Lai Châu: Bữa ăn dinh dưỡng giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em: khó thực hiện do tỷ lệ đói nghèo cao

18/10/2011
Sau 13 năm thực hiện Mô hình giáo dục dinh dưỡng kết hợp thực hành chế biến bữa ăn hợp lý cho trẻ trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao (27%) và cao hơn cả nước 8,5%. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là việc khó thực hiện do tỷ lệ đói nghèo của tỉnh còn cao.

5 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm với mức độ chậm, tỷ lệ giảm nhiều nhất là 1,4%/năm; tỷ lệ giảm ít nhất là 0,4%/năm. 8 tháng năm 2011, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 27% năm 2011. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng toàn tỉnh là 22,5%

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Chăm sóc SKSS đã thành lập mạng lưới chăm sóc SKSS từ tỉnh đến cơ sở. Tại các huyện thành lập Đội chăm sóc SKSS; các xã có cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và 100% số bản có cộng tác viên dinh dưỡng (CTVDD). Đội ngũ này có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn chị em trong độ tuổi sinh đẻ biết cách sử dụng nguồn dinh dưỡng hợp lý tại nơi sinh sống từ các loại rau, củ, quả.

Ngoài việc hướng dẫn chị em tận dụng các loại thức ăn ở xung quanh môi trường sinh sống để chế biến bữa ăn cho trẻ hợp lý, CTVDD còn hướng dẫn chị em sử dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong thời gian thai kỳ, cách cho con bú, chăm sóc trẻ thời kỳ sơ sinh và giai đoạn trẻ phát triển. Qua tuyên truyền, có trên 85% chị em ở các thôn bản đã hiểu rõ được cách chế biến một bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo mỗi bữa ăn của trẻ có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thật không dễ.

Hiện nay, tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh còn ở mức cao (trên 40%), việc duy trì bữa ăn gia đình đảm bảo về số lượng đã khó, tăng về chất lượng lại càng khó hơn. Đối với các chị em phụ nữ vùng cao, vùng sâu, vùng xa quanh năm lam lũ với công việc đồng áng, đi làm từ sáng đến tối mịt mới về nên không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Bản thân các chị em trong giai đoạn mang thai cũng không có điều kiện để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý nên tình trạng suy dinh dưỡng thai kỳ là điều không tránh khỏi.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS, để rút ngắn khoảng cách chênh lệch tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng toàn tỉnh so với cả nước, cần phải có một khoảng thời gian rất dài. Có thể là 5 năm hoặc nhiều hơn bởi căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương, hiện nay tỉnh ta mới đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 1%. Mục tiêu đó có khả năng thực hiện được nhưng nếu so sánh với các tỉnh miền xuôi cũng còn nhiều điều phải trăn trở. Bởi với các tỉnh miền xuôi, đang đặt ra mục tiêu “làm thế nào để giảm tình trạng béo phì ở trẻ em’, còn với tỉnh ta thì hoàn toàn ngược lại”.

Chúng tôi có dịp trao đổi với các chị em đang mang thai và trong thời gian nuôi con nhỏ ở bản Thành Lập (phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu). Bản Thành Lập có tỷ lệ sinh con thứ 3 tương đối nhiều nên các bà mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái. Chị Mùa A Dơ sinh con thứ 4 được 1tháng nhưng đã phải làm công việc đồng áng. Khi chúng tôi hỏi về những suy nghĩ sau khi tham gia mô hình “bữa ăn dinh dưỡng”, chị bày tỏ: “Biết làm thức ăn cho con như thế là rất ngon, nhưng con đông, cuộc sống gia đình lại khó khăn. Vào mùa giáp hạt, gia đình tôi còn thiếu gạo ăn. Lo cho 4 đứa con ăn no đã khó thì làm sao sao có điều kiện để mua thịt, trứng cho con được?.

Trăn trở về chất lượng dân số trong tương lai, bà Giáp Thị Chỉ - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh cho biết: “Trẻ suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng lớn đến thể lực, trí lực và tinh thần. Nếu không có biện pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hôm nay chắc chắn sẽ không thể nâng cao chất lượng dân số trong tương lai”.

Để có một xã hội giàu mạnh, phát triển bền vững thì nguồn nhân lực đóng vài trò rất quan trọng. Chăm lo cho thế hệ trẻ chính là chăm lo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển nhân tài cho ngày mai. Do vậy, vấn đề mấu chốt trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chính là nâng cao mức sống người dân và đầu tư nhiều hơn cho thế hệ tương lai kế cận.

Theo Thu Trang, BLC

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video