Kiên trì cảm hóa những mảnh đời lạc lối

22/01/2021
Những đối tượng được cô cảm hóa đa phần có hoàn cảnh sống rất phức tạp. Dù nhiều lần lòng tin đặt nhầm chỗ nhưng cô vẫn kiên trì và bao dung, mở ra cơ hội tái hòa nhập cuộc sống cho những con người lầm đường lạc lối.
Cô Đông luôn tích cực trong công tác Hội, chăm lo cho phụ nữ và trẻ em

Cô Trần Thị Đông năm nay 69 tuổi, là Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN P.3, Q.4. Cô Đông sinh sống tại tầng trệt của một chung cư thuộc khu phố 3. Người dân nơi đây đã quen với sự có mặt của cô mỗi khi xảy ra các vụ bạo lực gia đình. Chị em nào có hoàn cảnh khó khăn cô đều biết, thậm chí cô còn chủ động gọi điện để hỏi han rồi tìm cách giúp đỡ. Là chung cư tái định cư nên hoàn cảnh của nhiều hộ dân tương đối phức tạp. Cô Đông cũng từng đặt niềm tin chưa đúng chỗ, đến giờ vẫn còn bị quỵt nợ, nhưng cô vẫn đeo bám, kiên trì thuyết phục những phận người lầm đường lạc lối quay trở lại con đường đúng đắn.

Chị N.T.V., 40 tuổi, lấy chồng nhưng không hạnh phúc. Sau khi ly hôn, chị V. về sống với bố mẹ tại khu phố 3, Q.4. Nhưng chị V. không có nghề nghiệp, bố mẹ già yếu và phải chạy cơm từng bữa. Buồn đời, chị đã sa ngã vào cờ bạc, đề đóm, nợ tín dụng đen. Biết chuyện, cô Đông đã cho chị V. mượn tiền trả nợ tín dụng đen và giới thiệu vay 3 triệu đồng từ Hội LHPN phường mở quán ốc dưới sân chung cư để có đồng ra đồng vào đỡ đần cha mẹ. Không dừng lại, cô Đông còn vận động chị V. tham gia Hội LHPN phường với mục đích kéo chị đến các hoạt động cộng đồng, rời xa các mối quan hệ xấu. Thế nhưng chưa được hai tuần thì chị V... mất tích.

Cứ tưởng đặt niềm tin sai chỗ một lần thì cô Đông sẽ dè dặt, thận trọng hơn khi giúp người. Nhưng không, cô lại tiếp tục mở lòng với cháu gái của V. là chị M., 38 tuổi, có hai con nhỏ. Chồng M. làm nghề bốc xếp, M. thất nghiệp nhưng lại chìm đắm trong số đề và tín dụng đen. Cô Đông hẹn gặp chị M. rồi tỷ tê phân tích, đại ý rằng: phải có nghề nghiệp để làm gương cho con, để sau này con cái lớn lên sẽ không khổ như mình. Rồi cô Đông giới thiệu chị M. đi học lớp uốn tóc của Hội tổ chức. Học chưa được vài bữa thì chị M. bỏ học với lý do có bầu đứa con thứ ba, sợ mùi thuốc uốn tóc ảnh hưởng em bé. Không nản chí, cô Đông thuyết phục chị M. tham gia Hội LHPN phường, bảo lãnh chị vay vốn của Hội để buôn bán nước sâm và nước rửa chén.

Tại chung cư nơi cô Đông ở có một hộ gia đình rất hay đánh lộn. Một căn hộ 60m2 mà hơn 20 người sinh sống, hàng xóm than phiền vì những tiếng chửi thề, đánh đập con cái. Đó là hộ gia đình anh T., chị D. Người chồng làm lao động phổ thông tự do, còn cô vợ trẻ không nghề nghiệp mà còn dính tệ nạn xã hội, người gầy như xác ve. Bố anh T. bị di chứng sau tai biến, vận động khó khăn khiến hoàn cảnh gia đình càng thêm bi đát. Một lần cô Đông đi mua đồ trong cửa hàng tiện lợi dưới chân chung cư thì nghe tiếng người mẹ chửi thề, mắng mỏ đứa con nhỏ. Cô nhíu mày nhìn thì nhận ra đó là chị D. Ngay khoảnh khắc ấy, cô Đông hạ quyết tâm...

Cô Đông rủ chị D. về nhà mình chơi rồi gợi ý thuyết phục chị tham gia làm hội viên Hội LHPN phường. Cô Đông giới thiệu cho chị D. theo học lớp đan móc do Hội tổ chức, xin cho gia đình chị chứng nhận hộ cận nghèo để các con đi học mầm non được miễn giảm học phí. Rồi cô Đông còn bảo lãnh để Hội LHPN phường đề xuất Ngân hàng Chính sách cho bố chồng chị D. vay tổng cộng 20 triệu đồng để làm vốn bán vé số ngay dưới chân chung cư. Nhờ thế mà gia đình chị D. có thu nhập ổn định, hàng xóm cũng ít nghe thấy tiếng cãi vã, chửi thề.

Tham gia công tác Hội từ năm 2006, cô Đông luôn kiên trì với các chị em cho dù họ lầm đường lạc lối, sa ngã vào tệ nạn xã hội, bởi cô tâm niệm rằng: nếu làm công tác hội mà mình bỏ rơi họ, không kiên trì đeo bám thì trên đời này còn ai mở lòng với họ nữa.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video