom nhau đi vá lưới, kiếm thêm cũng được 60 ngàn đồng/buổi”. Chị Mai, nhà ở ấp Phước Tân thì chỉ đi các ghe mua ghẹ tuyển (4 con/kg) còn tươi rói về bỏ mối cho nhà hàng hải sản. Vừa chuyện trò chị vừa chạy như bay xuống biển với 2 giỏ nhựa màu đỏ đựng đầy ghẹ, nhúng nước biển một lần nữa rồi đưa ra xe. Vừa đạp nổ chiếc xe máy cà tàng, chị Mai vừa nói với lại: “Ghẹ bữa nay ít, nhưng chắc được giá. Chục ký lời được 200 ngàn, cũng khá rồi”.

Khác với sự nhanh nhẩu của những chị mua bán hải sản ở các cảng biển, chị Út Hiền, nhà ở 301/2/7/4, Trần Phú (TP.Vũng Tàu) tương đối e dè, ít nói. Ngồi xổm trên gót chân, tựa đầu gối vào thùng xốp gá sát vào thân dưới một chiếc tàu đang đóng dỡ, chị Hiền dùng gỗ dăm xảm kín những khe hở giữa các tấm ván ghép thành thân tàu. Chị Hiền còn làm thuần thục khá nhiều việc: bào gỗ, ghép ván, đục lỗ, xảm. Thu nhập bình quân của chị từ nghề này khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Ông Đặng Văn Nhỏ, nhà ở 40/11/6, Bạch Đằng (TP.Vũng Tàu), chủ thầu đóng ghe cho hay: “Trong đội thợ đóng ghe của tui thì nữ chiếm 1/3. Mấy cổ làm rất tốt những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay. Đặc biệt là mấy cổ ít khi… nhảy việc hay ứng tiền rồi đi mất tiêu! Phụ nữ nghề này thường làm theo nhóm, bền bỉ và rất có trách nhiệm”.

Theo anh Cao Sơn, cán bộ phụ trách Thương mại – dịch vụ phường 5, TP.Vũng Tàu: phường 5 có 13 hộ kinh doanh ngành hàng ngư lưới cụ, hầu hết do phụ nữ làm chủ, vốn liếng mỗi hộ từ chừng vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Hàng hóa nhiều, mối hàng ở khắp nơi, nhưng các chị nhớ không sai một việc gì. Khách mua từ một cái lưỡi câu hay hàng ngàn mét lưới loại gì, giá bao nhiêu, các chị nói vanh vách. Khi khách gấp, kẹt người, các chị tự chở hàng xuống bến. Các chị làm ăn trong nghề dịch vụ hậu cần nghề biển thường sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống nghề biển nên rất hiểu việc và nhanh nhẹn, tháo vát. Chắc đó cũng là cái duyên làm ăn trời cho các chị.

baobaria

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video