Làm giàu từ mãng cầu

13/05/2010
Từ đôi bàn tay trắng, người phụ nữ ấy có tất cả nhờ sự cần cù, chịu khó lao động không biết mệt mỏi của mình...

Đến xã Tân Phước (La Gi) hỏi thăm gia đình bà Lã Thị Y, dân trong vùng không ai là không biết. Bởi lâu nay bà vốn nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi đầy nghị lực ít ai bằng và còn nổi tiếng vì vườn mãng cầu  luôn sai quả nhất vùng này. Nhà bà Y nằêm sâu tít trong khu đất rẫy thuộc thôn Phước Thọ, đã ngấp nghé tuổi 60 nhưng nhìn bà vẫn còn rất trẻ so với tuổi của mình. Gặp chúng tôi bà tâm sự, vốn dân gốc ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi, nhưng sau giải phóng thấy cuộc sống quá cơ cực, bà cùng chồng dắt các con vào vùng đất này để tìm kế sinh nhai. Thuở ban đầu lập nghiệp, cuộc sống với muôn vàn khó khăn vì cả gia đình không có tài sản, vốn liếng làm ăn. Đã vậy, chỉ ít năm sau khi dắt díu cả gia đình vào vùng đất mới ở Tân Phước, cơn bạo bệnh đã khiến chồng bà đột ngột ra đi, để lại mình bà với những đứa con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi lớn, đứa nhỏ nhất chỉ mới chập chững tập đi. Cả nhà tưởng chừng phải đùm túm nhau trở về quê cũ, vì lúc ấy vùng đất này còn rất hoang vu. Nhà lại không có đàn ông, không có chỗ dựa vững chắc, bà sợ mình và các con không vượt qua được. Vậy mà, với nghị lực và bản lĩnh kiên cường của mình, bà quyết định cùng các con tiếp tục bám trụ lại mảnh đất này. Một phần vì lo ngại khi trở về quê cũ, không có đất các con sẽ không có cái ăn, phần vì mọi kế hoạch, dự định của hai vợ chồng hiện vẫn còn dang dở.

Vào vùng đất mới khô cằn thiếu nước, cây cối cằn cỗi. Nhưng tại khu đất bà mua lại của người khác, duy nhất chỉ có cây mãng cầu là luôn vươn mình đầy sức sống. So sánh trái mãng cầu ở nhiều vùng khác, thấy trái ở vùng này luôn to và có vị ngon, ngọt đặc trưng mà khó vùng nào sánh kịp. Biết được lợi thế này, bà nhờ người quen hướng dẫn và xuống giống mãng cầu trên diện tích 1,5 mẫu đất trống quanh nhà. Những năm đầu mới trồng thử nghiệm, mỗi năm bà làm hai vụ, một vụ chính và một vụ nghịch. Nhưng thời gian sau, bà nhận thấy ở vùng này mỗi khi vào chính vụ, trái chín bạt ngàn thu hoạch không xuể, nên lúc ấy mãng cầu thường rớt giá. Kể từ đó, bà tìm cách lặt lá, bẻ trái bói, bẻ rộ… để mãng cầu chỉ ra hoa kết trái vào vụ nghịch. Mỗi năm bà vẫn làm hai vụ nhưng đều thực hiện ở vụ nghịch (trước và sau vụ chính). Vào mùa nghịch, mãng cầu trở nên hút hàng nên giá rất cao, thương lái đến tận nhà để đặt hàng. Nhờ sự năng động chuyển đổi trong làm ăn, nên giờ đây hiệu quả mang lại từ vườn mãng cầu rất cao. Mỗi vụ bà lãi ngót nghét gần 200 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư cho vườn cây rất ít. Cộng thêm lợi thế nguồn nước dồi dào quanh năm (bà tự làm hồ chứa nước tưới), bà là một trong số ít hộ dân duy trì trồng mãng cầu hai vụ nghịch. Không giấu nghề, mỗi khi có người đến hỏi thăm chuyện làm ăn, bà đều tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng mãng cầu năng suất cao, cho bà con cùng thực hiện góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Bên cạnh trồng mãng cầu, bà còn trồng ớt xen canh để tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy mà mỗi năm, chỉ riêng thu nhập từ cây ớt đã mang lại cho gia đình vài chục triệu đồng. Tận dụng những khu đất trống đang trồng ớt, bà tiếp tục thả nuôi mấy chục ký dông giống. Bởi bà tin rằng vùng đất cát động này sẽ rất phù hợp khi nuôi dông lấy thịt. Hiện tại, dù chưa xuất bán lứa dông nào, nhưng con dông đang phát triển rất tốt, đúng theo kích cỡ yêu cầu. Những năm qua bà luôn được tỉnh, huyện tặng danh hiệu công nhận nông dân sản xuất giỏi. Từ đôi bàn tay trắng, giờ đây bà và các con đã có tất cả, nhờ ý chí và sự cần cù lao động. Điều hạnh phúc nhất đối với bà là được nhìn thấy các con trưởng thành và sống quây quần quanh mình. Học theo mẹ, các con bà cũng rất siêng năng, chịu khó làm ăn nên mỗi người đều có cơ ngơi riêng, cùng nằm trên mảnh đất rộng lớn của mẹ mình gầy dựng.

Theo baobinhthuan online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video