Kinh nghiệm để thành công trên con đường làm khoa học

21/03/2012
Nhà khoa học nữ phải cố gắng gấp đôi nam giới

Đó là lời chia sẻ của các nhà khoa học nữ tại buổi giao lưu với các nữ sinh viên xuất sắc do TW Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia tổ chức tại Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 vừa qua.

Các nhà khoa học nữ đã thẳng thắn chia sẻ: để có được thành công, mỗi người nghiên cứu khoa học đều phải chấp nhận hi sinh. Đặc biệt đối với những nhà khoa học nữ - sự cố gắng, nỗ lực luôn phải nhiều gấp đôi nam giới. Bởi lẽ ngoài việc nghiên cứu khoa học, phụ nữ còn phải thực hiện thiên chức làm mẹ, của mình. Những khó khăn đến với họ có thể là những lực cản của bản thân, từ gia đình và cũng có thể là do định kiến của xã hội. Không phải bất cứ nhà khoa học nữ nào cũng nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình để có thêm động lực khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học; có không ít chị bị phản đối bởi định kiến cho rằng con gái chỉ cần học ít, quan trọng là lấy chồng, sinh con, lo toan công việc gia đình…

Chính vì thế, để có được thành công, trước hết người phụ nữ phải biết nuôi dưỡng những ước mơ, lý tưởng, niềm đam mê đối với lĩnh vực khoa học đã chọn. Bên cạnh đó, mỗi người cần có sự dấn thân bởi nghiên cứu khoa học là một con đường dài. Trước khi đến được với thành công, nhiều khi người phụ nữ phải đơn độc rất lâu trên con đường đó. Động lực để phấn đấu là kết quả trong nghiên cứu của mình – và thường rất nhỏ bé qua từng ngày, từng ngày…

Phát biểu ý kiến trong buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh chia sẻ: “Chúng tôi luôn trân trọng những đóng góp của các nhà khoa học nữ. Chúng tôi biết để đến được mỗi thành công, các chị đã phải nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi. Đặc biệt đối với những nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, quá trình tìm tòi, mày mò nghiên cứu rất lâu, ít có được sự đồng hành, chia sẻ. Nhưng các bạn hãy cứ tin – kết quả của mình sẽ được xã hội hỗ trợ và ghi nhận xứng đáng”.

Nhà khoa học nữ cũng phải đảm đang

Nói về vai trò người phụ nữ nghiên cứu khoa học trong gia đình, các nữ sinh viên băn khoăn trước thực tế: làm sao để có thành công trên con đường sự nghiệp nhưng vẫn giữ được “lửa ấm” trong gia đình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên khẳng định, trong chiến tranh, phụ nữ Việt Nam nổi tiếng với phong trào “Ba đảm đang”, thay nam giới đảm nhiệm tốt cả việc gia đình, xã hội khi chồng đi chiến đấu. Ngày nay, nhiều người cho rằng phụ nữ hiện đại không cần phải đảm đang vì đã có nhiều dịch vụ để trợ giúp người phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế của xã hội cho thấy, người phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH không thể không đảm đang. Có thể do bận công việc xã hội, nhiều khi người phụ nữ không trực tiếp làm những công việc gia đình nhưng họ vẫn luôn là linh hồn của mái ấm và đảm nhiệm vị trí “nội tướng” trong gia đình.

“Khi tôi về nhà, chiếc áo giáo sư phải để ngoài cửa, tôi trở về là người phụ nữ của gia đình – cũng là bà, là mẹ, là vợ như bao người phụ nữ khác”… - Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Đặng Kim Chi (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ. Người phụ nữ làm khoa học cũng phải thực hiện những bổn phận làm mẹ, làm vợ: chăm sóc con cái, lo toan cho gia đình với đủ các mối quan hệ đối nội, đối ngoại… Chính vì thế, cân bằng được cuộc sống gia đình và sự nghiệp là yếu tố quyết định thành công của các chị. Bởi hai cuộc sống đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, như một chiếc bập bênh, nếu dồn sức vào một đầu thì không thể có được sự bền vững.

Giáo sư, TSKH Phạm Thị Trân Châu - Phó Chủ tịch UBGT Kovalepxkaia, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam đã đưa ra một lời khuyên từ những trải nghiệm: Nữ sinh viên cần có lòng tự trọng bởi lẽ chỉ khi các em tôn trọng bản thân thì nam giới mới có thể trân trọng mình. Các bạn trẻ hãy cố gắng chọn cho mình bạn đời phù hợp, đó chính là người sẽ kề vai sát cánh cùng mình suốt cuộc đời. Người phụ nữ chông chênh, thất bại trong cuộc sống gia đình thì khó mà dấn thân đến cùng trên con đường nghiên cứu khoa học. Giáo sư cũng tự hào đưa ra lời khuyên cho các bậc nam giới có mặt tại buổi giao lưu: Nếu các đấng mày râu phải lựa chọn giữa người phụ nữ xinh đẹp và người phụ nữ thông minh, hãy chọn cho mình người phụ nữ thông minh vì điều đó không chỉ là yếu tố cơ bản đảm bảo cho hạnh phúcmà còn là nền tảng tuyệt vời cho con cái.

Khi phụ nữ làm khoa học không có nghĩa là họ khô khan và kém xinh đẹp. Các chị khẳng định sự nữ tính là một trong những yếu tố không thể thiếu của người phụ nữ làm khoa học. Ở các chị luôn toát ra vẻ đẹp của ý chí dẻo dai bền bỉ, vẻ đẹp trí tuệ, nội tâm. Nói về bí quyết cho sự trẻ trung của mình, các nhà khoa học đều đồng nhất một ý kiến: Hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống, với công việc, với đam mê của mình là bí quyết để có một thể chất khỏe mạnh và luôn tươi trẻ.

Đằng sau thành công của các chị là những mái ấm gia đình hạnh phúc, là bóng dáng những người đàn ông vẫn ngày ngày dõi theo những thành công, chia sẻ vai trò chăm sóc gia đình cùng các chị. PGS,TS Lê Thị Thanh Nhàn (Hiệu phó trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) kể về cậu con trai noi gương mẹ, phấn đấu học tốt tiếng Anh với mong ước được đi nước ngoài… “nhiều như mẹ”. PGS-TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã xúc động khi kể câu chuyện về người chồng tự ví mình là “hòn vọng thê”, là một dãy số 0 đứng đằng sau số 1 – người vợ yêu của mình.

Buổi giao lưu giữa các nhà khoa học và các nữ sinh viên xuất sắc đã để lại trong lòng các bạn trẻ nhiều ấn tượng sâu sắc. Đối với các bạn, đây chính là một món quà, một sự động viên khích lệ lớn để nữ sinh viên vững tin trên con đường chinh phục những đỉnh cao khoa học, khẳng định vị thế, tài năng của phụ nữ Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc Đổi mới của đất nước.

Lê Diệu Linh (Ban Tuyên giáo)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video